Đời sống của công nhân nghèo nơi xóm trọ
Các Website khác - 04/09/2008

 

 
Bữa cơm công nhân nhà trọ.

Hanoinet - Đến các khu nhà trọ CN, tôi nhận ra rằng lò xô (bếp dầu) luôn gắn liền với đời thợ. Từ khi các mặt hàng trên thị trường tăng giá, đối với CN hầu như không còn khái niệm "cơm tiệm", dù là cơm tiệm bình dân (10 - 15 ngàn đồng/phần).

Cuộc sống công nhân (CN) trong môi trường "lợi thế nhân công giá rẻ" vốn đã gian khó, CN sống xa gia đình phải thuê mướn nhà trọ lại càng khó khăn bội phần.

Muốn biết đời sống CN như thế nào, khó khăn ra sao, đừng nhìn họ trong bộ đồ bảo hộ lao động tươm tất ở nhà máy, mà hãy đến xem cuộc sống của họ ở nhà trọ! Lời khuyên chí lý ấy của một vị cán bộ công đoàn tỉnh Long An đã đưa tôi đến các khu nhà trọ CN.

Lò xô leo lét

Đến các khu nhà trọ CN, tôi nhận ra rằng lò xô (bếp dầu) luôn gắn liền với đời thợ. Từ khi các mặt hàng trên thị trường tăng giá, đối với CN hầu như không còn khái niệm "cơm tiệm", dù là cơm tiệm bình dân (10 - 15 ngàn đồng/phần). CN phải tự nấu ăn để giảm chi phí.

Các chủ nhà trọ thường không cho xài bếp điện, mà nếu có cho thì tiền lương CN cũng không phù hợp với giá điện được tính 2.000 - 3.000đ/kwh. Chỉ một ít CN "dám" sử dụng bếp gas (mini) cho đun nấu, vì dù tiện lợi, nhưng không "phù hợp" với lương CN.

Nguyễn Thị Thuỳ An và chị ruột Nguyễn Thị Diệu Chi, đều là CN Cty TNHH Chung Sing (vốn đầu tư Đài Loan, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) là những người hiếm hoi sử dụng bếp gas ở khu nhà trọ trước cổng công ty. Thuỳ An cho biết, vì gia đình ở xa (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) nên hai chị em phải thuê nhà trọ để đi làm. Hai chị em tự nấu ăn, mỗi ngày đốt hơn 1 bình gas (loại 250gr, giá 5.500đ/bình), trung bình mỗi tháng tốn gần 200 ngàn tiền "chất đốt".

Tiền mua gas cùng với tiền chợ, tiền nhà trọ chiếm khoảng 50% tiền lương tháng của mỗi người (tiền lương 1,1 triệu đồng/tháng). Một nửa tiền lương còn lại, các cô dùng mua sắm các vật dụng thiết yếu khác. Còn dư một ít, hai chị em dành dụm cứ 3 - 4 tháng về thăm gia đình một lần.

Cân nhắc từng cọng rau, quả cà...

Thuỳ An cho biết, vì còn sống độc thân nên các cô mới "dám" nấu gas, chứ hầu hết mọi người xung quanh đều xài lò xô.

Tại khu nhà trọ trước cổng Cty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An (tên giao dịch Lafooco, phường 6, thị xã Tân An) người viết không tìm thấy bếp gas nào, tất cả đều sử dụng lò xô.

CN Võ Thị Trúc Ly cùng chồng là Nguyễn Ngọc Hạnh (công tác tại Thư viện Long An) đã có thâm niên 3 năm "nhà trọ, lò xô". Trúc Ly cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 2,5 triệu đồng/tháng, trước đây còn "dễ thở", từ khi giá cả tăng cao phải gói ghém từng chút mới không bị "cháy".

Trong số 1 triệu đồng cho ăn uống hàng tháng của hai vợ chồng, "chất đốt" chiếm 10%, khoảng 100 ngàn đồng. Từ khi "dầu hôi" (dầu hoả) tăng giá, chi phí chất đốt đã tăng lên 150 ngàn đồng/tháng, nên tiền chợ càng phải "bóp" lại.

Cô vợ cho biết, với 1 triệu đồng cho ăn uống hàng tháng, trước đây bữa cơm thường có thịt, có trái cây... Còn nay, thậm chí họ còn không dám hâm lại cho nóng bữa ăn trưa (được nấu sẵn từ sáng sớm trước khi đi làm) vì sợ tốn... "dầu hôi".

Không gian sống thu hẹp


Từ khi giá cả tăng cao, cuộc sống của CN nhà trọ càng lúc càng "đơn giản", không gian sống của họ cứ hẹp dần. Trước đây hai chị em CN Nguyễn Thị Thuỳ An - Nguyễn Thị Diệu Chi (Cty Chung Sing) thuê 1 phòng trọ 7,5m2 với giá 350 ngàn đồng/tháng. Gần đây, các cô phải kêu thêm một đồng nghiệp về ở chung để giảm chi phí. Căn phòng chật hẹp vừa là chỗ ngủ (nằm dưới sàn), chỗ nấu nướng, ăn uống, vừa là chỗ để xe đạp, phơi quần áo...

Một ngày sống của các CN trẻ: Sáng dậy nấu cơm, ăn xong vào ca - buổi trưa ăn cơm trong công ty (miễn phí) - tan ca chiều, trên đường đi bộ về nhà trọ, họ mua thức ăn và các vật dụng cần thiết - tắm giặt, nấu cơm, ăn cơm - xem tivi một chút rồi ngủ.

Công ty thường tăng ca buổi tối, khi ấy các cô phải vội ăn chiều, vội vào ca rồi vội ngủ vùi khi tan ca về đến nhà lúc 22 giờ. Diệu Chi cho biết, hầu như quanh năm cô không ra khỏi đoạn đường từ xưởng sản xuất về nhà trọ, trừ những lúc về Gò Công Đông thăm gia đình.

Khác với hai CN trẻ nói trên, Lê Thị Gái và Lê Thị Hương (chị em họ, quê xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Long An) là hai CN đã làm việc ở bộ phận phân loại Cty Lafooco hơn 10 năm, đều đã có gia đình và có con. Cả hai cô đều gửi con cho mẹ ruột (xã Thuận Mỹ, cách nơi làm việc gần 25km). Hương có chồng làm CN ở TPHCM, phải vài tuần chồng mới về thị xã Tân An một lần để đón vợ về quê thăm con không trọn một ngày, rồi lại tản ra đi làm.

Trong khi đó, Lê Thị Gái đã thôi chồng, cô phải tằn tiện từng đồng để hàng tháng đem về quê đưa mẹ nuôi con nhỏ. Ngày 29.7, khi người viết đến gặp, cô Gái đang bị bệnh, nhưng vẫn phải đi làm, vì "nghỉ lấy gì nuôi con". Mấy viên thuốc "BHYT" nằm lăn lóc bên cạnh phần cơm đạm bạc, khô khan không thích hợp với người bệnh. Cô Gái cho biết, trừ những lúc về với con, suốt năm hầu như cô không ra khỏi quãng đường 50 mét từ xí nghiệp về nhà trọ.

Phòng trọ công nhân.

Không gian sống của đời thợ bị thu hẹp có phần góp sức của các chợ tự phát. Hầu như bây giờ trước cổng xí nghiệp nào cũng có "chợ". Mọi nhu cầu mua sắm của CN được đáp ứng ngay tại cổng xí nghiệp. Cứ khoảng 16 giờ chiều là "chợ" nhóm họp, kéo dài đến khoảng 17 giờ 30, khi CN cuối cùng rời khỏi xí nghiệp. Tất cả các hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống đều được bày bán ở đây. Giá cả lại không đắt hơn ở chợ phường, chợ tỉnh. Những ngày sau mỗi kỳ lĩnh lương, chợ tạm bán hàng phong phú hơn, có cả quạt máy, tivi (second hand)...

Tại khu nhà trọ Sáu Tài (ấp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức, nơi có Cty Ching Luh với khoảng 20 ngàn CN đến từ mọi miền đất nước) có nhiều CN đang lập "kỷ lục" chôn chân một chỗ. CN Lý Thị Mỹ Hương (quê xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đã 2 năm rồi cô hầu như không bước ra khỏi con đường nhếch nhác nối liền Cty Ching Luh tráng lệ với khu nhà trọ ổ chuột, dù thị trấn Bến Lức sầm uất chỉ cách đó hơn 1km. Cô đã gá nghĩa vợ chồng với một đồng nghiệp và hiện đang mang thai tháng thứ 7, nhưng cô không hình dung sẽ sống như thế nào sau khi sinh con...

Nhà trọ Sáu Tài có khoảng 30 phòng, trong mỗi phòng rộng 7m2 sống từ 2 đến 3 CN. Chủ nhà trọ than: "Thuế má, vật giá thứ gì cũng lên, nhưng giá cho thuê phòng thì không thể lên vì CN đã quá khổ rồi".

Xe máy, đã tàn "một giấc mơ hoa"!


Bây giờ, đến cổng các xí nghiệp ở Long An vào giờ tan tầm, dễ dàng nhận ra rằng xe đạp đang lấn lướt xe máy. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Phó Quản đốc Cty XK thuỷ sản Long An - cho biết, trước đây đã có lúc xe máy nhiều hơn xe đạp trong bãi đậu xe của CN. Gần đây, chuyện "xe máy hoá" đã bị khựng lại. Đến khi xăng tăng giá, nhiều CN đã phải từ bỏ chiếc xe máy mà họ đã làm lụng cật lực bao năm mới có được để trở về với chiếc xe đạp.

CN Nguyễn Thị Lệ nhà ở xã Phú Ngãi Trị - huyện Châu Thành, cách xí nghiệp gần 20 cây số, vẫn hàng ngày đi về bằng xe đạp. Cô cho biết mình đã dành dụm nhiều năm để thực hiện ước mơ "lên honda", đến khi gần đủ tiền mua xe (tất nhiên là xe Trung Quốc) thì giá tăng, trong khi tiền lương thì không đổi (khoảng 1,2 triệu đồng/tháng), nên chưa thể mua xe. Kế đến, xăng dầu tăng giá vùn vụt, ước mơ về một chiếc xe máy của cô CN thuỷ sản coi như tan theo mây khói. "Em còn đỡ, chỉ tội mấy chị đang đi honda phải bỏ để đi xe đạp" - cô gái nói.

CN Trần Thị Tuyết (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) sắm được xe máy cách đây mấy năm, lúc xăng "có bốn - năm ngàn đồng/lít hà". Mỗi ngày, cô đi làm bằng xe máy mất gần 1 lít xăng. "Đi honda quen, giờ đạp xe ngán lắm, nhưng tiền xăng hết 1/3 lương tháng của em..." - cô gái uể oải thổ lộ, rồi uể oải đặt chân lên pedal xe đạp, sau một ngày lao động mệt nhoài, trước mặt là 20km đường về nhà dài hun hút!