Mỏi mắt tìm lao động nghề
Các Website khác - 23/09/2008

 

Lao động nữ do Sovilaco tuyển chọn đang làm việc trong một nhà máy ở Malaysia. Ảnh: C.T.V

Dạy nghề trong nước chưa theo chuẩn nghề quốc tế, khiến lao động xuất khẩu khi phỏng vấn không đáp ứng yêu cầu của đối tác

Trong 2 năm trở lại đây, việc tìm kiếm đơn hàng và khai thác thị trường lao động ngoài nước không còn là nỗi lo đối với các doanh nghiệp (DN) XKLĐ VN. Nhiều DN dư thừa đơn hàng, thậm chí có nhiều đơn hàng cung ứng số lượng lớn lao động kỹ thuật sang các thị trường thu nhập cao. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là không tìm được lao động đáp ứng yêu cầu, không ít DN phải hủy hợp đồng.

Đơn hàng chờ người lao động

Hiện nay, ở những quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động VN, nhiều tập đoàn, nhà máy sản xuất công nghiệp, cơ khí chế tạo, xây dựng đã lập kế hoạch tiếp nhận lao động VN với số lượng rất lớn; có nơi lên đến hàng ngàn lao động. Song, gần đây, yêu cầu về chất lượng và trình độ ngoại ngữ đối với người lao động có khắt khe hơn. Từ chỗ ủy quyền cho các DN XKLĐ trực tiếp tuyển chọn lao động theo các tiêu chuẩn ghi trong hợp đồng và thư yêu cầu tuyển dụng, nay đa số chủ sử dụng lao động yêu cầu được đến VN trực tiếp phỏng vấn, tuyển chọn.

Hiện nhiều DN đang trong tình trạng đứng ngồi không yên vì không có nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của đối tác. Theo trưởng phòng của một công ty XKLĐ lớn tại TPHCM, nhu cầu của đối tác hiện nay chủ yếu là lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí như thợ hàn, thợ sửa chữa bảo trì máy công nghiệp, công nhân kỹ thuật điện. Ở ngành dịch vụ, nhiều hợp đồng cần lao động biết ngoại ngữ làm việc ở các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng – khách sạn (ở Macau), bán hàng (sân bay quốc tế Dubai) hoặc đốc công, nhóm trưởng quản lý lao động ở lĩnh vực xây dựng, nhà máy... Do đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên dù rao tuyển khắp nơi: về tận các địa phương; vào các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học... các DN vẫn không tìm đủ người theo hợp đồng đã ký với đối tác.

Hạn chế tay nghề và ngoại ngữ

Chất lượng tay nghề và trình độ ngoại ngữ của lao động VN rất thấp, đa số không đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động. Chỉ riêng đơn hàng Sovilaco ký với Tập đoàn Sản xuất Điện tử bán dẫn Aspial của Singapore, trong số hơn 100 ứng viên dự phỏng vấn cuối tháng 7-2008, chỉ có 21 lao động trúng tuyển. Theo đánh giá của ông Sean Martin Staution, Trưởng Phòng Nhân sự sân bay quốc tế Dubai, lao động VN có tác phong nhanh nhẹn, nhưng trình độ tiếng Anh rất hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp.

Đối với những đơn hàng tuyển thợ hàn còn “nhức đầu” hơn, khi các yêu cầu chuẩn trình độ của hệ thống dạy nghề của VN không khớp với chuẩn nghề quốc tế. Thông thường, đối với thợ hàn, đối tác nước ngoài yêu cầu trình độ chuẩn theo các cấp độ từ 1G đến 6G; hoặc thợ hàn TIG, MIG, MAG... Thế nhưng hệ thống dạy nghề ở VN lại theo một tiêu chuẩn... “quốc nội”, nghĩa là đào tạo công nhân trình độ thợ hàn sơ cấp, thợ hàn bậc 3/7. Do vậy, khi tham gia thi tuyển, đa phần ứng viên tốt nghiệp bậc 3/7 không đáp ứng được tay nghề 3G theo chuẩn quốc tế, còn đối với thợ hàn 6G thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện, đơn hàng đến từ các đối tác ở Trung Đông, Đông Âu, Mỹ, Úc rất nhiều với mức lương và các chế độ ưu đãi khá cao nhưng DN vẫn không có nguồn để cung ứng. Các đơn hàng tuyển dụng ngành nghề khác như hệ thống điện, thợ mài hay thợ tiện CNC cũng trong tình trạng tương tự.

Phải đẩy mạnh liên kết

Đáng nói là hiện nay DN XKLĐ và cơ sở dạy nghề chưa có sự gắn kết để giải quyết tốt bài toán đầu ra cho học viên cũng như các quy chuẩn đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Thực tế ở nhiều ngành nghề, DN cần tuyển thì cơ sở dạy nghề không đào tạo hoặc khi thị trường đòi hỏi trình độ cao thì cơ sở dạy nghề chỉ đào tạo ở trình độ trung bình. Ngược lại, cơ sở đào tạo nghề có sẵn nguồn nhân lực đã được đào tạo nhưng DN lại không có đơn hàng với ngành nghề phù hợp.

Thực tế trên đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa DN XKLĐ và cơ sở dạy nghề. Theo đó, DN XKLĐ trên cơ sở khảo sát nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước, cần mạnh dạn đặt hàng với các cơ sở dạy nghề, đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo. Một khi cầu nối giữa DN và cơ sở dạy nghề được kết nối thì vấn đề cung và cầu lao động có nghề sẽ được giải quyết tốt.

Phạm Anh Thắng