Kỹ sư Phan Huy Cường, trưởng bộ phận đào tạo, Phòng Công nghệ SAMCO (bên trái)- một trong những cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng |
LĐLĐ TPHCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP công nhận 11 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần VIII năm 2008. “Giải thưởng Tôn Đức Thắng không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo mà còn góp phần xây dựng một lớp kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng”. Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, đánh giá như vậy.
Hướng đến mục tiêu vì cộng đồng
“Nếu như lần đầu tiên chỉ có vài chục hồ sơ gởi về tham dự thì năm nay, con số này đã lên đến 64 với hơn 100 công trình, sáng kiến có giá trị được áp dụng thành công trong sản xuất - kinh doanh. Càng có ý nghĩa hơn khi công trình, sáng kiến được chọn trao giải không chỉ có hàm lượng chất xám cao mà còn hướng đến mục tiêu vì cộng đồng”. Ông Lý Ngọc Sơn, Phó Ban Thi đua - Chính sách LĐLĐ TP, nhìn nhận.
Chẳng hạn như sáng kiến “Triệt tiêu nguồn cháy máy nhúng màu” của ông Bùi Quang Toản, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Diệu (quận 7-TPHCM), được trao giải thưởng năm 2006. Vụ hỏa hoạn tại công ty chiều mùng 5 Tết Nguyên đán 2002 đã thôi thúc ông phải làm một điều gì đó để bảo đảm an toàn tính mạng cho công nhân (CN) và tài sản của doanh nghiệp. Thế là sáng kiến ra đời. “Khi xảy ra sự cố, chỉ cần mở van xả, lập tức toàn bộ dung môi chảy hết vào thùng chứa, đám cháy được dập tắt. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là CN làm việc trong điều kiện an toàn”- ông Toản tâm sự.
Hay như công trình “Dàn chiết rót thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất” của ông Nguyễn Văn Đơ (Công ty Bảo vệ Thực vật Sài Gòn). Mỗi lần nhìn CN thao tác không an toàn, người lính già này lại thấy day dứt. Vậy là ông đã bỏ ra 3 tháng mày mò, nghiên cứu, chế tạo dàn chiết rót, hạn chế tình trạng rơi vãi thuốc trong quá trình vô chai. “Giảm được rủi ro bệnh nghề nghiệp cho CN chừng nào, tôi càng mừng chừng đó”- ông Đơ bộc bạch.
Tạo động lực sáng tạo
TPHCM là địa phương duy nhất trong cả nước có giải thưởng tôn vinh kỹ sư, CN trực tiếp sản xuất. Năm 2004, Giải thưởng Tôn Đức Thắng chính thức trở thành giải thưởng cấp TP. “Giải thưởng không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự khích lệ, động viên giúp cho chúng tôi không ngừng sáng tạo, vươn tới những công nghệ hiện đại”. Ông Phan Huy Cường, trưởng bộ phận đào tạo, Phòng Công nghệ Tổng Công ty Samco, nhìn nhận như vậy. Sau lần nhận giải thưởng vào năm 2005, kỹ sư Trương Văn Tấn (Xí nghiệp Cơ khí Ô tô An Lạc, Tổng Công ty Samco) càng phấn đấu, tôi luyện “lửa” nghề. Cùng với các đồng nghiệp, anh tiếp tục cải tiến thành công các đời xe ép rác với nhiều tính năng hiện đại hơn.
Còn “cây sáng kiến tay ngang” Đinh Tuấn Kiệt (Công ty TNHH Vĩ Châu, quận 7-TPHCM), 3 năm sau lần đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, tiếp tục thành công với hệ thống “Thử bóng đèn xe gắn máy” có giá thành thấp, bảo đảm chất lượng sản phẩm... Đối với kỹ sư Trần Quang Năng (Công ty Liên doanh Choong Nam – Việt Thắng), giải thưởng năm 2002 đã tạo cho anh niềm phấn khích trong lao động sáng tạo. Từ đó đến nay, anh đã cho ra đời hàng loạt sáng kiến như “Bọc giáp hệ thống lò hơi máy hồ”, “Tái sử dụng nguồn nước thải thiết bị dệt nước”... mang lại hiệu quả to lớn cho sản xuất của đơn vị.
Tận tụy truyền nghề cho thợ trẻ
Những kỹ sư, CN đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu lao động, sáng tạo, đào tạo thợ giỏi với việc phấn đấu trở thành một người thợ đầu đàn như một chuẩn mực của người CN trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Đó là Huỳnh Long Tuấn (Công ty Liên doanh ASC Charwie), Nguyễn Văn Phúc (Xí nghiệp Toyota Bến Thành), Đỗ Quang Long (khách sạn Đệ Nhất), Đỗ Khắc Thịnh (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam)... Họ vẫn ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo, hết lòng vì lớp thợ tương lai. Với sự dìu dắt, hướng dẫn của họ, đã có hàng ngàn thợ trẻ ở các ngành trọng điểm được kèm cặp, đào tạo, đủ khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại.
▪ Bốn người trẻ và thương hiệu cơm hộp Obento (13/08/2008)
▪ Các doanh nhân thường nói gì khi thất bại? (12/08/2008)
▪ “Vua sáng kiến” ngành điện (09/08/2008)
▪ Chỉ cần lãi 25%, người trồng lúa đã vui! (09/08/2008)
▪ Trò chuyện với Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Việt Nam (09/08/2008)
▪ Xuất khẩu lao động vào thị trường... hiếm (09/08/2008)
▪ Mặn đắng nước mắt diêm dân (06/08/2008)
▪ Nhân lực CK trong cơn "thử lửa" (06/08/2008)
▪ Vựa na trên dãy Kai Kinh (04/08/2008)
▪ “Trai gàn” mang dòng máu Robinson (02/08/2008)