![]() |
Ông Vũ Đình Toàn. Ảnh: N.T. |
Sau việc hàng loạt lao động phải về nước trước thời hạn, gần một năm nay, tâm lý e ngại đi làm việc tại Malaysia đã bao trùm trong nhân dân. VnExpress vừa có cuộc trao đổi với Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước Vũ Đình Toàn về tình hình thực tế của thị trường này.
- Xin ông đánh giá về thị trường Malaysia trong thời điểm hiện nay?
- Thị trường Malaysia đang rất ổn định, đại bộ phận lao động Việt Nam tại quốc gia này có việc làm, có thu nhập, điều kiện sinh hoạt được đảm bảo. Ở nhiều doanh nghiệp, sau khi trừ chi phí ăn uống, thuế, khoản tiền lao động tích lũy được khoảng 4-5 triệu đồng một tháng. Trước đây, lao động chỉ tích lũy 2-3 triệu đồng một tháng, nay do nền kinh tế của bạn phát triển, xuất khẩu được hàng hóa nên việc làm và thu nhập của lao động được tăng lên.
- Trong tương lai, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có định hướng thế nào với thị trường này?
- Malaysia vẫn là thị trường tiềm năng, có khả năng tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam, ở những lĩnh vực sản xuất công nghiệp tương đối ổn định. Điều kiện tuyển dụng của bạn tùy thuộc vào từng hợp đồng cụ thể, tuy nhiên phổ biến chỉ là lao động phổ thông, có đủ sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật tốt là có thể tham gia được thị trường này. Vì thế, trong nhiều năm tới, với định hướng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Malaysia vẫn là thị trường trọng điểm, là hướng để xoá đói giảm nghèo.
- Vấn đề rủi ro của lao động thế nào?
- Năm 2004, phía bạn có một số chính sách chuyển đổi đầu tư trong xây dựng, cộng với giá thép thế giới tăng cao, một bộ phận lao động trong lĩnh vực xây dựng đã phải về nước trước thời hạn. Cục đang chỉ đạo các doanh nghiệp giải quyết triệt để, một là chuyển chỗ làm việc. Nếu không sắp xếp được thì cho lao động về nước, đảm bảo tất cả quyền lợi của họ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự cố này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của lao động khi dự định đi Malaysia.
- Lao động e ngại bởi còn một số doanh nghiệp hoạt động kém, “bán” lao động lòng vòng. Cục đã có những giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
- Từ năm 2002, khi ta mở thị trường, một số doanh nghiệp có hoạt động vi phạm trong việc đưa lao động sang Malaysia. Cục đã xử lý nghiêm túc, cụ thể đã có doanh nghiệp bị đình chỉ, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động. Gần đây, để chấn chỉnh công tác này, Bộ và Cục đang chỉ đạo đối với các doanh nghiệp đưa nhân công sang Malaysia là phải thực hiện nghiêm túc việc tuyển chọn thông qua mô hình liên thông xuất khẩu lao động với các địa phương, làm sao để lao động đến trực tiếp doanh nghiệp, không qua khâu trung gian, cò mồi.
Thứ hai, đối với Ban quản lý lao động ở Malaysia, Bộ và Cục chỉ đạo Ban phải có trách nhiệm thẩm định kỹ các hợp đồng, đảm bảo đủ điều kiện. Doanh nghiệp nào đã khảo sát kỹ lưỡng về tình hình việc làm, thu nhập, điều kiện sinh hoạt thì mới được phép đưa lao động đến.
Mặt khác, Cục và cơ quan công an đang tăng cường xử lý những vụ lừa đảo lao động, làm lành mạnh môi trường xuất khẩu lao động trong nước. Đầu năm, hai bộ Lao động và Công an đã ký thông tư liên tịch số 1 để xử lý việc này.
- Có một thực tế là số lao động đi Malaysia bị chết khá nhiều, cao hơn hẳn các thị trường khác. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?
- Tình trạng này xảy ra khi chúng ta bắt đầu đưa lao động sang Malaysia, kể cả phía bạn và ta chưa có quy định chặt chẽ về khám sức khỏe cho người lao động, vì vậy thời gian đầu một số lao động tử vong do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, một số lao động đã có bệnh tiềm ẩn trong nước, nhưng chưa được phát hiện. Thứ hai, có thể do điều kiện khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Lao động ta là thanh niên nhiều khi cũng hơi chủ quan, buổi tối uống rượu bia, đêm nằm bật quạt to dẫn đến đột tử.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Bộ Y tế đã cử các đoàn công tác sang Malaysia để khảo sát, phân tích tìm nguyên nhân và có giải pháp khám sức khỏe cho lao động đi làm việc ở Malaysia. Vừa qua, 3 bộ (gồm cả Bộ Tài chính) đã ký thông tư liên tịch quy định việc khám sức khỏe cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, phía Malaysia cũng đưa ra yêu cầu chặt chẽ trong việc khám sức khỏe. Sau một thời gian làm việc, phía bạn sẽ kiểm tra lại sức khỏe của lao động. Chính vì vậy, thời gian gần đây, số lao động chết ở Malaysia đã giảm xuống rất nhiều.
- Hiện tượng cò mồi, các công ty trung gian trục lợi tiền của lao động vẫn còn. Ông có lời khuyên gì đối với lao động?
- Để tránh việc đi qua cò mồi, trung gian, người lao động nên đến đăng ký đi xuất khẩu ở các cơ quan lao động của địa phương, thông qua ban chỉ đạo xuất khẩu lao động, đến trực tiếp doanh nghiệp.
Như Trang thực hiện
▪ Hàng trăm ngàn lao động VN sắp sang Trung Đông (17/10/2005)
▪ "Sống chết" với thành đô (15/10/2005)
▪ Tìm nguyên nhân cái chết của một lao động VN tại Đài Loan (12/10/2005)
▪ Tuyển dụng ngày 13-10 (13/10/2005)
▪ Sinh viên IT: Tung hoành trong thương trường (12/10/2005)
▪ Giáo viên vùng sâu được phụ cấp ưu đãi 35-50% (11/10/2005)
▪ Pháp chuyển chiến lược đào tạo đại học (10/10/2005)
▪ "Nhân tài đất việt" thực sự thu hút nhân tài (10/10/2005)
▪ Sẽ thuê giáo viên nước ngoài về VN dạy nghề (07/10/2005)
▪ Tuyển dụng ngày 8-10 (08/10/2005)