Cảnh báo trẻ bị xâm hại tình dục từ gia đình
Báo Tiếng chuông - 26/04/2016
Con trẻ bị xâm hại tình dục đang là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Phần đông mọi người đều nghĩ việc xâm hại là do người lạ gây ra mà không ngờ rằng chính gia đình cũng có thể là mối nguy đối với trẻ.

Đó là nhắn nhủ của ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân đến các bậc phụ huynh trong buổi sinh hoạt về chuyên đề “Dạy con phòng tránh bị xâm hại tình dục”, được tổ chức tại Trường Mầm non Mai An (số 167, QL1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) vào ngày 25/4. Chuyên đề do Hội quán các bà mẹ phối hợp với Nhóm thiện nguyện Sách và trẻ thơ tổ chức.

ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân nhận định những sinh hoạt thường ngày trong gia đình nếu không để ý cũng là một cách xâm hại tình dục trẻ, lâu dần sẽ tạo ra những suy nghĩ không hay cho trẻ. Có những người mẹ có thói quen sờ vào vùng nhạy cảm của con trai dù con đã lớn, vuốt ve, chà tay nhẹ vào những vùng nhạy cảm của con, con gái vô tư sà vào lòng ba, bảo rằng sau này lớn lên sẽ kết hôn với chính ba mẹ của mình. Dù đó chỉ là những câu nói của trẻ nhỏ, cứ tưởng như hồn nhiên và vô tư nhưng nếu không khiến trẻ thay đổi suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ sau này.

“Chúng ta thường nghĩ đó là biểu hiện của tình thương, con gái quấn chặt lấy ba thì có gì sai, mẹ thương con trai nên mới có những hành động cưng nựng như vậy. Nhưng thực chất, những hành động này sẽ gây cho con trẻ những cảm xúc không đúng. Trẻ sẽ tưởng rằng với ai cũng có thể hành động như vậy và dễ dàng sà vào lòng người khác, cho phép người khác chạm vào người mình. Điều này cũng có thể diễn ra tương tự với họ hàng trong gia đình, anh em lâu ngày gặp nhau, ôm hôn rồi thân thiết quá mức cũng khiến trẻ lầm tưởng về tình cảm của mình” - ThS Vũ Cẩm Vân nhấn mạnh.

ThS Vũ Cẩm Vân cũng đã nhắc đến câu chuyện bé gái thích anh họ của mình mà chị từng gặp trong quá trình tiến hành trị liệu tâm lý cho trẻ. Cứ đến hè, anh họ dưới quê được cha mẹ cho lên nhà bé gái chơi, nhiều lần như vậy giữa hai bé phát sinh tình cảm và thường viết thư cho nhau. Sau này mẹ của bé gái phát hiện được mới vỡ chuyện ra. Dù cố gắng khuyên ngăn nhưng bé vẫn khăng khăng tình cảm của mình là đúng.

Theo ThS Vũ Cẩm Vân, đây cũng là vấn đề mà cha mẹ cần quan tâm chứ không chỉ đề phòng với người lạ. “Những cử chỉ quá thắm thiết giữa cha mẹ và con cái là cần thiết nhưng cần xác định rõ mức độ của hành động đó để không để lại những hậu quả đáng tiếc vì tâm lý trẻ rất dễ bị kích thích” - ThS Vũ Cẩm Vân nói rõ.

 

ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cho biết nguy cơ trẻ bị xâm hại từ gia đình chiếm tỉ lệ cao

 

ThS cho rằng cha mẹ cần chấm dứt những hành động như sờ tay vào vùng nhạy cảm của con từ khi con lên ba tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất nhạy cảm và tâm lý cũng liên tục thay đổi, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hành động yêu thương không đúng từ phía cha mẹ. Việc xâm hại cũng có thể bộc phát từ những suy nghĩ sai lệch về tình dục khi trẻ lớn lên.

“Đời sống hôn nhân giữa cha mẹ cũng không nên để con nhìn thấy và phải tách con ra từ từ, không nên cho trẻ ngủ với cha mẹ quá lâu, không nên để trẻ tiếp xúc với những clip sex trên mạng và từ môi trường xung quanh…” - ThS Vũ Cẩm Vân khuyến cáo.

“Có rất nhiều trẻ 5-7 tuổi đã thử nghiệm trò chơi tình dục với nhau. Ở tuổi này, bé chưa hiểu hết về  tình dục, chỉ hành động theo bản năng, theo những gì bé quan sát trong đời sống hằng ngày. Tình trạng này nếu cứ kéo dài sẽ không tốt cho bé và những người khác. Đó là hành vi dẫn đến việc xâm hại cơ thể người khác sau này” - ThS Vũ Cẩm Vân nói thêm.

Ngoài ra, việc phòng chống việc xâm hại cho trẻ từ những người thân thiết khác trong họ hàng, người lạ cũng được ThS Vũ Cẩm Vân lưu tâm bằng những việc cụ thể như: dạy con hiểu về giới tính, về những nguy hiểm của việc xâm hại. Những sang chấn tâm lý kéo dài sau khi sự việc xảy ra cha mẹ cũng cần tìm hiểu, thiết lập sợi dây liên kết với con và luôn biết cách tiết chế cảm xúc trong tình cảm giữa cha với mẹ trước mặt con để con không tiếp xúc quá sớm với những hình ảnh như vậy… Quan trọng nhất, việc cho trẻ chơi những trò chơi tình huống cùng cha mẹ, mỗi người đóng vai một nhân vật trong tình huống sẽ là cách hiệu quả nhất để giúp trẻ nhận thức rõ nguy hiểm của việc xâm hại.

Đứa con là triệu chứng của gia đình

Theo Thạc sĩ tâm lí lâm sàng Vũ Cẩm Vân, gia đình có nhiều sự bất ổn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về mặt tâm lý của trẻ. Tâm lý trẻ như thế nào sẽ bộc lộ ra hành động bên ngoài. Có những đứa trẻ hay nổi cáu, quát mắng và bạo lực với bạn bè, mọi người xung quanh là do những tổn thương từ phía gia đình gây ra.

Th.s Vũ Cẩm Vân kể từng tiếp xúc với đứa trẻ có những triệu chứng như trên. Khi trò chuyện, tỉ tê với bé thì mới biết rằng bé sợ bố mẹ ly hôn vì thường xuyên thấy bố mẹ cãi nhau. Bé ghen tị với em gái 2 tuổi vì được bố mẹ chăm sóc nhiều hơn, còn bé thì có cảm giác bị cho ra rìa. Ở lớp, bé luôn khao khát học giỏi để được mọi người chú ý nhưng lại luôn là đứa trẻ “đội sổ” ở lớp. “Chính những chấn động tâm lí như vậy khiến bé bị bấn loạn và luôn có cảm giác không an toàn, cứ gào thét với bất cứ ai và khiến đối phương thấy khó chịu”- Th.s Vũ Cẩm Vân.

“Để tránh những trường hợp như vậy, không gì tốt hơn ngoài việc xây dựng một mái ấm thật hạnh phúc, không có bất ổn nào quá lớn gây sốc cho trẻ”- Th.s Vũ Cẩm Vân chia sẻ.

 

 
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, trong 5 năm từ 2011- 2015 phát hiện hơn 8.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Trong năm 2014, số vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em tăng 6,3% so với năm 2013. Đáng lo ngại hơn, khả năng các em quen biết kẻ xâm hại là 93% và có 47% kẻ xâm hại ở trong gia đình hoặc là họ hàng.