![]() |
Sản phẩm làm kỳ công, nhưng giá lại rẻ nên không khuyến khích NLĐ. |
Qua bao cuộc bể dâu, nhiều nghề thất truyền hay mai một dần và hiện nay, số LN và LĐ theo đuổi nghề cha ông hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Sống được là nhờ du lịch
Số LN và LĐ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, hiện có thể sống được bằng nghề thực của cha ông truyền lại vỏn vẹn chỉ còn làng đá Non Nước. Ngoài ra một số còn lay lất như mộc Kim Bồng, đúc đồng Phước Kiều, mây tre Phú Vinh, dệt vải (lụa) Duy Xuyên... Đặc điểm chung của tất cả các LN này đều sống dựa vào công nghệ du lịch đang phát triển mạnh trong mươi năm gần đây.
Một trong số đó, thành công phải kể đến làng đá Non Nước dưới chân Ngũ Hành Sơn. Hàng chục ngàn loại SP điêu khắc trên đá hoa cương tinh xảo luôn là những món quà lưu niệm thu hút du khách. Từ chỗ chỉ còn 4,5 cơ sở trước đây thì nay LN đã phát triển đến 214 cơ sở SX đá mỹ nghệ, với khoảng 2.000 LĐ có tay nghề; doanh thu từ SP thủ công mỹ nghệ không dưới 30 tỉ đồng/năm.
Anh Phạm Tiến, chủ cơ sở điêu khắc đá Tiến Hiếu kể: "Du khách thế giới ùn ùn đổ về thăm di tích Ngũ Hành Sơn và LN điêu khắc đá Non Nước. Một thế hệ " vàng" của làng điêu khắc đá Non Nước được khai sinh trong yêu cầu của thị trường du lịch làm tái sinh LN. Những Nguyễn Long Bửu, Xuất Ánh, Tiến Hiếu, Nguyễn Hùng, Bền Vững... đều là những ông chủ trẻ, phần lớn là con các nghệ nhân đã góp phần mang lại cho làng đá một hình ảnh SX,KD hoàn toàn mới. Qua Internet, bây giờ chỉ ngồi một chỗ khách hàng có thể đặt mua, rồi hãng tàu đến nhận gửi tới tận nhà bên Hoa Kỳ, bên Úc Đại Lợi...". Nhiều chùa, tu viện ở Canada, New Zealand, Úc đặt hẳn một bộ cổng, giá trị cả trăm ngàn đô la Mỹ là chuyện thường.
Làng nghề bán nghề
Cách đó không xa, có một LN cũng có bộ mặt phát triển tương tự, nhưng lại rẽ ngoặt theo một hướng không giống ai, đó là LN đúc đồng Phước Kiều nổi danh của Quảng Nam. Thành công mới nhất của làng là đã đúc thành công đại hồng chung nặng 1,8 tấn, lớn nhất từ xưa đến nay, do nghệ nhân Dương Ngọc Truyền và nhóm thợ trong làng thực hiện.
Làng từng đã có một thời hoàng kim khi những năm đầu thế kỷ 20, cả một vùng Trường Sơn, Tây Nguyên rộng lớn từ Lào, Campuchia cho đến Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Nam, Huế luôn tìm đến để mua cồng chiêng, tam sự... Nay cả làng chỉ có gia đình nghệ nhân họ Dương là còn nhúc nhắc nhận được vài hợp đồng đúc chuông, tượng cho các chùa lớn. Đi dọc tuyến Hội An - Mỹ Sơn, du khách sẽ nhận thấy các cửa hàng trương bảng bán SP làng nghề Phước Kiều san sát 2 bên đường, nào cồng, chiêng, tượng, chuông...
Ngỡ LN hồi sinh, nhưng thực chất những người con LN đã xoay sang nghề buôn đồ đồng đúc từ Trung Quốc, TP HCM, thậm chí cả Huế về bán, vì lợi nhuận cao hơn nhiều, lại đỡ phải quản lý nhiêu khê. Gần đó, phía hạ lưu sông Thu Bồn, làng gốm Cẩm Hà nổi tiếng nay được chính quyền Hội An xây dựng theo mô hình du lịch LN. Khách đến cũng khá, nhưng thất vọng vì SP còn " thô sơ" quá.
Ngoài những con tò he đất, vài chiếc lọ, con heo đất thô mộc, hầu như không có SP gì để thu hút du khách. Và còn xót hơn, cả làng bây giờ chỉ còn không quá 5 - 6 người già biết chuốt gốm, một công đoạn quan trọng và tinh tuý của nghề. Thanh niên thì chê vì dây bẩn cả ngày, mà làm nghề khác kiếm tiền dễ hơn.
Làm sao để giữ lấy nghề?
Đó là ưu tư của những nghệ nhân cuối cùng của các LN Quảng Nam - Đà Nẵng, và của các cấp chính quyền. Từ cuối năm 2000, tỉnh Quảng Nam đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi nhằm khôi phục các LN. Tháng 7.2000, huyện Điện Bàn, xã Điện Phương (nơi có làng đúc Phước Kiều) đã tổ chức một hội thảo để bàn chuyện "làm sao để giữ lấy nghề?". Đường hướng chính vẫn là đầu tư hệ thống hạ tầng, phát triển máy móc, bồi dưỡng nhân tài...
Tiếp đó, năm 2002, UBND thị xã Hội An dành hẳn một chương trình nhằm khôi phục làng mộc Kim Bồng, hàng chục lớp học có trên trăm thanh niên được truyền nghề. Một điểm tham quan thu góp 12 LN trên địa bàn cũng được mở ra, biểu diễn để phục vụ du khách. Thế nhưng, SP các LN nhắm vào phục vụ khách du lịch thường quá đơn giản và kém về mẫu mã. Hàng trăm LĐ được đào tạo đầu quân vào vài cơ sở SX, lần lượt đi tìm nghề khác vì SP bán rất hạn chế.
Ông Huỳnh Việt Hải, Phó GĐ Xưởng SX thủ công mỹ nghệ Hội An thổ lộ: "Để phát triển LN, tạo việc làm cho NLĐ gần như là việc bất khả thi. Muốn làm ra nhiều SP, lập các bộ hồ sơ để xuất khẩu, rồi thuế... gần như không có sự hỗ trợ nào đã là những trở ngại lớn để XK. Một cản ngại nữa là NLĐ được đào tạo ít thiết tha với nghề vốn đòi hỏi kỹ năng cao, trong khi thu nhập thiếu khuyến khích".
Hiện nay du lịch đang là đầu ra chủ yếu cho các LN của Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế... các LN cũng hạn chế phát triển theo nhu cầu của du khách từng thời kỳ. Vì vậy, ngày mà những LN đến được như ngày xưa sẽ còn xa, khi người thợ thủ công không nghĩ đến nghề của cha ông, và nghề không đủ nuôi sống họ và gia đình.
▪ Làng tôm “ôm” nợ (03/07/2008)
▪ Cơ hội tiếp cận công nghệ (03/07/2008)
▪ 97% "cha truyền, con nối" (02/07/2008)
▪ Vẫn dành chỗ cho hàng rong mưu sinh (02/07/2008)
▪ Ngày hội hướng nghiệp cho SV (01/07/2008)
▪ Nghề mới 8X - Phục vụ biểu diễn (30/06/2008)
▪ Về một nông dân Ê Đê giàu nhất Tây nguyên (30/06/2008)
▪ Lúa lai “made in Vietnam” được bán với giá 10 tỷ đồng (28/06/2008)
▪ Ấn Độ hỗ trợ 37 tỷ đồng đào tạo nhân lực phần mềm Việt Nam (27/06/2008)
▪ Sinh viên làm thêm hè: "Ngậm đắng nuốt cay" (25/06/2008)