Nhọc nhằn đời sống công nhân
Các Website khác - 19/08/2008
 

Công nhân thử quần áo giá bình dân bán bên đường - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Kỳ 2: Giá cả leo thang, đồng lương eo hẹp

Khảo sát của PV Thanh Niên tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng cho thấy, công nhân ngành may mặc và da giày có thu nhập thấp nhất; tiếp đó là ngành gia công cơ khí, điện tử...

Đa phần thu nhập thấp

Đa số công nhân thu nhập khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng, cao hơn một chút là 1,7 - 2 triệu đồng. Chỉ một bộ phận nhỏ công nhân được xếp vào hạng "đại gia" khi mỗi tháng kiếm khoảng 4 triệu đồng.

Gặp chúng tôi, một công nhân "đại gia" tên Nguyễn Văn Đạt (Công ty Rorze Robotech - chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn điện tử, 100% vốn của Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Nomura, huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết: "Tổng thu nhập của em tại công ty khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, lương cơ bản trên 2 triệu đồng, phụ cấp độc hại 300 ngàn đồng, phụ cấp thu hút 200 ngàn đồng, còn lại là tiền làm thêm giờ. Vợ em cũng là công nhân của một công ty có 100% vốn nước ngoài, mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng". 

Vợ chồng Đạt thuộc số ít công nhân có thu nhập tương đối cao. Tiền lương cơ bản, các khoản phụ cấp, chế độ khác của Đạt luôn là niềm mơ ước của đại bộ phận công nhân. Làm việc đủ ngày công, tích cực làm tăng ca đến mức có hôm đến 10 - 11 giờ đêm mới nghỉ, mỗi tháng tổng thu nhập của anh Tính (công nhân Công ty TNHH Giày da Ngọc Tề - Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên) cũng chỉ vào khoảng trên dưới 1,7 triệu đồng. Theo anh Tính, số tiền anh được nhận hằng tháng gồm các khoản: lương chính 860.000 đồng, tiền ăn trưa 150.000 đồng, tiền thưởng năng suất từ 50.000 - 100.000 đồng, đi làm đủ ngày công được thưởng 50.000 đồng, còn lại là tiền tăng ca (mỗi giờ tăng ca được trả 5.500 đồng).

Thậm chí công nhân có thu nhập như anh Tính cũng không nhiều. Đa phần công nhân mỗi tháng chỉ được nhận từ dưới 1 triệu đến 1,5 triệu đồng tháng. Đây là là mức thu nhập vừa và thấp. Lương cơ bản của họ đã thấp, các khoản phụ cấp khác cũng không cao.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn thấp, dẫn đến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, thu nhập bình quân tuy có tăng 12,4%, song người lao động phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ trang trải cho cuộc sống bản thân và chỉ tích lũy một phần rất nhỏ.
Chẳng hạn, "phụ cấp chuyên cần" (trả cho những người không đi muộn về sớm, làm việc nghiêm túc) có khi chỉ 30.000 - 50.000 đồng; còn phụ cấp độc hại, có nơi chỉ 4.000 đồng/ngày (như tại Công ty AS'TY chuyên may túi xách ở Hải Phòng). Chị Hồ Thị Hương (quê Thanh Hóa, công nhân Công ty may Ki Đô, Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên) không giấu được tiếng thở dài khi cho biết thu nhập của mình: "Cộng tất cả các khoản như lương cơ bản, tiền làm thêm giờ và một vài khoản phụ khác, mỗi tháng em chỉ có vỏn vẹn trên dưới 1,1 triệu đồng để trang trải cho cuộc sống hằng ngày với một loạt các khoản cần phải chi tiêu". Cũng tại Hưng Yên, chúng tôi được anh Trần Văn Nam (Công ty TNHH Sufat Việt Nam) cho biết, mỗi tháng anh chỉ nhận được từ Phòng tài vụ của công ty khoảng 1,2 triệu đồng, bao gồm tiền lương cơ bản và tiền làm thêm giờ.

Không để dành được đồng nào

Với mức thu nhập kể trên, mức sống của công nhân tại các khu công nghiệp hiện cũng khác nhau. Nhiều người tằn tiện mới đủ sống; có người ngoài việc lo ăn, ở..., mỗi tháng cũng tích lũy được từ vài trăm đến cả bạc triệu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, cuộc sống của tất cả trong số họ đều đang gặp thêm khó khăn mới, khi mà tình hình giá cả leo thang đang tác động đến tất cả mọi người với từng mức độ khác nhau. Trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Đạt, mỗi tháng cộng lại hai người "bỏ túi" khoảng 7 triệu đồng, là mức thu nhập tương đối ổn trong thời buổi giá cả tăng cao như hiện nay. Nhưng những trường hợp như vậy không nhiều. Khó khăn hiện đang đè nặng trên đôi vai của đa số công nhân - những người có thu nhập ở mức thấp và vừa, thậm chí là thu nhập khá.

Với những người có thu nhập khá như anh Tính, để có thể trích ra mỗi tháng vài trăm nghìn gửi về nhà phụ giúp bố mẹ, anh đã phải co kéo rất nhiều. 1,7 triệu đồng lương tháng của anh hiện đang phải "cõng" một loạt các khoản chi tiêu: một phòng trọ 2 người ở giá 250.000 đồng; ông bà chủ nhà trọ thu 50.000 đồng tiền điện và nước; ăn uống hết trên 500.000 đồng, xăng xe khoảng 80.000 đồng; tiền mua xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng... hết trên dưới 100.000 đồng, mừng đám cưới, sinh nhật trung bình khoảng 150.000 đồng và rất nhiều các khoản chi không tên khác nữa, chưa kể tới tiền thuốc men mỗi khi đau ốm. "Trước kia với 1,7 triệu, để tiết kiệm được vài trăm nghìn mỗi tháng không khó lắm. Giờ mỗi thứ hàng hóa lên giá một ít, cộng lại tổng chi phí tạm gọi là trượt giá đã là một khoản không nhỏ. Thành ra cũng chỉ tiết kiệm được chừng ấy tiền, tôi đã phải tằn tiện hơn trước rất nhiều" - anh Tính tâm sự.

Trong khi đó, anh Trần Văn Nam (Công ty TNHH Sufat Việt Nam) lại cảm thấy hiện nay "tiền làm ra đến đâu tiêu hết đó". Theo anh Nam, chủ nhà trọ tăng giá thuê phòng, tiền điện, tiền nước; một bó rau muống trước giá chỉ khoảng vài trăm đến 1.000 đồng, nay tăng lên tới 2.000 đồng... Vì vậy, ngoài trả tiền ăn, tiền ở, "nuôi" thêm một cái điện thoại di động và đổ xăng xe máy, anh Nam không để dành được một đồng nào. "Đã cố gắng tiết kiệm rồi, không thể tằn tiện hơn được nữa. Vậy mà các cụ ở nhà vẫn bảo: mày đi làm cả năm, chẳng thấy gửi về nhà cho bố mẹ được đồng nào" - anh Nam than thở (còn tiếp).

Kỳ 1: Bữa cơm không còn dễ nuốt

Cần luật hóa chính sách về tiền lương

"Chính sách tiền lương hiện nay, chưa nói ít hay nhiều, thì cũng đã tạo ra sự phân biệt giữa người lao động tại doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Việc quy định mức lương của các doanh nghiệp FDI theo vùng cũng có vấn đề. Hệ số đắt đỏ tính ở đây chưa hẳn đã là chuẩn, ví dụ ở Hải Phòng, giá sinh hoạt ở huyện An Dương (có Khu công nghiệp Nomura) cao hơn nhiều đối với khu vực quận Dương Kinh, Đồ Sơn (là nơi có Khu công nghiệp Đồ Sơn).

Thực tế thì các doanh nghiệp FDI cũng có những phụ cấp khác để cho người lao động có thêm thu nhập, nhưng đây cũng là cách của họ, một là để giảm mức đóng bảo hiểm, hai là để xử lý công nhân mình mà không phải trừ lương, phạm luật. Tại Hải Phòng, có những doanh nghiệp ý thức rất cao vấn đề lao động, chẳng hạn Công ty Rorze Robotech trả lương cao gấp đôi mức lương trung bình trong Khu công nghiệp Nomura, nhưng đa số doanh nghiệp FDI chỉ  trả cao hơn mức lương tối thiểu một chút. Thu nhập trong doanh nghiệp FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước, nhưng đây là quan hệ chủ thợ, ông chủ cần sức lao động, công nhân cần tiền lương, về bản chất, đó là quan hệ không bền vững.

Một việc rất quan trọng, cần làm ngay, là cần có một chế tài về việc áp dụng chế độ thang, bậc lương trong doanh nghiệp FDI. Việc này hiện nay hoàn toàn tùy thuộc vào tự giác của chủ doanh nghiệp. Ở một góc độ khác, việc ra các quy định điều chỉnh mức lương của chúng ta gần đây cũng làm cho doanh nghiệp bị động khi hoạch định chiến lược kinh doanh. Chính sách về tiền lương cần phải được luật hóa và bền vững. Được biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng để trình Quốc hội phê duyệt Luật lương tối thiểu, khi đó mọi việc chắc sẽ ổn hơn" - ông Vũ Đình Tới, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Hải Phòng.

Nhóm PV