Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (bìa phải), trao kỷ niệm chương cho các cá nhân đoạt giải Trần Văn Kiểu năm 2008 |
“Công việc của họ rất bình thường nhưng với lòng yêu nghề, họ luôn tìm thấy niềm vui và sự sáng tạo. Những sáng kiến ấy xuất phát từ chính công việc hằng ngày, có khi chỉ mang lại giá trị vài triệu đồng nhưng ý nghĩa của nó lại to lớn, giúp công việc của người thợ thuận lợi hơn, hiệu quả hơn”. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nhìn nhận như vậy tại lễ trao Giải thưởng Trần Văn Kiểu do LĐLĐ quận 5- TPHCM tổ chức sáng 21-8. Trong số 6 gương mặt được trao giải thưởng năm nay, có 2 người là công nhân (CN) trực tiếp sản xuất. Đó là Phan Xuân Vinh (Công ty Công trình Giao thông Công chánh quận 5) và Quách Đông Khiêm (Công ty Tân Cường Thành).
Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn
Trong trang phục CN giản dị, anh Vinh thật thà: “Tôi chỉ quen làm, còn nói thì dở lắm”. Ở tổ 2, đội công trình giao thông (Công ty Công trình Giao thông Công chánh quận 5) mọi người không chỉ quý anh ở tính cần cù, chịu thương, chịu khó mà còn nể Vinh vì anh “sờ vào đâu cũng ra sáng kiến”.
Năm 2003, Công ty Công trình Giao thông Công chánh quận 5 tiếp nhận 42 tuyến cống từ TP giao về. Anh Vinh cùng tập thể đội được giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng. Được một thời gian, nhiều nắp cống bị mất cắp. “Tôi tiếc hùi hụi vì các nắp cống này rất gọn, đẹp, bền chắc. Đáng lo hơn, hiện số nắp này không còn sản xuất vì giá thành quá cao. Cả tuần liền tôi luôn nghĩ phải làm cách nào để ngăn ngừa chuyện này”- anh Vinh kể. Cuối cùng, anh nghĩ ra việc lắp thêm một thanh sắt chắn ngang, bắt ốc vít thật chặt, giữ không cho nắp bị tháo rời, ngăn chặn kẻ gian lấy cắp. Chi phí cho sáng kiến này chỉ có 50.000 đồng nhưng giá trị làm lợi gần 5 triệu đồng cho mỗi nắp cống. Hiện công ty đã triển khai thực hiện sáng kiến này trên các tuyến đường Ký Hòa, Lão Tử, Lương Nhữ Học... Anh Vinh và đồng nghiệp còn có nhiều sáng kiến khác như chế tạo lưới chặn rác tại các nắp cống, dụng cụ thông lòng cống...
Học để hoàn thiện bản thân
Ở Công ty Tân Cường Thành, nhắc đến Quách Đông Khiêm, mọi người đều biết vì đó là người đã điều hành, lắp đặt 1.200 máy móc, thiết bị cho sản xuất từ năm 2003 đến nay. Ông còn tiếp nhận, chuyển giao thành công dây chuyền bọc tự động dây cáp điện 35 KV, hiện đại nhất VN hiện nay. Ít ai biết rằng Quách Đông Khiêm chưa qua bất kỳ trường lớp chính quy nào. Với lòng say mê, ông mày mò tự học. Ông tâm sự: “Vốn là người lao động nghèo nên tôi hiểu phải có tay nghề cao, chuyên môn vững mới bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở anh em phải ra sức học tập, hoàn thiện bản thân. Trong một tập thể, một người giỏi không thể làm cho công ty mạnh mà phải có nhiều người giỏi”.
Ngoài việc kèm cặp anh em CN, ông còn truyền cho họ lòng say mê, sáng tạo. Chủ tịch CĐ Huỳnh Vĩ Văn cho biết: “Trong phong trào sáng tạo ở công ty, ông luôn là đầu tàu khi vừa phát động, vừa làm gương vừa tham gia thực hiện rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng”.
▪ Những người viết tiếp huyền thoại (22/08/2008)
▪ Giảng viên trẻ: Giỏi hơn nhưng cũng… thực dụng hơn (20/08/2008)
▪ Đỏ mắt tìm lao động kỹ thuật (20/08/2008)
▪ Nhọc nhằn đời sống công nhân (19/08/2008)
▪ Thực tiễn khó khăn “ép” phải có ý tưởng sáng tạo (18/08/2008)
▪ Nghề Bartender (18/08/2008)
▪ "Dũng bảo trì"- Gương sáng của công nhân ngành điện (16/08/2008)
▪ Áp lực vô hình (16/08/2008)
▪ Nghề "đa ngữ" đắt sô (15/08/2008)
▪ Công nhân, người về hưu, không phải nhận lương qua thẻ (15/08/2008)