Những hiểu nhầm khi đi tìm việc
Các Website khác - 09/09/2008
 

 

 
Ảnh minh họa.

Hanoinet - Rất ít và gần như không có nhà tuyển dụng nào có quan điểm như vậy. Vấn đề không phải là do CV của bạn dài hay ngắn mà CV đó có đáng để họ bỏ thời gian đọc hết hay không?

Bạn luôn muốn xin lời khuyên, kinh nghiệm của những người đi trước để quá trình tìm việc của bạn hiệu quả và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đôi khi những điều đơn giản ngay bên bạn thì lại không được chú trọng.

Dưới đây là một số hiểu nhầm cơ bản về quá trình tuyển dụng mà bạn nên biết:

Hiểu nhầm 1: Chỉ nên viết resume trong 1 trang giấy, không nên viết dài hơn vì nhà tuyển dụng sẽ không muốn đọc.

Rất ít và gần như không có nhà tuyển dụng nào có quan điểm như vậy. Vấn đề không phải là do CV của bạn dài hay ngắn mà CV đó có đáng để họ bỏ thời gian đọc hết hay không? Thực tế, khi nhà tuyển dụng được hỏi rằng điều gì khiến họ không muốn đọc hết CV của ứng viên thì 84% nói rằng vì lỗi ngữ pháp hoặc đánh máy.

Hiểu nhầm 2: Thật vô ích nếu xin một buổi gặp mặt, phỏng vấn với công ty không đăng tin tuyển dụng.

Một công ty không đăng tin tuyển dụng không có nghĩa rằng họ đang không có nhu cầu tuyển thêm người. Vì đó là công ty bạn thích, bạn hướng tới nên hãy tìm hiểu người điều hành ở đó và xin được hẹn gặp, trình bày mong muốn của bạn. Rất nhiều nhà tuyển dụng sẵn lòng gặp mặt nếu qua cuộc điện thoại hoặc thư hẹn gặp bạn để lại cho họ ấn tượng tốt.

Hiểu nhầm 3: Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bạn nên chấp nhận bất kỳ công việc nào đến với bạn.

Bạn đã bao giờ nghĩ rằng nếu bạn phải làm một công việc không đúng chuyên môn hoặc môi trường làm việc không phù hợp thì bạn sẽ trụ lại với nó được bao lâu hay hiệu quả công việc của bạn sẽ như thế nào? Bạn có thể nhận lời những công việc không hoàn hảo như mong muốn của bạn nhưng không nên chấp nhận mọi lời đề nghị được đưa ra.

Hiểu nhầm 4: Những ứng viên có bằng cấp ‘đẹp’ thì chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Ngày nay, các nhà tuyển dụng muốn tìm được những nhân viên có khả năng làm được việc và thích hợp với công việc đó. Điều này không có nghĩa rằng họ cần những người giỏi nhất, đôi khi chỉ là tính cẩn thận trong công việc hoặc kinh nghiệm thực tế lâu năm cũng khiến bạn trở thành ứng viên số 1 của họ. Vì thế nếu bạn thích vị trí nào đó nhưng lại cảm thấy mình còn thiếu một vài yêu cầu nhỏ, đừng do dự vì bạn còn có những ưu điểm khác khiến họ phải chú ý và quên đi những thiếu sót kia.

Hiểu nhầm 5: Ngày nay, ứng viên không được và cũng không nên ‘mặc cả’ tiền lương với nhà tuyển dụng.

Việc nhà tuyển dụng đưa ra những yêu cầu về bằng cấp và kinh nghiệm chính là một trong những cách giúp họ đánh giá năng lực và từ đó xét mức lương sẽ trả cho bạn. Vì vậy tại sao bạn lại không thể thương lượng lương với nhà tuyển dụng ngay trong buổi phỏng vấn? 

Theo MSN/DT