Nhà báo Phạm Huy Hoàn hiện là ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Tổng Biên tập báo Khuyến học & Dân trí.
Thưa ông, từ chỗ là Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trí tuệ Việt Nam về công nghệ thông tin (IT) chủ yếu dành cho thanh niên, nay ông tham gia khởi xướng cuộc thi Nhân tài đất Việt. Liệu cuộc sau có phải là "biến tấu" của cuộc trước và một số "tai nạn" của cuộc trước có nguy cơ gặp lại không?
Nhân tài Đất Việt có nhiều điểm khác cơ bản Trí tuệ Việt Nam dù hai cuộc thi có cùng mục tiêu là góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin.
Về quy mô, Nhân tài Đất Việt không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) mà mở rộng ra cả lĩnh vực truyền thông (ICT). Sản phẩm dự thi không chỉ dừng ở ý tưởng hoặc phần mềm mà mở rộng sang giải pháp phần mềm, phần cứng, mạng và tích hợp công nghệ. Về đối tượng, không giới hạn ở tuổi thanh niên như trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam.
Thủ tục, vì thế, được xây dựng chặt hơn. Để tránh sự việc đáng tiếc như đối với sản phẩm iCMS, giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam năm 2002 (dùng mã nguồn mở CMS bất hợp pháp- PV), tác giả dự thi phải cam kết bằng văn bản không vi phạm bản quyền.
Và để công chúng tham gia giám sát tính hợp pháp của cả quá trình chấm giải, chúng tôi còn đưa sản phẩm dự thi và danh sách ban giám khảo 17 thành viên do GS.VS Nguyễn Văn Hiệu làm chủ tịch lên mạng, trên website: http://www.nhantaidatviet.vnn.vn
Cuộc thi tiến triển đến đâu rồi, thưa ông?
Đến nay, ban tổ chức nhận được 174 sản phẩm. Trí tuệ Việt Nam năm đầu tiên tổ chức chỉ chọn được hơn 30 sản phẩm. Trí tuệ Việt Nam thu hút rất ít nữ thí sinh. Nhưng lần đầu tổ chức, cuộc thi này có tới 58 thí sinh nữ, chiếm 14% trong tổng số 414 thí sinh tham gia.
Thí sinh nhỏ tuổi nhất cũng là nữ, em Nguyễn Hương Ly, 11 tuổi, tham gia nhóm thực hiện sản phẩm "Hệ thống Thông tin Việt Nam". Thí sinh cao tuổi nhất là ông Lê Văn Sửu, 69 tuổi, với sản phẩm "Phần mềm Chẩn nhiệt bằng Đo nhiệt Kinh lạc".
Ban tổ chức nhận cả sản phẩm từng tham dự Sáng tạo KH&CN do quỹ VIFOTEC của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, cuộc thi mang tính chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực KH&CN ở Việt Nam hiện nay.
Cuộc thi lại có tính mở phải đáp ứng bốn tiêu chí cơ bản (tính hiệu quả, tính ứng dụng và phổ biến, tính sáng tạo khoa học, và tính hoàn thiện). Các sản phẩm dù tham dự bất cứ cuộc thi nào trước đó đều có thể tham dự. Chẳng hạn, chúng tôi nhận được sản phẩm DSP từng đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo KHKT TPHCM 2003, giải nhì cuộc thi của Quỹ VIFOTEC 2004.
Liệu cuộc thi này có "lặp lại" các cuộc khác?
Mục tiêu của chúng tôi là khuyến học, khuyến tài, và tôn vinh những tài năng trong lĩnh vực ICT. Những sản phẩm từng đoạt giải ở cuộc thi khác cũng sẽ được xem xét. Lễ trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, nhân đại hội III Hội Khuyến học cuối năm nay. Vì thế, chúng tôi còn mong muốn khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn thầy cô.
Một số tổ chức tìm kiếm tài năng ở Việt Nam tuyên bố sẵn sàng bảo trợ cho các sản phẩm đoạt giải. Vườn ươm ý tưởng của công ty FPT hứa hỗ trợ 150 triệu đồng cho mỗi sản phẩm đoạt giải có tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn. Tập đoàn Đại Liên trong TPHCM (Big Link), Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Venture của Mỹ, công ty Điện toán & Truyền Số liệu (VDC), và Tổng Cty Bưu chính Viễn thông (VNPT)..., cũng đưa ra quyết định tương tự. Đây là lần đầu tiên, các công ty ICT công bố ngay trước cuộc thi mong muốn sẵn sàng hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng.
Do vậy, giá trị giải thưởng không dừng ở 20 triệu đồng cho giải ba, 50 triệu đồng giải nhì, và 100 triệu đồng giải nhất. Việc có những sản phẩm được gửi từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga, Pháp, Singapore, v.v..., cho thấy cuộc thi còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và là sự cụ thể hoá chính sách thu hút nhân tài của Đảng và Chính phủ ta giai đoạn mới.
Cám ơn ông!
Theo Quốc Dũng
Tiền Phong