![]() |
Công nhân Nguyễn Thị Hoàng (Công ty K&K) tranh thủ ôn bài trước giờ vào lớp |
“Tụi mình rất khó rủ được Hoàng đi đâu chơi sau giờ làm việc, vì buổi tối, bạn ấy thường đi học mà từ nhà tới trường phải đạp xe hơn nửa giờ. Trông nhỏ con, chứ Hoàng siêng năng lắm!”. Thu Hồng, đồng nghiệp của Nguyễn Thị Hoàng (Công ty K&K, KCX Tân Thuận- TPHCM), kể về bạn mình.
Mỗi ngày đạp xe gần 20 km
Vào TPHCM làm việc, giấc mơ vào đại học vẫn canh cánh bên lòng Hoàng. Không muốn lãng phí thời gian, Hoàng mua sách vở về nhà tự ôn luyện và dự thi vào Khoa Trung văn Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, hệ tại chức. Miệt mài vừa làm vừa học, chỉ còn một năm nữa, Hoàng sẽ ra trường. Mấy ngày gần đây, cô lại tất tả ngược xuôi học thêm Anh văn. Nhà trọ ở quận 7, trường học ở quận 5, mỗi ngày Hoàng phải đạp xe gần 20 km đi - về. “Cứ nghĩ đến ngày được cầm tấm bằng cử nhân trên tay là mọi mệt nhọc biến đâu mất. Hy vọng tốt nghiệp xong, em sẽ có một công việc tốt hơn. Cũng có thể, em sẽ về quê ở Bắc Giang làm việc cho gần gia đình” - Hoàng tâm sự.
Để xoay xở 3,6 triệu đồng học phí mỗi năm và một số tiền không nhỏ khác để mua giáo trình, tài liệu học tập trong khi thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 1,2 triệu đồng, Hoàng đã phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu đồng thời bỏ luôn các khoản giải trí và chỉ cho phép mình hai năm mới về thăm quê một lần.
Đầu tư cho tương lai
Cha mất, mấy chị em đi làm ăn xa, nhà chỉ còn mẹ già thui thủi một mình. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh Ngọc Dung (Công ty Nidec Tosok). Vì vậy, khi đặt chân vào TPHCM, Dung đã quyết tâm sẽ cố gắng làm việc thật tốt để kiếm một số vốn về quê mở một tiệm may, vừa để kiếm sống vừa chăm sóc mẹ già.
Dù thu nhập không cao, nhưng mỗi tháng cô đều cố tiết kiệm và dành một khoản từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngọc Dung cho biết: “Sau bốn năm đi làm, em đã dành dụm đủ tiền để đăng ký học may rồi. Tháng sau, em sẽ đăng ký học may đồ kiểu và áo dài. Vấn đề còn lại là thu xếp thời gian sao cho hợp lý”. Dung phấn khởi cho biết, cuối cùng cô cũng sắp “chạm” đến ước mơ của mình.
Đã quyết là phải làm cho bằng được
Vì hoàn cảnh gia đình, Lê Bích phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp THPT. Cô xin vào làm việc cho một công ty may, đóng tại KCX Tân Thuận để phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Tuy không yêu thích công việc may vá nhưng trong một thời gian dài, Bích gắn bó với chiếc máy may. Khi các em đã lớn, cô quyết định sẽ thay đổi cuộc đời mình. Nghĩ là làm. Bích mua sách, tự ôn luyện và thi đậu vào Trường ĐH Mở TPHCM, chuyên ngành kế toán. Bốn năm vừa học vừa làm với thật nhiều khó khăn cho cô công nhân (CN) - sinh viên này. Rồi ngày vui đã đến khi cô cầm trong tay tấm bằng cử nhân kế toán. “Ra trường, tôi đã xin được việc ở một công ty khác tại quận 7. Mừng nhất là bây giờ, tiền lương đã gấp đôi trước kia”.
Cũng như Bích, không cam chịu, Bé Đẫm (Công ty K&K) cũng mong muốn thay đổi tương lai của mình. Cô theo học hệ trung cấp kế toán tại Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn vì “ngày nào đọc báo cũng thấy tuyển nhân viên kế toán và đây lại là công việc tôi rất thích”- Đẫm hồn nhiên bộc bạch. Hiện cô CN 23 tuổi này đã đi được một nửa chặng đường và quyết tâm thực hiện cho bằng được ước mơ của mình.
Tặng học bổng cho công nhân đi học Nhằm tạo điều kiện cho CN có ý chí vươn lên, phấn đấu tự học tập, Quỹ Hỗ trợ CN có chương trình hỗ trợ học phí, tài liệu học tập cho CN trong suốt quá trình học. Bên cạnh đó, CN còn được tham gia một số chương trình tập huấn, huấn luyện các kỹ năng... Điều kiện để được cấp học bổng là CN phải đạt điểm trung bình khá (6.0) trở lên. Song song đó, Quỹ Hỗ trợ CN còn có chương trình cho vay tất cả CN có nhu cầu nâng cao học vấn, tay nghề, ngoại ngữ, tin học với lãi suất ưu đãi 0,0%. CN có nhu cầu nhận học bổng hoặc vay vốn liên hệ với Quỹ Hỗ trợ CN: 72/5F Trần Quốc Toản, P.8, Q.3- TPHCM, ĐT: 08-8202797. H.Đào |
▪ Trồng những "cây vàng" (14/07/2008)
▪ Giá lúa giảm chỉ là tạm thời (12/07/2008)
▪ Nghề tổ chức lễ cưới (12/07/2008)
▪ Chuyện cùng hai cô gái “sống toàn cầu” (12/07/2008)
▪ Hủy 195 bằng tốt nghiệp trung cấp nghề (11/07/2008)
▪ Nghề cho thuê đầu, thuê mặt (11/07/2008)
▪ Chuyện “những người mắt đỏ” (10/07/2008)
▪ Nguy cơ mất "top 10" hấp dẫn đầu tư vì nhân lực (09/07/2008)
▪ “Chàng liều” về bản xây thủy điện (09/07/2008)
▪ Nguồn nhân lực Việt Nam: Bất ổn cả chất và lượng (08/07/2008)