Công nhân trước nguy cơ mất việc hàng loạt
Các Website khác - 18/11/2008

 

Công nhân Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 phản ánh chỉ được làm việc mỗi tuần 3 ngày, thu nhập không đủ sống. Ảnh: N. Quyết

Đơn hàng bị cắt giảm, không ổn định khiến nhiều doanh nghiệp tại TPHCM phải đóng cửa hoặc cho công nhân làm việc cầm chừng

“Hơn một tháng kể từ khi công ty đóng cửa, chúng tôi chạy khắp nơi tìm việc nhưng đều bị từ chối. Nhiều người nản chí bỏ về quê, số còn lại thì cố gắng tìm công việc thời vụ đắp đổi qua ngày”. Một nhóm công nhân (CN) Công ty TNHH Silver Star (chuyên gia công giày; quận Bình Tân - TPHCM) đã than thở như vậy khi tiếp xúc với chúng tôi chiều 16-11. Tháng 10-2008, do gặp khó khăn trong sản xuất, Công ty TNHH Silver Star đã chấm dứt hoạt động khiến hơn 1.700 CN mất việc.

Hàng loạt DN đóng cửa

Thông tin từ các ngành chức năng TPHCM cho thấy: Phần lớn các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn là DN chuyên gia công cho nước ngoài thuộc ngành dệt may, giày da. Do đơn hàng phụ thuộc vào đối tác nên khi đối tác gặp khó khăn, các DN cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Đơn hàng không ổn định trong khi vẫn phải trả lương chờ việc cho CN khiến DN cầm cự không nổi, buộc phải đóng cửa.

Lý giải việc phải đóng cửa xí nghiệp giày nữ trong tháng 10-2008, ông Nguyễn Bảo Thọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Da giày Sài Gòn (Leaprodexim Saigon), cho rằng trong tình hình suy giảm chung của kinh tế toàn cầu, việc hợp tác gia công giữa công ty và đối tác nước ngoài gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sút. Khi đối tác đơn phương chấm dứt hợp tác, công ty buộc phải đóng cửa xí nghiệp giày nữ. Còn giám đốc Công ty Sunrising Kim Vina (quận Bình Tân-TPHCM) thì thừa nhận lý do đóng cửa DN là do nền kinh tế Mỹ khó khăn đã tác động mạnh đến thị trường Hàn Quốc, hàng hóa sản xuất ra đã không bán được.

Bà Trần Thị Thiếu Liên, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân - TPHCM, cho biết: “Trong tháng 10-2008, trên địa bàn quận đã có 4 DN (có 3 DN có vốn đầu tư nước ngoài) chấm dứt hoạt động, khiến gần 2.000 CN mất việc. Nhiều nhất là tại Công ty Silver Star với 1.703 CN mất việc; ít nhất là Công ty TNHH Nhất Nguyên với 59 CN. Tương tự, tại huyện Củ Chi- TPHCM, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt DN phải đóng cửa do tình hình kinh doanh khó khăn. Khi Công ty Hoàn Cầu (chuyên may túi xốp) đột ngột ngừng hoạt động, gần 50 CN hết sức choáng váng, bởi ngoài những khó khăn khi tìm việc làm mới, họ vẫn chưa nhận được đầy đủ tiền lương. Cùng thời điểm này, Công ty Yến Phong, với gần 100 lao động, sau một thời gian dài cầm cự cũng đóng cửa. Các Công ty Huynh Đệ Tề Hùng, Công ty Mành trúc Bình Minh, Công ty Liên doanh Quán Hải... cũng chung cảnh ngộ.

Việc làm cầm chừng, thu nhập bấp bênh

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ giữa quý II/2008 đến nay, rất nhiều DN phải cho CN nghỉ chờ việc hoặc bố trí làm việc cầm chừng do đơn hàng không ổn định. Tại KCN Tân Tạo và Vĩnh Lộc, gần hai tháng qua, tình trạng DN cho CN nghỉ chờ việc luân phiên diễn ra khá thường xuyên. Mới đây, Công ty Hùng Mẫn (KCN Vĩnh Lộc) phải cắt giảm hơn 550 CN do nguồn hàng từ Mỹ bị cắt. Tại KCX Linh Trung I, một DN đã không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với 1.000 CN vì không có đơn hàng. Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP, hiện có gần 20 DN gặp khó khăn, không thể bảo đảm việc làm ổn định cho CN.

Thông tin từ LĐLĐ huyện Hóc Môn - TPHCM cho biết: Từ giữa tháng 10-2008, hàng loạt DN trên địa bàn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tại huyện Bình Chánh - TPHCM, gần chục DN âm thầm đóng cửa, gom góp chút tiền trả lương cho CN. Còn tại quận 12 - TPHCM, do khó khăn về đơn hàng, Công ty Hoa Biển Việt phải giảm 50% lao động. Cán bộ nhân sự một công ty chuyên gia công sản xuất giày thể thao có gần 10.000 CN tại huyện Củ Chi, nói: Năm 2009, đơn hàng của công ty giảm 20% -30%, chắc chắn tình hình việc làm cho CN sẽ khó khăn gấp bội.

Lao đao tìm việc

Trầy trật tìm việc làm mới hoặc ở lại DN cầm cự với đồng lương bấp bênh là tình cảnh chung của hàng ngàn CN tại các DN hiện nay. “Nhiều DN rao tuyển CN nhưng chủ yếu là công việc thời vụ. Tết sắp đến rồi mà cứ lông bông mãi thế này, tiền đâu gởi về quê!”- anh Hùng, CN Công ty Công nghệ May mặc Việt Nam (quận Thủ Đức - TPHCM), than thở. Hùng là một trong số 200 CN bị mất việc khi công ty đóng cửa trong tháng 10-2008.

Tình cảnh mất việc khiến mọi dự tính của CN khi năm hết Tết đến đảo lộn. Chiều 16-11, ghé khu nhà trọ của CN xí nghiệp giày nữ Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Da giày Sài Gòn, chúng tôi thấy nhiều CN chuyền tay nhau tờ rơi tuyển lao động của các DN gần đó. Một nữ CN tên Phúc cho biết: “Nhiều DN rao tuyển nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi thấy khả năng được ký hợp đồng rất khó; thậm chí phải trải qua thời gian thử việc, thi tay nghề. Nản chí, nhiều người đã bỏ về quê, chờ sau Tết trở lại tìm việc”. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với CN các công ty BS Foorwear, Silver Star gần một tháng nay. Tất cả đều chạy đôn chạy đáo tìm việc, trong khi các khoản trợ cấp vừa nhận được cứ cạn dần.

Người lao động đòi quyền lợi, yêu cầu chủ tịch HĐQT từ chức

Sáng 17-11 tại Hà Nội, gần 100 CN Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 đã tụ tập đòi quyền lợi, yêu cầu bãi miễn chức vụ chủ tịch HĐQT, giám đốc kiêm bí thư Đảng ủy của ông Lê Ngọc Phan. Tập thể CN cho biết sau 3 năm cổ phần hóa, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty liên tục bị thua lỗ. Hiện tại, người lao động (NLĐ) chỉ được làm việc 3 ngày/tuần với thu nhập khoảng 700.000 đồng/người/tháng, không thể bảo đảm cuộc sống. Trong khi, trước đây, khi chưa cổ phần hóa, đời sống NLĐ ổn định, thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Quý Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dược VN, trong cuộc họp với HĐQT sáng cùng ngày đã yêu cầu HĐQT kiểm điểm trách nhiệm, đề nghị ông Phan xem xét năng lực lãnh đạo và nếu thấy cần, phải mạnh dạn từ chức. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Ngọc Phan cho rằng những thua lỗ chủ yếu do công ty chưa đạt tiêu chuẩn GMP nên chỉ sản xuất Đông dược. Trước bức xúc của NLĐ, ông Phan bày tỏ ý định từ chức chủ tịch HĐQT và cho biết sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 28-11.

N.Quyết

Hồ Tùng Dương