Thực tiễn khó khăn “ép” phải có ý tưởng sáng tạo
Các Website khác - 18/08/2008

Bác sỹ chuyên khoa 2 Phan Xuân Khôi, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Quảng Bình) đã khiêm tốn nói như vậy. Anh là người có nhiều ý tưởng sáng tạo trong ngành y tế với nhiều đề tài khoa học lần đầu tiên được nghiên cứu  ứng dụng thành công.

BS Khôi với nhiều giải thưởng và bằng sáng chế độc quyền

Giải thưởng khoa học tiếp lửa đam mê

Một trong những đề tài điển hình của anh, có ý nghĩa thực tiễn trong ngành sản phụ khoa là: “Phương pháp cố định tử cung mới ứng dụng trong phẫu thuật nội soi, bóc nhân xơ cắt tử cung bán phần”. Đề tài đã được báo cáo tại hội nghị Châu Á Thái Bình Dương lần thứ VII (năm 2007).

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM đánh giá: “Đây thực sự là một thành tựu, một phát minh có giá trị. Phương pháp này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, ngay cả tuyến trung ương cũng cần xem xét để giảm bớt kinh phí phải mua trang thiết bị vốn đã rất thiếu thốn”.

Kỹ thuật này sử dụng Pozzi được cải tiến, đây là dụng cụ y tế thông thường thay thế cho thiết bị cao cấp chuyên dụng của nước ngoài sản xuất. Phương pháp này đã thay thế hoàn toàn cho phương pháp thường quy trong phẫu thuật nội soi.

Dụng cụ Pozzi giá chỉ 30.000 đồng sản xuất tại Việt Nam thay thế cho dụng cụ phẫu thuật nội soi cao cấp chuyên dụng đắt tiền với giá 376 triệu đồng của hãng Karl Store (nhập ngoại). Đề tài khoa học này đã tham gia hội thi sáng tạo khoa học tỉnh Quảng Bình lần thứ II (2006 - 2007) đoạt giải nhất và cũng đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc lần thứ IX (2006 - 2007) (VIFOTEC).

Từ thực tiễn điều trị đến chiếc máy được cấp bằng độc quyền Sở  hữu trí tuệ

Tuy nhiên, ngạc nhiên hơn cả khi biết anh là một bác sỹ lại đi làm “cơ khí” cải tiến, sáng chế máy hút sử dụng trong điều trị cấp cứu và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đã được Bộ Khoa học Công nghệ, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 688 cấp ngày 3/3/2008 với sáng chế “Máy hút dự trữ áp lực âm”.

Khởi nguồn từ ý tưởng sáng tạo này là xuất phát từ trải nghiệm thực tiễn, từ lương tâm người thầy thuốc khi anh là bác sỹ, là giảng viên, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Trong quá trình công tác và tham gia giảng dạy, anh trực tiếp đến cơ sở y tế và chứng kiến rất nhiều máy hút thai bằng điện không đưa vào sử dụng, bỏ phí trong khi đó Nhà nước phải mua bơm hút tránh thai bằng tay do nước ngoài sản xuất với nguồn kinh phí rất lớn để cung cấp cho dịch vụ KHHGĐ trên toàn quốc.

Qua tìm hiểu nguyên nhân, anh biết được máy hút điện không đưa vào sử dụng bởi những hạn chế sau: Máy không hút được khi mất điện hoặc có sự cố; Áp lực hút không ổn định phụ thuộc vào cấu tạo máy và điện áp; Dịch có thể tràn vào máy làm giảm hệ số an toàn trong quá trình sử dụng.

Trong quá trình công tác, anh đã từng chứng kiến những nguy hiểm do hạn chế của máy hút điện gây ra như đang cấp cứu hút dịch trẻ sơ sinh ngạt hoặc sử dụng giác hút sản khoa hỗ trợ cho người mẹ trong những ca đẻ khó cũng như những cấp cứu trong y tế khác.

Sự cố mất điện đột ngột xảy ra, máy sẽ không có khả năng hút, người thầy thuốc nhiều lúc phải bó tay hoặc rất lúng túng trong xử trí cấp cứu, gây nên biến chứng khó lường cho người bệnh. Từ đó, anh đã suy nghĩ, trăn trở đưa ra những ý tưởng cải tiến, khắc phục được hoàn toàn những hạn chế của máy hút thông thường tạo thành một máy mới có tính ưu điểm vượt trội.

Anh đã tự thiết kế, cải tiến, lắp đặt tạo nên một máy mới “Máy hút dự trữ áp lực âm”. Chính GS.TS Nguyễn Đức Vy - Chủ tịch Hội Phụ sản - SĐKHVN - Nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhận xét: “Chiếc máy này có tác dụng khắc phục được những nhược điểm của các loại máy hút đã có trong y học... Tác giả của giải pháp này xứng đáng nhận giấy chứng nhận bản quyền (độc quyền) với danh nghĩa “sáng chế bổ sung”.

Còn GS. TS Trần Thị Phương Mai, nguyên Phó vụ trưởng BVBMTE/KHHGĐ thì đánh giá: “Máy hút dự trữ áp lực âm là một sáng kiến, cải tiến có ý nghĩa thực tiễn và đặc biệt nếu được áp dụng rộng rãi trên cả xe ô tô cấp cứu nhằm hỗ trợ người bệnh được chăm sóc tốt trên xe cấp cứu, giảm được tử vong trong công tác chuyển tuyến, cấp cứu... Đây là một đề tài sáng kiến đáng khuyến khích và mở rộng áp dụng trong cộng đồng”.

Tại Hội nghị Việt - Pháp Châu Á Thái Bình Dương lần thứ VIII (2008), đề tài khoa học này được báo cáo dưới dạng poster và đoạt giải nhì. Giáo sư Felix Wong - Ngành Sức khoẻ Phụ nữ và Trẻ em, Đại học New South Wales, Bệnh viện Liverpool,  nhận xét: “Đề tài nghiên cứu này là một sự thay đổi, cải tiến trên máy hút thông thường và nó thực sự mang lại hiệu quả.

Máy được sử dụng rất an toàn trong nhiều tình huống chăm sóc y tế. Việc lắp thêm bình dự trữ áp lực âm cho máy hút đã được chứng minh trong nghiên cứu là sử dụng hút an toàn, hiệu quả... Tác giả xứng đáng được khen ngợi với đề tài nghiên cứu này”.

Minh Toản