Kiến nghị thực hiện kích cầu lao động
Các Website khác - 16/12/2008

 

Tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
TT (Hà Nội) - Ngày 15-12, tại Hội nghị việc làm và xuất khẩu lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thanh Hòa đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư khi soạn thảo gói kích cầu trình Chính phủ cần quan tâm vấn đề giải quyết việc làm trong bối cảnh xuất hiện những khó khăn về kinh tế hiện nay.

“Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị thực hiện chủ trương kích cầu lao động, tạo nhiều việc làm, theo hướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường hỗ trợ đầu tư vào các ngành có sử dụng nhiều lao động như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân, những đối tượng chịu nhiều tác động nhất trong hội nhập kinh tế” - ông Hòa nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Nhà nước sẽ tăng nguồn lực đầu tư, để tập trung giải quyết việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động sao cho có hiệu quả nhất.

Phó thủ tướng nói: “Cần có những khuyến khích cả về tài chính, thuế khóa, tín dụng và đầu tư, đặc biệt đối với các đối tượng nghèo, yếu thế trong xã hội… Để giải quyết tốt việc làm và xuất khẩu lao động, các ngành như ngân hàng, tài chính, đầu tư… đều phải có chính sách, từ đó để lựa chọn và tăng nguồn lực cho lĩnh vực này. Đầu tư không chỉ từ phía Nhà nước mà toàn xã hội”.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương phải tập trung lo công tác việc làm, nhất là trong hoàn cảnh suy giảm kinh tế hiện nay đang đe dọa thất nghiệp, đe dọa thiếu việc làm. “Việc làm cho người lao động là vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia. Vì vậy cần tận dụng những lợi thế vốn có như nguồn lao động trẻ, dồi dào, có cơ chế chính sách đủ mạnh để tập trung giải quyết việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động... Bên cạnh đó mọi chính sách liên quan đến việc làm, xuất khẩu lao động phải gắn với giảm nghèo, gắn với những người yếu thế trong xã hội” - phó thủ tướng nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, mặc dù tình hình lao động có một số chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung trên thị trường lao động hiện nay cung vẫn lớn hơn cầu, sức ép về việc làm tương đối lớn, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2007 là 4,91%, ở khu vực nông thôn là 5,79%... Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Hòa cho biết hiện chưa có con số thất nghiệp cụ thể, mà Bộ LĐ-TB&XH đang trong quá trình điều tra. Theo ông Hòa, tình hình thất nghiệp ở VN hiện không diễn ra ồ ạt như các nước khác, vì có độ trễ hơn, nhưng đầu năm 2009 sẽ xuất hiện.

Về xuất khẩu lao động, ông Hòa cho biết hiện nay VN có khoảng 500.000 lao động làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, hằng năm người lao động gửi về nước khoảng 2 tỉ USD (riêng ở Hàn Quốc với gần 50.000 lao động gửi về nước trên 700 triệu USD/năm, Nhật Bản hơn 300 triệu USD/năm). Có năm số tiền người lao động gửi về cho gia đình gần bằng hoặc cao hơn thu ngân sách của địa phương (Nghệ An 690 tỉ đồng, Thanh Hóa 650 tỉ đồng, Thái Bình 638 tỉ đồng…).

Thông tin từ hội nghị cho thấy so với các nước trên thế giới có cùng mức phát triển, trình độ học vấn của lao động VN tương đối cao. Theo đại sứ VN tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình, lao động VN được phía Nhật Bản đánh giá cao bởi sự cần cù, chịu khó, sáng tạo. Bộ LĐ-TB&XH dự kiến năm 2008 có khoảng 400 tu nghiệp sinh VN sang Nhật Bản, phấn đấu năm 2009 đưa khoảng 1.000 người… Ông Bình cho biết sắp tới chương trình tu nghiệp sinh sang Nhật Bản có thể được mở rộng từ 3 năm hiện nay lên 5 năm, thu nhập năm đầu của tu nghiệp sinh là 700 USD/tháng, các năm sau có thể trên 1.000 USD/tháng…

Từ nay đến năm 2010, mục tiêu được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là: giải quyết việc làm cho 3-3,2 triệu lao động, duy trì tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 5%, giảm tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp xuống dưới 50% năm 2010, bình quân mỗi năm đưa được 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 60% lao động qua đào tạo nghề, 5-10% là lao động ở các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao.

Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên là đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015. Theo đề án, sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, đơn cử như hỗ trợ toàn bộ học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết…

VÕ VĂN THÀNH

Từ 1-1-2009 sẽ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ vừa ban hành nghị định về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực từ 1-1-2009. Theo đó, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động.

Cụ thể là 3 tháng nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN, 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN, 9 tháng nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN, 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Người lao động sẽ được hưởng BHTN khi đáp ứng đủ ba điều kiện sau: đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.

Khi người lao động đáp ứng đủ ba điều kiện trên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả, được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…

V.V.T.