Sẽ thuê giáo viên nước ngoài về VN dạy nghề
Các Website khác - 07/10/2005
Nhu cầu tìm việc của lao động rất lớn. Ảnh: N.T.

Tăng ngân sách nhà nước cho dạy nghề từ 6 lên 10-12% tổng ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo; thuê giáo viên nước ngoài về dạy nghề; sắp xếp lại doanh nghiệp xuất khẩu lao động; Đó là những vấn đề được đưa ra thảo luận trong buổi làm việc sáng 7/10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Lương Trào, thời điểm tháng 7/2004, cả nước có 43,2 triệu lao động, tuy nhiên tỷ lệ qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ chiếm 22,5% (năm 2005 ước đạt 25%). Không có nghề dẫn đến khả năng tìm kiếm việc làm có thu nhập của lao động Việt Nam rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp còn cao (khoảng 7%).

Tăng ngân sách dành cho dạy nghề lên 12%?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo nhận định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, là đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực dạy nghề còn thấp, hiện chỉ chiếm 6% trong tổng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo. Để mở rộng cũng như nâng cao năng lực đào tạo nghề của hệ thống trường nghề, Bộ đã tham mưu với Chính phủ giải pháp tăng ngân sách cho dạy nghề hằng năm đạt 10-12% trong tổng ngân sách giáo dục - đào tạo.

Thời điểm 1/7/2004, dân số cả nước khoảng 82 triệu, lực lượng lao động 43,2 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn khoảng 32,7 triệu, chiếm 75%. Lực lượng lao động nữ là 21,2 triệu, chiếm 49%. Lao động làm việc trong khu vực nhà nước khoảng 10,3%; khu vực dân doanh 88,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1,5%.

Đến tháng 6, cả nước có 233 trường dạy nghề với 196 trường công lập, 37 trường ngoài công lập; 404 trung tâm dạy nghề, trong đó có 165 trung tâm cấp huyện; 212 trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp có dạy nghề và 839 cơ sở khác có dạy nghề.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao nhất trí với quan điểm này: "Phải tăng ngân sách để từ nay đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt 45% thì Việt Nam mới hội nhập được, nếu không sẽ mãi lạc hậu". Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, ông Hồ Đức Việt, đồng tình mức đầu tư là 10%. Ông Việt đánh giá thị trường lao động Việt Nam còn sơ khai và tự phát. Trong 5 năm tới, thị trường này lại chịu sức ép rất lớn của quá trình hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch lao động nông thôn và thành thị...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách Nguyễn Đức Kiên lại không đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng, không nên đặt vấn đề tăng ngân sách mà phải xã hội hoá đào tạo nghề. Các trường nghề phải hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, phải gắn với cơ sở sản xuất để tìm đầu ra cho lao động. "Không thể cái gì cũng trông vào ngân sách. Nhà nước nếu có đỡ cũng chỉ tập trung đầu tư cho trường đào tạo nghề trình độ cao và đa ngành, vào đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ", ông nói.

Trước các quan điểm khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đặt câu hỏi: "Việc tăng kinh phí 10-12% Chính phủ đã bàn tính kỹ chưa?". Không trả lời thẳng, đại diện Bộ Lao động nói: "Xin phép được bàn thảo thêm". "Đã bàn là phải cụ thể, có tính khả thi, chứ không thể nói cho được. Chính phủ chưa thống nhất mà đưa ra Quốc hội là không ổn", Chủ tịch tỏ ý không bằng lòng.

Thuê giáo viên nước ngoài về dạy nghề

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 8.000 giáo viên ở các trường nghề, 2.000 giáo viên ở các trung tâm dạy nghề. Số đạt chuẩn trong các trường nghề là 68,7% và ở trung tâm là 54%. Đội ngũ giáo viên tuy đã được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, nhưng so với tốc độ tăng quy mô đào tạo thì việc tăng số lượng giáo viên chưa tương xứng. Hiện tỷ lệ học sinh học nghề dài hạn trên giáo viên ở các trường nghề là 28-30/1, gấp đôi so với quy chuẩn.

Để giải bài toán thiếu giáo viên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao đề xuất nên thuê giáo viên nước ngoài. Ông cho rằng, như thế học sinh sẽ tiếp cận nhanh nhất với công nghệ tiên tiến, dễ dàng tìm kiếm việc làm. Ý kiến này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách nhất trí cao, ông gợi ý thêm: "Không chỉ là thuê giáo viên mà cần tranh thủ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho họ mở trường, thu hút học sinh".

Chốt lại phần thảo luận về dạy nghề, Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được nhất trí giải pháp thuê giáo viên nước ngoài, mở rộng các trường nghề do người nước quản lý nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên, thiếu vốn. Ông Được đưa ra ví dụ Nhà máy giấy Bãi Bằng đã thuê giáo viên người nước ngoài về đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại nhà máy.

Siết chặt doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động được các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập khá cho lao động. Tuy nhiên, lĩnh vực này phát sinh quá nhiều vấn đề nhức nhối. Nổi bật nhất, theo ông Tráng A Pao, là tình trạng có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (hiện là 152). Nhiều đơn vị năng lực yếu, đưa lao động đi không quản lý được, đến khi có vấn đề rắc rối, ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động Việt Nam thì không thể giải quyết, bỏ mặc người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ ý kiến này. Bà phân tích, doanh nghiệp tuy đông, nhưng phần lớn hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả kém. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước đã dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động. Ở ngoài nước thì tăng phí môi giới, hoa hồng, giảm tiền lương và chế độ đối với lao động để tranh giành hợp đồng cung ứng. Ở trong nước thì tăng phí tuyển dụng cho cán bộ địa phương để tuyển được lao động đưa sang làm việc ở thị trường lương thấp.

Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình thì bức xúc về tình trạng hoạt động lộn xộn của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. "Tôi chẳng hiểu sao doanh nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu lại ra Hà Nội tuyển người? Rồi của Hải Phòng lại vào Nam tuyển?", ông Bình đặt câu hỏi.

Từ thực tế trên, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cần sắp xếp lại doanh nghiệp xuất khẩu lao động, loại bỏ những đơn vị yếu kém. "Không nên bung ra nhiều doanh nghiệp, hoạt động kém rồi bỏ mặc lao động", Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được chốt lại buổi thảo luận.

Ý kiến của bạn

Như Trang