Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam (VN) đến năm 2015 - định hướng đến 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành dệt may nước ta sẽ phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra bước nhảy vọt về cả chất và lượng.
Trong giai đoạn 2008-2010, ngành phấn đấu đạt mức tăng trưởng 16-18%/năm, xuất khẩu (XK) tăng 20%/năm. Giai đoạn 2011-2020, sản lượng tăng 12-14%, XK tăng 15%. Doanh thu toàn ngành sẽ đạt khoảng 14,8 tỷ USD vào năm 2010, nâng lên 22,5 tỷ USD vào năm 2015 và 31 tỷ USD vào năm 2020. Đặc biêt, lấy XK làm mục tiêu phát triển, bên cạnh phát triển tối đa thị trường nội địa, dệt may VN đang “nhắm” vào đích quan trọng nhất là lọt vào Top 5 nước phát triển dệt may trên thế giới vào năm 2015, thay cho vị trí Top 10 hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, ngành đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn, trong đó hiện hữu rõ nhất chính là nguyên vật liệu phần lớn vẫn phải nhập khẩu (NK), tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, trong khi phần gia công còn cao (khoảng 65%), đa số DN chưa xây dựng được thương hiệu.
Theo Hiệp hội Dệt may VN, để thực hiện được chiến lược phát triển đã được phê duyệt, ngay từ bây giờ dệt may phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, bởi đây đang là nỗi lo lớn nhất của ngành. Lạm phát tăng cao gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống công nhân ngành may vốn có mức lương thấp so với một số ngành nghề khác, dẫn đến biến động lao động thường xuyên xảy ra. Muốn tăng lợi nhuận, các DN dệt may đang phải rà soát để chọn những đơn hàng giá cao, đơn giản và ít chi tiết để ký hợp đồng, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm với đối tác và cộng đồng. Bên cạnh nhiều chuơng trình "tăng tốc" đang được triển khai, ngành dệt may cũng đã có kế hoạch đào tạo "thầy hay, thợ giỏi" đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2010, sẽ đào tạo tổng cộng 3.000 cán bộ quản lý cao cấp, 8.000 cán bộ marketing và tài chính, 8.000 cán bộ công nghệ và thiết kế, 270.000 công nhân kỹ thuật. Đến giai đoạn 2016-2020, các con số tương ứng tăng lên thành 4.800 người, 12.500 người, 130.000 người và 430.000 người. Đây sẽ là đội ngũ nhân lực dồi dào bổ sung cho những thiếu hụt hiện nay.
Còn về vấn đề nguyên phụ liệu, đại diện Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cho biết, để phát triển nguồn nguyên liệu vải phục vụ sản xuất và XK hàng dệt may, Vinatex và các DN cần đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng để trồng cây bông vải và sản xuất xơ sợi tổng hợp. Theo đó, kế hoạch phát triển bông tập trung có nước tưới dự kiến được triển khai tại các tỉnh duyên hải miền Trung và một phần Tây Nguyên. Để có diện tích 40.000ha trồng bông có nước tưới vào năm 2015, cần tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng cho đền bù đất, hệ thống thủy lợi và sản xuất giống. Ngoài ra, Vinatex phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất xơ polyeste đầu tiên ở VN với công suất 400 tấn xơ thông thường, 50 tấn xơ đặc biệt và 50 tấn hạt chip/ngày, với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2011 nhà máy sẽ đi vào sản xuất, đến năm 2020 đáp ứng 40% nhu cầu trong nước về xơ sợi tổng hợp. Việc đầu tư phát triển nguồn nguyên phụ liệu dệt may trong nước sẽ từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa từ mức 30% hiện nay lên 50% vào năm 2010 và 60% vào năm 2015; hướng đến mục tiêu đạt 12 tỷ USD XK trong năm 2010 và 18 tỷ USD năm 2015. Năm 2007, trong khi kim ngạch XK hàng dệt may là 7,8 tỷ USD thì giá trị NK bông, sợi, vải toàn ngành đã gần 5 tỷ USD.