Doanh nghiệp xuẩt khẩu lao động đề nghị:Sử dụng quỹ rủi ro để hỗ trợ lao động mất việc về nước
Các Website khác - 23/02/2009
 Sức ép về việc người lao động mất việc làm đang ngày càng tăng, các con số dự báo cho thấy tình hình còn xấu hơn trong mấy tháng tới đây. Các ban ngành, đặc biệt là ngành lao động đang nỗ lực để giảm bớt những hệ quả tiêu cực...
Trong 4 tháng qua, lượng lao động xuất khẩu về nước trước thời hạn hợp đồng là trên dưới 5.000 người. Đây là con số mà ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết. Tình hình lao động về nước trước hạn còn tiếp tục gia tăng, nhất là ở các thị trường Đài Loan, Malaysia.
 

Người lao động Việt Nam làm việc trên một công trường xây dựng ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. (Ảnh: Internet)

“Cục quản lý lao động ngoài nước đã phổ biến chính sách của các nước có tiếp nhận lao động Việt Nam đối với người lao động ngoài nước bị mất việc. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động khi đòi các quyền lợi này....”, ông Hải nói. Tuy nhiên, việc phải đòi quyền lợi ấy vẫn chỉ là bất đắc dĩ, không ai mong muốn. Và khi mọi biện pháp tìm việc mới cho người lao động không thành và họ phải lên đường về nước thì phải tính toán làm sao để hỗ trợ họ đỡ thiệt thòi nhất.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý hợp đồng với người lao động về nước trước hạn đúng và nhanh nhất. Và hiện nay đang cân nhắc để có thể có kinh phí hỗ trợ cho các lao động này. Một trong những nguồn quan trọng có thể có được là từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã có đề nghị sử dụng quỹ này. Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong quy chế, quỹ này được dùng để hỗ trợ cho hai đối tượng là thân nhân của người lao động bị chết (nhóm 1) và người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc phải về nước trước hạn (nhóm 2).

Như thế, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phải tính toán và đề xuất phương án bổ sung đối tượng, hướng dẫn cụ thể về thủ tục, mức chi phù hợp. Mức hỗ trợ tối đa của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đối với nhóm 1 là 10 triệu đồng/người và nhóm 2 là 5 triệu đồng/người.

DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC ĐƯỢC VAY TIỀN
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp mất việc làm do suy giảm kinh tế. Phương hướng đưa ra là đối với các doanh nghiệp khó khăn, không có khả năng thanh toán thì được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi để thanh toán lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Một nguồn khác là từ Quỹ vay vốn giải quyết việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm cho hộ gia đình có người lao động mất việc cũng sẽ được bổ sung. Người mất việc làm sẽ được vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề tìm việc làm mới hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Giadinh.net