Để tìm hiểu thêm về công tác này, Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi trao đổi với PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS.
![]() |
PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS - Ảnh: Thùy Chi |
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng các tổ chức y tế xã phường, thôn bản, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, đồng đẳng viên và các tổ chức dân sự xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc lồng ghép cung cấp dịch vụ, kết nối để tiếp cận và duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng. Với tư cách là một nhà xã hội học, xin ông cho biết ý kiến về đánh giá này?
PGS.TS Chung Á: Trước hết, chúng ta thấy ở tất cả các góc độ trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở phạm vi toàn cầu, quốc gia, hay ở các tuyến tỉnh, huyện, cơ sở thì phòng, chống HIV/AIDS bao gồm các trụ cột hết sức quan trọng. Đó là, dự phòng HIV/AIDS, chăm sóc, điều trị và huy động cộng đồng. Dù ở bất cứ cấp độ nào thì tuyến cơ sở là quan trọng nhất, vì cơ sở gắn với người dân, người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Đối với tuyến cơ sở, vai trò y tế xã phường chính là cầu nối, trọng tâm để lôi kéo các lực lượng tham gia phòng, chống AIDS. Dù chính sách có tốt đến đâu, nhưng nếu ở tuyến cơ sở, xã phường không thực hiện thì công cuộc phòng, chống HIV/AIDS sẽ không thể đạt được những mục tiêu đề ra. Do vậy, vai trò của tuyến cơ sở, xã phường, các tổ chức xã hội dân sự, đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào tôn giáo, mạng lưới những người nhiễm HIV, đồng tính, hoạt động mại dâm đóng vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đối công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến cơ sở.
Trên thực tế, các cán bộ y tế rất khó tiếp cận với người nhiễm HIV và nhóm người nguy cơ cao lây nhiễm (nghiện chích ma túy, mại dâm, quan hệ đồng tính, bạn tình của những người lây nhiễm HIV/AIDS), tuy nhiên nhờ các nhóm dựa vào cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự đã rất tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS, nên những người nhiễm HIV đến với xét nghiệm tự nguyện, tham gia dự phòng, điều trị ARV, Methadone rất tích cực.
PV: Ông có nhận xét gì về việc lồng ghép cung cấp dịch vụ, kết nối để tiếp cận và duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị tại cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian vừa qua?
PGS.TS Chung Á: Trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, ngành y tế đã rất chú trọng đến việc kết nối các dịch vụ này, thông qua những hướng dẫn của ngành y tế và các bộ, ngành liên quan, các chương trình đã thực hiện như: chương trình điều trị 2.0; chương trình xét nghiệm, điều trị khu vực vùng sâu, vùng xa; điều trị Methadone… đều hướng tới đích là kết nối các dịch vụ ở tuyến cơ sở. Nhờ những chính sách và chương trình đó, bước đầu các hoạt động kết nối dịch vụ tuyến cơ sở được nâng cao.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác này, nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Ví dụ như những khó khăn của nhóm giáo dục đồng đẳng trong chuyển gửi người nhiễm HIV đến điều trị; chuyển gửi người nghiện ma túy đến các trung tâm điều trị Methadone; chăm sóc, điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS…
Đối với tuyến cơ sở, chúng ta có đến hơn 12.000 xã phường, tuy nhiên không phải xã phường nào cũng thực hiện tốt. Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã được thực hiện trong mấy chục năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực để giải quyết những khó khăn, nhưng đây vẫn là vấn đề tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ và đội ngũ làm công tác điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, bất cập, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
PGS.TS Chung Á: Tôi có nghe một số anh em trong ngành y tế và tuyến cơ sở phản ánh về chế độ chính sách, tuy thời gian qua đã có những nghị định của Chính phủ nhằm tháo gỡ vấn đề này. Ví dụ, tăng thu nhập, bồi dưỡng độc hại theo chế độ điều trị HIV/AIDS cho các cán bộ tham gia chăm sóc, điều trị...
Nhưng khi chúng ta chuyển đổi tham gia điều trị từ các phòng điều trị ngoại trú về các trung tâm y tế, chẳng hạn như trung tâm y tế dự phòng, thì việc thực hiện chính sách này nhiều khi không nhất quán ở tất cả mọi nơi. Nhất là ở các cơ sở y tế có kinh phí hạn hẹp, cho nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng các chế độ chính sách này.
Do đó, đây là vấn đề mà trong thời gian tới chúng ta cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ. Đặc biệt, cần quan tâm đặc biệt đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp… Như vậy, chúng ta mới có thể động viên được những người tham gia công tác chăm sóc, điều trị tuyến cơ sở, giúp cho công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị tuyến cơ sở đạt hiệu quả cao hơn.
PV: Thực tế cho thấy, vẫn còn thiếu trầm trọng các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến dưới. Bên cạnh đó, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được hết yêu cầu. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Chung Á: Bản thân tôi thấy chúng ta còn rất nhiều vấn đề. Nhưng trước tiên, phải nói về trình độ chuyên môn. Hơn 20 năm qua, chúng ta đã rất chú trọng trong việc đào tạo trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của cán bộ điều trị.
Tuy nhiên, hiện nay do thay đổi cơ chế, chúng ta không còn được bao cấp 100% do các dự án tài trợ như trước đây, mà phải chuyển đổi thông qua bảo hiểm y tế. Tại các bệnh viện, từ tuyến bệnh viện tỉnh đến Trung ương, có nhiều cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này từ rất lâu, nhưng tham gia điều trị HIV vẫn là mới đối với họ.
Do vậy, việc đào tạo cán bộ tuyến cơ sở là bài toán đặt ra, ngành y tế cần phải quan tâm, đặt lên hàng đầu trong thời gian tới. Như vậy là sẽ có hàng vạn cán bộ được đào tạo mới, việc này sẽ thu hút nguồn lớn kinh phí quốc gia và kinh phí địa phương để thực hiện.
PV. Như vậy, theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần phải có những giải pháp gì để tăng cường chất lượng, hoạt động của các tổ chức trong việc lồng ghép cung cấp dịch vụ, kết nối nhằm tiếp cận và duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng?
PGS.TS Chung Á: Trước hết, phải thống nhất, quán triệt quan điểm chỉ đạo từ Trung ương xuống dưới thành quan điểm chỉ đạo của cấp tỉnh, tuyến, huyện, cơ sở. Các hệ thống y tế phải quán triệt, nếu chuyển đổi thì toàn bộ trong ngành y tế, xã hội phải chuyển đổi theo như các quy định của Chính phủ và của ngành y tế. Đây là việc chúng ta cần phải làm ngay từ bây giờ.
Trong thời gian qua, việc điều trị ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ của nước ngoài. Mỗi năm, chúng ta nhận được hàng chục triều USD từ nguồn viện trợ này để thực hiện công tác này. Tuy nhiên, đến năm 2017, nguồn viện trợ này có thể chấm dứt hoàn toàn. do đó, nếu như không lo vấn đề ngay từ bây giờ, thì cho đến khi nguồn viện trợ bị cắt hẳn, chúng ta không thể nói là chúng ta phải dừng điều trị ARV tại tuyến cơ sở.
Theo tôi, cần phải chuẩn bị ngay nguồn lực tài chính để đáp ứng các yêu cầu cần thiết ngay từ lúc này. Không chỉ là vấn đề mua thuốc ARV, sinh phẩm để xét nghiệm, điều trị Methadone mà chúng ta cũng cần nguồn để hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự, đồng đẳng viên hoạt động… Vì như tôi đã khẳng định thì vai trò của họ là rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Giải pháp tiếp theo chúng ta cần tập trung, đó là vấn đề đào tạo. Như vậy, các nhân viên y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương đều có thể tham gia vào việc chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cần phải thay đổi trang thiết bị cung cấp giám sát, đánh giá về chăm sóc, điều trị tại các tuyến trong thời gian sắp tới. Hệ thống giám sát, đánh giá cũng cần phải được cập nhật theo phương pháp mới để đáp ứng kịp thời với công tác phòng, chống dịch bệnh.
▪ Tăng cường BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS (21/04/2016)
▪ Hơn 22 nghìn người nghiện được tiếp cận dự phòng HIV (21/04/2016)
▪ Hà Nội: Hơn 1,6 nghìn người sau cai được dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm tại cộng đồng (21/04/2016)
▪ Công tác phòng chống TNXH ở Hải Phòng đạt nhiều kết quả trong quý I (20/04/2016)
▪ Khai mạc Kỳ họp đặc biệt của Đại Hội đồng LHQ về vấn đề ma túy toàn cầu (20/04/2016)
▪ 'Đập đá' phá… tương lai (19/04/2016)
▪ Khuyến khích người nhiễm HIV/AIDS sử dụng BHYT (19/04/2016)
▪ TP.HCM: Chỉ 40% bệnh nhân HIV/AIDS có bảo hiểm y tế (18/04/2016)
▪ Thừa Thiên – Huế: Tăng cường quản lý sau cai đối với người nghiện ma túy (15/04/2016)
▪ 'Trẻ em nghèo thuộc nhóm dễ bị lạm dụng tình dục' (15/04/2016)