Giáo viên miền núi khó gắn bó với nghề
Các Website khác - 04/09/2008
 

 

 
Thầy Hùng và thầy Sơn trong căn phòng 6 người ở.

Hanoinet - Khó có thể tin được căn phòng nội trú chỉ vẻn vẹn hơn 10m2 là nơi ăn ở, sinh hoạt của 6 thầy giáo. Mùa đông cũng như mùa hè, họ phải nằm dọc trên chiếc giường chưa đầy 1,6m.

Gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi miền núi, nhiều thầy cô giáo trường THCS Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh đã đứng lớp hàng chục năm vì tình thương đối với học trò. Song, trong lòng họ vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Năm học mới đã cận kề, nhiều giáo viên (GV) không biết mình sẽ còn trụ lại được bao lâu.

Thiếu thốn đủ đường

Khó có thể tin được căn phòng nội trú chỉ vẻn vẹn hơn 10m2 là nơi ăn ở, sinh hoạt của 6 thầy giáo. Mùa đông cũng như mùa hè, họ phải nằm dọc trên chiếc giường chưa đầy 1,6m. Căn phòng được giản tiện đồ đạc đến mức tối thiểu, ngay cả bàn soạn giáo án cũng được 6 người dùng chung.

Trường Hà Linh hiện có 38 GV, trong đó có 32 GV ở lại trường nhưng khu nội trú không đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Phòng ở chật hẹp, không có chỗ nấu ăn, thiếu nước sinh hoạt... khiến các thầy cô không thể ổn định tâm lý để dạy học.

Hầu hết GV của trường đều ở các huyện lân cận, mỗi tuần vượt gần 40km về thăm gia đình. Chiếc xe máy - phương tiện đi lại mà họ có được đều là do vay tiền của ngân hàng.

Cô Lê Thị Lan (Hương Trà, Hương Khê) chia sẻ: "Tuần nào tôi cũng phải vượt hơn 30km về thăm nhà 3 lần. Với mức lương và tiền phụ cấp 1,4 triệu đồng một tháng, không biết đến bao giờ tôi mới trả hết số tiền 15 triệu".

Đây cũng là băn khoăn của nhiều GV, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với GV trực tiếp giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa chỉ đủ trang trải cuộc sống, khó có thể dư giả để trả nợ, xây nhà.

Trạm dừng chân

Ngoài những GV có gia đình tại địa phương, số còn lại đều có mong muốn được thuyên chuyển công tác, về dạy ở những nơi có điều kiện tốt hơn. Cô Phan Thị Thuý Ngân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Mỗi năm tỉ lệ GV di biến động lên tới hơn 20%, có những người chỉ dạy được hơn một học kỳ đã xin chuyển công tác.

Nhiều GV coi Hà Linh là điểm "nhắc chặng", dừng chân lại khoảng 1 năm trước khi về các trường dưới thị trấn". Cô Ngân cũng cho biết thêm, toàn xã hiện có hơn 100 GV nhưng số GV tại địa phương rất ít, điều này dẫn đến tư tưởng của người dạy không ổn định, muốn chuyển về quê để tiện chăm sóc gia đình.

Quy định chung là GV được phân công đi vùng sâu, vùng xa phải công tác tại đó ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa hết thời hạn đã về miền xuôi, chỉ những người không có điều kiện mới chấp nhận ở lại. Anh Nguyễn Viết Hùng (GV môn văn) thành thật: "Mong muốn lớn nhất của tôi là được dạy ở một trường gần nhà, hết thời hạn 5 năm, tôi hy vọng sẽ được chuyển công tác theo nguyện vọng".

Theo ông Trần Xuân Thắm (Chủ tịch CĐ ngành GD, Hà Tĩnh), không riêng gì ở Hà Linh, việc ổn định đội ngũ GV tại các trường miền núi là vô cùng khó bởi điều kiện vật chất quá thiếu thốn. Sở GD Hà Tĩnh đang có những bước phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các chính sách đãi ngộ thoả đáng cho GV, đào tạo đội ngũ cử tuyển để cung cấp nhân lực cho GD địa phương. Sắp tới, nhà nội trú cho GV Trường THCS Hà Linh sẽ được xây mới, hy vọng sẽ có thể "giữ chân" được những người thực sự tâm huyết với nghề.

Theo Dương Hà - Thu Cúc/LĐ