Lao động đổ xô đi Hàn Quốc
Các Website khác - 29/03/2006

Gần 1 tuần nay, trước trụ sở Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội (75 Nguyễn Chí Thanh) luôn có hàng trăm người tập trung từ sáng đến chiều. Kẻ đứng, người ngồi, tất cả con mắt đổ dồn về bên trong, nơi đang tổ chức đăng ký kiểm tra tiếng Hàn cho lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc.

Anh Hùng, một tài xế taxi nhà ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, xuýt xoa: "Người nhà thông báo cho tôi muộn quá nên chờ đợi gần 4 tiếng rồi vẫn chưa lấy được tickê vào sơ tuyển tiếng Hàn. Sáng mai (29/3), tôi sẽ đến thật sớm xếp hàng, hy vọng đến lượt mình". Tuy nhiên, anh Hùng vẫn rất lo, không phải bởi trình độ tiếng Hàn vì anh đã qua 4 năm lao động tại xứ xở kim chi, mà do có quá nhiều người chờ đợi. Trong khi đó, thời hạn sơ tuyển chỉ nốt hôm nay (29/3).

Lao động xếp hàng chờ đến lượt lấy tickê vào sơ tuyển. Ảnh: N.T.

Rất nhiều lao động dù không có một chữ tiếng Hàn bỏ túi, nhưng vẫn đăng ký sơ tuyển. Theo quan sát của VnExpress, tại vòng sơ tuyển chiều 28/3, khi được đề nghị nói vài câu đơn giản bằng tiếng Hàn, kiểu như "Tôi ở Hà Nội", "Tôi đang học tiếng Hàn", hoặc phiên âm tên của mình sang tiếng Hàn, thì rất nhiều người đã im lặng. Tuy nhiên, nhiều lao động sau khi bị loại vẫn không chịu bỏ cuộc. Họ kiên nhẫn xếp hàng chờ lấy tickê để sơ tuyển tiếp.

Lượng người đến sơ tuyển đông đến nỗi đơn vị tổ chức đã phải kéo dài thời gian tiếp nhận đăng ký thêm 3 ngày, tới 29/3. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của lao động. Anh Hoài, quê Thái Bình, người đã sơ tuyển tiếng Hàn tới 2 lần, giải thích: "Ở quê có nhiều người đến tuyển lao động đi Malaysia, Trung Đông, nhưng em không đi vì lương thấp quá, chỉ 4 triệu đồng một tháng. Muốn đổi đời phải đi Hàn Quốc".

Từ năm 2006, lao động nước ngoài đến Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép mới phải có chứng chỉ tiếng Hàn. Ủy ban Chứng nhận trình độ tiếng Hàn (thuộc Hiệp hội Ngôn ngữ Hàn Quốc) trực tiếp chấm bài. Lệ phí đăng ký kiểm tra tiếng khoảng 30 USD (tương đương 480.000 đồng Việt Nam). Để tránh lãng phí cho lao động, Trung tâm lao động ngoài nước (đơn vị hỗ trợ cho phía bạn) đã tổ chức sơ tuyển, chỉ người có trình độ nhất định (tức phải qua khoá đào tạo tiếng Hàn 3-6 tháng) mới được đăng ký kiểm tra. Ngày 9/4 và 23/4 sắp tới, lao động sẽ thi tiếng tại 3 điểm: Hà Nội, Nghệ An, TP HCM.

Thực tế, với mức thu nhập trung bình 1.000-1.300 USD một tháng, điều kiện làm việc khá tốt, lao động đã tìm mọi cách để đi Hàn Quốc. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ đã lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của lao động để trục lợi. Mới đây, ngày 18/3, Công an Hà Nội đã bắt giữ Phạm Xuân Huy ở Đông Anh và Đỗ Thị Thanh ở Tây Hồ về hành vi mạo danh Công ty cổ phần thương mại du lịch Bắc Ninh, một đơn vị không có giấy phép xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc, để tuyển dụng và thu tiền bất hợp pháp của gần 260 người ở Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Phòng...

Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, việc qua được kỳ thi kiểm tra và được cấp chứng chỉ tiếng Hàn chỉ là một trong những tiêu chuẩn để được đăng ký đi lao động tại Hàn Quốc. Việc có được đi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như hạn ngạch chỉ tiêu phía Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam, sự chấp thuận của chủ sử dụng. Đến nay, hạn ngạch năm 2006 phía Hàn Quốc chưa phân cho 6 quốc gia phái cử gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Mông Cổ và Philippines.

"Lao động tuyệt đối không được nghe theo lời cò mồi, vì chương trình cấp phép lao động mới không thông qua doanh nghiệp như chương trình tu nghiệp sinh", ông Hòa khuyến cáo. Đối tượng tuyển chọn lao động theo chương trình cấp phép mới không khu trú trong nhóm bộ đội xuất ngũ, học sinh trường nghề mà đã mở rộng cho người có nhu cầu, miễn là trong độ tuổi 18-39, không tiền án, tiền sự, không thuộc diện cấm xuất cảnh, hoặc nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Muốn đăng ký dự tuyển, lao động nếu là bộ đội phải đến Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, nếu là học sinh trường nghề thì liên hệ đăng ký trực tiếp với trường nơi đào tạo, nếu là lao động tự do thì đăng ký tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Chỉ tiêu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc có thể tăng (28/10/2005)
Sẽ đưa 2.400 lao động sang Hàn Quốc (26/10/2005)
VN không chấp nhận tuyển lao động xuất khẩu qua Internet (05/09/2005)
Lao động về nước đúng hạn có thể quay lại Hàn Quốc (22/06/2005)
9.500 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc phải về nước (27/04/2005)
Xem tiếp»