Phạm Văn Tuyên, kẻ siêu lừa xuất khẩu lao động
Các Website khác - 22/08/2005
Đơn tố cáo Phạm Văn Tuyên lừa đảo.
Giấc mộng đổi đời sau chuyến đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Anh đối với 14 lao động do Phạm Văn Tuyên đưa đi đã không thành và nợ nần chồng chất vì số tiền vay nặng lãi. Hiện nay Tuyên đã bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.
Chỉ trong vòng 1 đến 2 tháng làm thủ tục, 14 lao động (có 10 người Nghệ An) đã được đường dây XKLĐ Phạm Văn Tuyên đưa ra sân bay đi sang làm việc tại Vương quốc Anh theo lịch trình cam kết: Sau ba ngày bay đến Anh, họ được sắp xếp nơi ăn chốn ở, việc làm ổn định và được cư trú hợp pháp ở Anh thời gian 4 năm. Thế nhưng hơn một năm qua họ không những không được bay sang Anh mà còn phải nộp thêm 5.000 - 6.000 USD để... ngồi tù ở Cộng hòa Czech và Ukraine.

Không phải tuyển dụng tay nghề, xét nghiệm máu như các đơn vị tuyển dụng XKLĐ khác, 14 lao động đi XKLĐ ở Vương quốc Anh qua Phạm Văn Tuyên chỉ cần có một bộ hồ sơ và tiền cọc 5.000 - 7.000 USD chỉ trong vòng thời gian 1 - 2 tháng là sắp xếp hành lý để ra sân bay. Những trở ngại chỉ cần đưa thêm tiền là đường dây của Tuyên lo cho trót lọt. Vì thế rất nhiều người gặp khó khăn trong thủ tục làm hộ chiếu, không bảo đảm sức khỏe, trình độ hay muốn đi nhanh đều tìm đến với đường dây của Phạm Văn Tuyên.

Đầu tháng 1-2004 Nguyễn Văn Huệ nộp hồ sơ cho Tuyên và tiền cọc 6.500 USD đến ngày 19-2-2004 Huệ ra sân bay theo lịch trình cam kết: bay từ Việt Nam sang Cộng hòa Czech rồi từ Czech đến Anh chỉ trong vòng ba ngày. Đến Anh là phải nộp đủ số tiền 15.000 USD. Khi trình bày sự việc với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Thi ở Nam Cát - Nam Đàn nói: "Lúc đến làm thủ tục đi Anh Quốc với Tuyên thì hộ chiếu của tôi đang bị giữ ở TP Hồ Chí Minh chưa lấy ra được. Tuyên yêu cầu đưa 1.000 USD để Tuyên làm hộ chiếu nhanh cho. Đến ngày 8-4-2004 ra Hà Nội chuẩn bị bay, tôi mới được Phạm Thị Hạnh (vợ Tuyên) đưa đến gặp bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cung ứng lao động quốc tế lại Nghệ An đang nghỉ ở khách sạn Kim Liên (Hà Nội), bà Hải đưa cho tôi một bản photocopy hộ chiếu mang tên Phan Văn Hội dán ảnh của tôi và dặn: "Em phải đọc thuộc họ tên quê quán, ngày sinh, tên của Phan Văn Hội để công an kiểm tra".

Cũng như Huệ và Thi, 14 lao động đi Vương quốc Anh được đường dây của Tuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhanh chóng hoàn thành các thủ tục. Trước khi lên máy bay ai cũng nghĩ rằng: chỉ ba ngày sau họ đã có mặt tại Anh với một công việc ổn định có mức thu nhập hấp dẫn 1.500 - 2.000 USD/tháng. Họ có ngờ đâu trên đường đi lại phải chịu cảnh "giam cầm " mà vẫn phải nộp thêm tiền cho chúng.

Theo lời kể của anh Nguyễn Đình Thi đi trong chuyến bay sau cùng cho biết: Sau 10 tiếng đồng hồ rời khỏi Việt Nam họ gặp nhau ở Nga, được người trong đường dây của Tuyên đón ở sân bay rồi dẫn đến căn nhà đã thuê sẵn trong đó có cả người Ấn Độ cùng ở. Ngày cũng như đêm, người lao động không được ra khỏi nhà, ăn uống rất kham khổ. Sau một tháng, đến đầu tháng 5 cả 14 lao động Việt Nam và 9 lao động người Ấn Độ được tống lên tầng ngầm của container xe IJa (Mỹ); xe chạy suốt một ngày trời người lao động phải ngồi nằm lên nhau không được ăn uống gì.

Đi đêm về hôm trong xe bịt kín, chui lủi như tội phạm, cuối cùng họ mới đến được biên giới Ukraine - Ba Lan. Sau 19 ngày bị đánh đập tàn nhẫn, biên phòng thả họ cho Đại sứ quán, sau đó đường đây của Tuyên lại chuộc họ về và nhốt trong một ki-ốt. Lúc này chúng tiếp tục gọi điện thoại về gia đình người lao động đòi thêm tiền. Có 6 trong 14 người đã nộp thêm 3.000 - 5.000 USD nên chúng cho tiếp tục đi bộ đường rừng sang Czech. Sang đến đó chúng lại giở chiêu bài cũ là nhốt người để vòi thêm tiền.

Trong bức thư đầy nước mắt viết từ Czech ngày 14-8-2004 của Nguyễn Duy Bảo gửi về cho bố Nguyễn Duy Toàn có đoạn: "Bên này ăn uống khổ lắm, mỗi bữa chỉ có một lát bánh mì rất mỏng. Ở trong này có rất nhiều người bị bắt giam nhưng được "cẩu" ra thì ít lắm bọn chúng còn đòi thêm tiền nữa. Bố phải bằng mọi cách nhờ người "cẩu" con ra không chúng sẽ giam 6 tháng. Nếu ở trong này 6 tháng thì chắc con chết mất bố ạ".

Trong tình cảnh như thế rất nhiều người như ông Nguyễn Duy Toàn (Lê Lợi - TP Vinh) ông Nguyễn Văn Ất (Nghi Hải - thị xã Cửa Lò), bà Hoàng Thị Diệu Thơ (ở thị xã Đồng Hới - Quảng Bình) lại phải nộp thêm tiền cho chúng và nhờ người Việt đang lao động Czech tìm cách đưa sáu người ra. Còn tám người bị giam ở Ukraine sau một thời gian vẫn không nộp tiền chúng buộc phải thả họ về, với điều kiện: Gia đình tự túc 2.000 USD để mua vé máy bay và làm các thủ tục về nước.

Như vậy giấc mộng đổi đời sau chuyến đi XKLĐ tại Anh Quốc đối với 14 lao động do Phạm Văn Tuyên đưa đi không thành và nợ nần chồng chất vì số tiền vay nặng lãi từ 8.000 - 10.000 USD để nộp cho Tuyên. Hiện nay Phạm Văn Tuyên đã bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, vụ án đã được chuyển sang Công an tỉnh Nghệ An thụ lý, còn Phạm Thị Hạnh (vợ Tuyên) đã bỏ trốn.

Qua tìm hiểu thì được biết: Mặc dù không có giấy phép và chức năng XKLĐ nhưng đường dây của Tuyên đã hoạt động có thâm niên trong lĩnh vực đưa lao động sang làm việc tại nước ngoài. Thời gian qua, Tuyên đã đưa nhiều người lao động sang làm việc tại Đức, Nhật một cách "trót lọt" theo kiểu xuất khẩu lao động "du lịch" như thế này! Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu thế lực nào đứng phía sau để Phạm Văn Tuyên làm việc này trót lọt trong một thời gian lâu dài. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần làm rõ để sớm ngăn chặn tình trạng đưa người lao động đi "du lịch" để lấy tiền.

Theo Gia đình và Xã hội