Hơn 22 nghìn người nghiện được tiếp cận dự phòng HIV
Báo Tiếng chuông - 21/04/2016
Chỉ riêng trong quý I, nhờ Dự án VUSTA, đã có đến 22.113 người nghiện chích ma túy, 15.023 người nam quan hệ đồng giới (MSM) và 5.810 phụ nữ mại dâm tiếp cận tiếp cận với chương trình dự phòng HIV.

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Họp giao ban Dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS quý I/2016.

 

Bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Dự án VUSTA phát biểu - Ảnh: Thùy Chi

 

Theo Báo cáo kết quả hoạt động quý I/2016, đã có 92 tổ chức cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ phòng chóng HIV/AIDS với 1.133 tiếp cận viên được huy động tham gia vào các tổ chức cộng đồng (CBO). Cũng trong quý I đã có 15.023 người MSM tiếp cận với chương trình dự phòng HIV; chuyển gửi thành công 34,8% khách hàng MSM đến dịch vụ xét nghiệm HIV; 5.810 phụ nữ mại dâm tiếp cận với chương trình dự phòng HIV, chuyển gửi thành công 32,2% khách hàng là phụ nữ mại dâm đến dịch vụ xét nghiệm HIV; 22.113 người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình dự phòng HIV với 32,9% chuyển gửi thành công.

Dự án luôn nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ của các bộ, ngành  liên quan, các lãnh đạo, phòng ban của VUSTA, dự án thành phần y tế, cũng như sự nỗ lực của các bên thực hiện và CBO. Tuy nhiên, do dự án giai đoạn (2015 -2017) được chính phủ phê duyệt muộn, nên dự án chỉ bắt đầu được triển khai từ tháng 10/2015. Mặc dù mới thực hiện trong 3 tháng, nhưng các chỉ tiêu cam kết đã đạt được kết quả cao, tỷ lệ giải ngân đạt đến 79,9%.

Bên cạnh khó khăn trên, ngân sách cho tập huấn, nâng cao năng lực cho các CBO bị cắt giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và việc duy trì hoạt động. Chưa kể đến, việc trang bị công cụ bảo vệ như găng tay, ủng, que gắp để thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng còn thiếu và yếu; các vật phẩm y tế do dự án y tế chuyển giao chưa kịp thời và đủ theo kế hoạch yêu cầu. Ngoài ra, vấn đề kinh phí ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của dự án, cũng như mức hỗ trợ của dự án cho các tiếp cận viên thấp, sự thay đổi của tiếp cận viên đã gây biến động tại các CBO…

Trên cơ sở đó, Giám đốc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam Đỗ Thị Vân đề xuất, trong thời gian tới dự án y tế cần cung cấp vật phẩm giảm hại theo đúng kế hoạch của dự án và triển khai gấp quy chế phối hợp giữa dự án y tế và VUSTA trong cấp phát và quản lý vật phẩm, chuyển gửi, báo cáo; tăng cường kết nối các đơn vị thực hiện dự án với các đối tác trung ương và địa phương.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ của VUSTA cho các hoạt động vận động chính sách của dự án; cân đối ngân sách cho lưu kho, vận chuyển vật phẩm cũng như bảo hộ lao động cho thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Ngoài ra, bà Vân cũng đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cho cán bộ VUSTA, các tiểu ban quản lý dự án, CBO để bảo đảm quản lý chất lượng chương trình.

 

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Thùy Chi

 

Trong năm 2016, dự án tập trung triển khai các hoạt động, phấn đấu đạt được tối đa các chỉ tiêu đã cam kết. Bên cạnh đó, củng cố hệ thống cộng đồng: tiếp tục thành lập và củng cố các CBO; tổ chức các sự kiện cộng đồng nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; tổ chức các lớp tập huấn; hoàn thiện bộ công cụ và quy trình giám sát cộng đồng, thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh dự án.

Đặc biệt, dự án chú trọng các hoạt động vận động chính sách và trợ giúp pháp lý bao gồm: Thành lập hội những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội và CBO; hoàn thiện báo cáo đóng góp ý kiến của các tổ chức xã hội và cộng đồng về sự cần thiết ban hành luật về hội; tổ chức hội thảo quốc gia về đối thoại chính sách; thực hiện các hoạt động hỗ trợ...