Tuyên truyền viên đồng đẳng trong phòng chống HIV/AIDS: “Nghề đặc biệt”
Các Website khác - 13/01/2010

HIV/AIDS ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn tập trung trong nhóm nghiện chích ma túy, người bán dâm. Vì vậy, vai trò của các tuyên truyền viên đồng đẳng (TTVĐĐ) lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Họ được ví  như người mang "vaccin" vào ổ dịch... 

Những nguy cơ...

Hằng ngày chị Dung tìm đến với các nhà hàng, khách sạn, hay các tụ điểm "nhạy cảm" để tiếp cận với chị em bán dâm. Công việc của chị là tư vấn cho họ về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thực hiện hành vi tình dục an toàn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Cùng với việc tư vấn là phát bao cao su (BCS) miễn phí  (cung cấp dịch vụ thực hiện hành vi tình dục an toàn) và hướng dẫn họ dùng đúng cách... Không tuân theo giờ giấc nào cả, lúc buổi trưa, khi thì tối, thời gian làm việc của chị Dung hoàn toàn phụ thuộc vào "thời gian biểu" của khách hàng - các thân chủ của chị. Chị tranh thủ cả lúc các thân chủ đang chờ "đi khách" để tư vấn, phát BCS miễn phí cho họ. 

Thời gian đầu thấy chị cầm BCS ra vào nhà hàng, khách sạn người thân, bạn bè lại tỏ ý sinh nghi. Bản thân chị cũng cảm thấy ái ngại còn bạn bè gặp chị có ý né tránh. Nhớ nhất có lần chị đến một nhà hàng. Hẹn hò, thuyết phục mãi chủ nhà hàng mới cho vào tiếp cận. Đang say sưa tư vấn thì công an vào kiểm tra. Thế là chị bị gom luôn cùng đám tiếp viên nhà hàng!

Vậy mà đã được 6 năm chị tham gia làm TTVĐĐ nhóm bán dâm dự án Life - Gap (Quảng Ninh). Bằng những kiến thức được dự án trang bị và những kinh nghiệm sáng tạo rút ra trong quá trình làm việc chị đã hoàn toàn tự tin với công việc của mình. Khó khăn, vất vả nhưng đổi lại chị sẽ giúp được nhiều người, chí ít thì cũng nhận biết, thay đổi hành vi hay giảm bớt những hành vi nguy cơ cao, thực hiện các hành vi an toàn phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, biết được cách bảo vệ sức khỏe.

Khác với chị Dung, anh Hiếu (Sơn La) và anh Vinh (Hòa Bình) lại đi tiếp cận tư vấn và phát bơm kim tiêm sạch cho nhóm nghiện chích ma túy. Nguy hiểm nhất là tiếp cận đúng lúc khách hàng đang đói thuốc. Nhiều phen các anh bị khách hàng lên cơn sửng cồ quát mắng! Các anh cho biết: “Làm công việc này các TTVĐĐ có khi còn bị kỳ thị bởi cộng đồng, người thân. Tình trạng bị khách hàng xua đuổi, từ chối tiếp cận là chuyện thường tình. Vậy mà chúng tôi cứ kiên trì, bền bỉ tạo ra lòng tin với họ. Những khách hàng thuộc loại khó tính ấy phải thay đổi hành vi trước sự kiên nhẫn thuyết phục của chúng tôi. Có khách hàng đã tích cực tham gia các hoạt động và trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng, lấy vợ sinh con, tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống”.

tuyên truyền viên đồng đẳng
 Tuyên truyền viên đồng đẳng phát tài liệu về HIV/AIDS tại cộng đồng.

Và sẽ được bảo vệ

Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam cho biết: Các TTVĐĐ là những người được các chương trình, dự án tuyển chọn, đào tạo để quay trở lại tiếp cận những người nghiện chích ma túy, người bán dâm, để tuyên truyền cho họ về phòng, chống HIV/AIDS; hỗ trợ, cung cấp cho họ phương tiện thực hiện các hành vi an toàn (bơm kim tiêm, BCS...). Đồng thời vận động họ đến tiếp cận các dịch vụ, cao hơn nữa vận động họ từ bỏ ma túy, từ bỏ hành vi bán dâm của mình. Hiện dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn tập trung trong nhóm người nghiện chích ma túy, người bán dâm, nên công việc của các TTVĐĐ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Họ được coi là một trong những lực lượng chủ lực để "tấn công" vào HIV/AIDS.

Việc phát BCS, bơm kim tiêm sạch và liệu pháp thay thế methadone trong chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV là các phương pháp hợp pháp được khẳng định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta. Bên cạnh đó các văn bản này cũng xác định quyền và trách nhiệm của các TTVĐĐ: nhân viên tiếp cận cộng đồng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được hưởng các chế độ, phụ cấp từ các chương trình, dự án; không  bị coi là vi phạm pháp luật khi thực hiện việc phân phát BCS, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho các đối tượng... Và khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại nhân viên tiếp cận cộng đồng có trách nhiệm thông báo với UBND và công an cấp xã trước khi triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trên địa bàn và sử dụng thẻ khi thực hiện nhiệm vụ đúng với phạm vi trách nhiệm được phân công.

Việc đeo thẻ để chứng minh rằng họ đang làm việc cho một chương trình can thiệp giảm tác hại và các chương trình dự án, hoạt động của họ là hợp pháp cho nên họ sẽ được bảo vệ. Nếu không đeo thẻ việc hiểu nhầm có thể xảy ra. Hiện Bộ Y tế và Bộ Công an đang thỏa thuận ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc cấp phát và quản lý, sử dụng thẻ cho TTVĐĐ. Khi thông tư này ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các TTVĐĐ tác nghiệp. Ngoài ra, ông Ân khẳng định, nếu TTVĐĐ bị nhiễm HIV hoặc đã bị nhiễm HIV trước khi tham gia các dự án sẽ được ưu tiên trong việc tiếp cận điều trị và điều trị miễn phí kể cả trong trường hợp không có sự tài trợ của nước ngoài và tiến tới sẽ mua thẻ bảo hiểm y tế cung cấp cho các TTVĐĐ.

Được biết, không chỉ được pháp luật bảo vệ, công việc của các TTVĐĐ đã được ghi nhận và đánh giá cao trong các hoạt động tập huấn, đào tạo và tổ chức các diễn đàn và ngày càng được cộng đồng ủng hộ.

Thu Hương