Gia sư, bồi bàn, nhân viên tiếp thị, bán hàng… là những nghề làm thêm lí tưởng thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Mấy năm gần đây, xuất hiện một “nghề” làm thêm khác: “bê tráp” phục vụ các đám cưới-hỏi.
Từ làm cho vui đến... chuyên nghiệp
Bạn tôi là sinh viên Đại học Công Đoàn kể: "Hồi đầu mình thấy đứa bạn rủ đi bê tráp hộ cho anh trai cưới, thấy vui vui là đi thôi. Cả bọn rồng rắn đến, quần áo chỉnh tề rồi cứ nhìn nhau bụm miệng mà cười. Chẳng mệt mỏi gì mà lại được làm quen với đội hình bê tráp bên nhà gái. Đi một lần rồi đến lần sau cứ đứa nào rủ đi bê tráp hộ anh em họ hàng là lại đi tiếp. Vui là chính mà. Không riêng gì cánh sinh viên nam mà sinh viên nữ cũng rất hào hứng giúp đỡ bạn bè mình đỡ tráp, lại còn rủ rê thêm bạn đi cùng cho vui, nhân tiện học hỏi… kinh nghiệm cưới xin.
![]() |
![]() |
Những đội hình bê, đỡ tráp... miễn chê |
Bây giờ thì bạn tôi đã trở thành một tay bê tráp chuyên nghiệp từ cách ăn mặc, cách bê, đến cách… cười cũng… miễn chê. Từ chỗ đi cho vui, cậu bạn được giới thiệu hẳn với một trung tâm dịch vụ cưới xin và về “đầu quân” cho họ có lương thưởng đàng hoàng.
Những trung tâm dịch vụ này thỉnh thoảng cũng có phát tờ rơi tại các trường đại học tìm người nhưng hoạt động chủ yếu của họ là làm việc theo kiểu “chân rết”. Mỗi trường đại học sẽ có một hoặc nhiều sinh viên làm nhiệm vụ “cắm bản”, tìm kiếm người làm. Tất nhiên là những ai được chọn đều phải đáp ứng yêu cầu về ngoại hình và thỏa thuận tiền công rất rõ ràng. Có sinh viên chỉ đi một lần cho biết, cho vui, nhưng cũng có những sinh viên coi đây là công việc kiếm tiền của mình nên “bám trụ” và trở thành “chân rết” chuyên “dắt mối” hoặc sẵn sàng thế chân khi không đủ người.
Mỗi lần “hành nghề”, những cô cậu sinh viên được trả công khoảng từ 80 - 100 nghìn đồng, chưa kể đến “tiền duyên” được phía nhà gái (hoặc nhà trai) tặng theo nghi lễ. Việc thuê sinh viên đi bê tráp đã không còn là chuyện lạ ở các đám cưới trong mấy năm gần đây nữa, nhất là khi cô dâu, chú rể không tìm được đủ bạn bè để giúp. Hơn nữa, nếu thuê người thì đội hình còn đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn nên tránh được những sai sót không đáng có. Vì thế, phó mặc cho một trung tâm dịch vụ ăn hỏi ... cho gọn trở thành tâm lý chung của nhiều người và tạo kiện cho dịch vụ phát triển.
Và những nỗi lo...
Tôi thắc mắc với cậu bạn về nỗi lo đi bê tráp nhiều rồi mất duyên như ông bà ta vẫn thường nói. Cậu bạn nhún vai: “Lúc đầu nghe bảo nếu đi quá 3 lần thì sẽ mất duyên, mình cũng thấy chờn chợn. Nhưng mà muốn có thêm đồng ra đồng vào nên phải đi thôi, với lại đi riết rồi cũng quen! Chẳng thấy lo gì nữa mà đôi khi duyên cũng do mình tạo ra.
![]() |
Đi bê tráp nhiều liệu có ... mất duyên? |
Khác với cách phát biểu lạc quan của cậu bạn, Hương - cô bạn gái học cùng trường có vẻ ái ngại: “Em là con gái nên nghĩ cũng thấy lo lo. Kể cho mấy bà chị nghe, các chị ý khuyên là nếu “bê” quá 3 lần thì khi về nhất định phải “chôm” được bất cứ cái gì nhỏ nhỏ của nhà gái về để “giải” thì mới xong. Báo hại, mỗi lần như thế, em cứ run cầm cập, sợ bị bắt gặp thì xấu hổ lắm. Cũng chẳng lấy cái gì to tát, khi thì cái chén, khi thì cây nến… tủn mủn thế nên ngượng. Có lần em suýt khóc vì run run mãi mới “thửa” được cái chén của nhà gái, nhưng khi về đến nhà mới tá hỏa vì phát hiện nó bị… sứt quai. Đôi khi cũng nghĩ đó là chuyện mê tín nhưng vẫn không yên tâm lắm".
Hương nói: “Dù sao, đi làm như thế mình cũng vui lây với đám cưới của cô dâu chú rể, cảm giác mình cũng làm được gì đó nho nhỏ cho hạnh phúc của họ”. Hay đơn giản như cậu bạn tôi là: “Đi bê tráp nhiều khi cũng xả được… stress đấy, bớt căng thẳng vì chẳng phải suy nghĩ gì nhiều mà lại có tiền lương, xong việc về học, tinh thần lại còn tốt hơn nữa”.
Lê Huyền
▪ "Chân dung" người phỏng vấn (26/11/2008)
▪ 'Nhảy việc' - lợi bất cập hại (26/11/2008)
▪ Công nhân chán việc (26/11/2008)
▪ "Hãy làm việc với những người thông minh hơn hẳn bạn!" (25/11/2008)
▪ Lao động VN ở Đài Loan:Thắc thỏm lo thiếu việc làm (25/11/2008)
▪ Kéo dài thời gian thử việc: Xử phạt quá nhẹ! (25/11/2008)
▪ 4 bước để bắt đầu một sự nghiệp mới (25/11/2008)
▪ TP.HCM: trắc nghiệm “Pre - Fass” dành cho SV các trường ĐH-CĐ (24/11/2008)
▪ 6 điều giết chết khát vọng thăng chức (24/11/2008)
▪ Làm gì khi đồng nghiệp bạn là người khó tính (24/11/2008)