Chuyện "động" mường
Các Website khác - 26/06/2001

Chuyện "động" mường

Minh Thưi

Dẫu biết là "nàng tiên nâu" vẫn lẩn khuất ở nơi đây, nhưng tôi thực sự bàng hoàng khi nghe tin Moong Công Tiến - Hiệu trưởng Trường PTTHCS nội trú Hữu Khuông dây vào ma tuý và đã ăn lá ngón tự tử. Đó là điều bất ngờ nhất của tôi trong chuyến thăm lại xứ quê mường, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Một góc bản Ang, xã Xá Lượng (Tương Dương).

AIDS - cơn ác mộng
Ngồi ngót 200 cây số ôtô từ thành Vinh, tôi ngược quốc lộ 7A lên mường quê Tương Dương. Dẫu ê ẩm bởi dốc đèo Chó, đèo Chuối... nhưng lòng vẫn vui khi được trở lại thăm chốn xưa. Đi thêm đoạn nữa giữa thị trấn Hoà Bình gặp người quen lại nghe kể: - Thằng Toại, con trai anh Hùng Bim y sĩ ấy, do chích heroin quá liều đã chết cách đây mấy tháng rồi, bỏ lại vợ con... Chưa kịp vui, đầu tôi đã ong ong. Rồi suốt cả chuyến trở lại mường quê này trong tôi luôn bị ám ảnh bởi chuyện "thằng D, thằng T, C... bị bắt, bị tử hình do buôn bán thuốc phiện, heroin, chuyện thằng T, con L... ở bản Ang, bản Lở, Cửa Rào 2... bị nhiễm HIV. Trong tôi không thể dứt nổi hình ảnh người con trai bản Thái xưa hiền lành như cái lá rừng, bây giờ đôi mắt anh ta trở nên dài dại, trên thân thể những vết lở loét nham nhở. Và buồn hơn hết là chuyện của thầy giáo Moong Công Tiến. Ôi! Theo như các già bản Mon, bản Ang, bản Lở nói thì đó là những chuyện "động" mường! Cách đây 5 năm, việc 42 thanh niên ở bản Cành Khỉn - mường Xiêng Mèn, mảnh đất được mệnh danh lắm tạo, nhiều quan xưa, nghiện hút thuốc phiện đã là chuyện hiếm. Từ mường Xiêng Mèn con ma khói trắng theo dòng Nậm Nơn ngược lên mường Lằm. Mấy chục anh con trai bản Xàn, bản Muộng, bản Hiển lại bị con ma này quật ngã. Cứ tưởng con ma tai ác kia chỉ len lỏi trong rừng sâu, núi vắng không vượt ra ngoài được nào ngờ lần này trở lại, đại ngàn dày đặc ấy không ngăn nổi làn khói độc bay ra ngoài. Khói độc đã vượt được thác hiểm Cành Tạng - Nậm Nơn, vượt dốc bản Vẽ ra quấn quýt ở cổng phủ Tương xưa rồi theo đường 7 xuôi về vùng bản Pồ lên Nậm Mộ rẽ vào bản Ang, bản Lở... Các già bản bảo: Nó đi nhanh hơn tên độc. Lũ thanh niên bây giờ không nằm bên bàn đèn hút mà chỉ thấy chúng hít, chúng dùng cái kim tiêm nhanh lắm. Tôi chợt phì cười khi nghe một già bản nói còn vẻ lơ ngơ: - Bệnh HIV có phải là "lẩu cao cấp" không?
Con nghiện Kha Văn Luận
đã chuyển sang giai đoạn AIDS
đang được bác sĩ của trung tâm chăm sóc.
Tôi theo Bí thư Đảng uỷ Lương Văn Phan lên xã Xá Lượng - nơi vừa xảy ra chuyện "động" mường: Bản Ang có 9 người nhiễm HIV! 130 nóc hộ nhà sàn bản Ang nằm khuất dưới cái eo cua vượt dốc lên huỵện Kỳ Sơn. Những căn nhà sàn đứng hứng bụi ven quốc lộ 7. Chập choạng, người dân bản Thái người hối hả gùi, cõng củi, lúa từ dốc rẫy trở về. Từ phía bản Na Bè lác đác vài chú trâu lầm lũi kéo theo những phiến gỗ về bản. Hoàng hôn buông xuống, dưới ánh đèn pha của chiếc ôtô tải, tôi thấy, bóng những người khẳng khiu, gương mặt hốc hác ì ạch đỡ những thanh gỗ lên xe. Ông Bí thư Đảng uỷ nói nhỏ: "Đó là đám cửu vạn con nghiện. Bản Ang trong mấy năm gần đây xuất hiện một tụ điểm buôn bán lâm sản. Đám thanh niên bản Ang rỗi việc nương rẫy trở thành cửu vạn bốc vác gỗ thuê, mỗi đêm được vài chục ngàn rồi hút chơi, rồi thành nghiện. Và bây giờ thì quá rồi. Chúng chuyển sang chích heroin chứ không hút thuốc phiện". Ông Bí thư nói tiếp: "Như anh biết đấy, trong tháng 9.2000 chỉ xảy ra một đợt dịch tả khan, trung tâm y tế lấy 13 mẫu máu của con nghiện bản Ang đưa đi xét nghiệm thì điều bất ngờ đến kinh hoàng là có 9 mẫu nhiễm HIV, trong đó có cô Quang Thị TH 19 tuổi hành nghề gái mại dâm. Toàn xã Xá Lượng hiện nay có 46 con nghiện thì có đến 15 người bị nhiễm HIV. Nhiều nhất vẫn là các bản Ang, bản Lở, Cửa Rào 2". Sợ nhất là có gia đình đến 3 người nghiện: Bố, con đẻ, con rể. Tôi xin ông cho biết tên, ông bảo ghi nhưng không được nêu trên báo vì sợ họ cũng đã bị nhiễm HIV rồi.

Gánh nặng của quê nghèo
Khi hỏi chuyện, trên nét mặt người phụ nữ Thái vốn dĩ phúc hậu, hiền lành hiện rõ nỗi lo âu, kinh hoàng. Bà Kha Thị Hoan - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện lúc đó còn là Phó Chủ tịch UBND huyện - nói: "Chuyện này nói sao hết, huyện cũng bất lực rồi. Anh biết đó, Tương Dương là huyện miền núi rẻo cao có vị trí tương đối thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ là điểm giữa quốc lộ 7A và sông Lam nối với nước bạn Lào, do đó Tương Dương hội đủ các điều kiện trở thành địa bàn hoạt động tội phạm ma tuý. Trong những năm qua ma tuý đã theo ngọn sông, con suối, len lỏi đến tận các bản làng heo hút nơi đây".

Tính từ năm 1997 đến nay trung bình mỗi năm xảy ra 47 vụ phạm pháp hình sự, trong đó phạm tội ma tuý chiếm đến 70%. Không thể không nói đến những cố gắng của huyện, đó là việc thành lập các đoàn công tác vận động xoá bỏ cây thuốc phiện và chống tái trồng cây thuốc phiện ở các xã Luân Mai, Mai Sơn, Tam Hợp, Xá Lượng...Triệt phá các tụ điểm buôn bán lẻ gồm 16 tụ điểm. Năm 1998 lực lượng công an đã bắt 15 vụ, 20 đối tượng phạm tội về ma tuý thu giữ 32kg thuốc phiện, 50 gam heroin. Năm 1999 đã khám phá 23 vụ, 29 đối tượng, thu giữ 52 gam heroin, 23,9kg thuốc phiện; triệt phá 3 tổ chức, đường dây buôn bán vận chuyển lớn, 20 tụ điểm tiêm chích. Từ năm 1997 đến năm 1998 đã có 2 tên phạm tội ma tuý ở Tương Dương bị tuyên phạt tử hình; 2 chung thân, điển hình là năm 2000 có 4 án 20 năm tù: Xeo Hồng Thuyên ở xã Luân Mai, Vừ Bá Chò ở bản Huồi Khun - mường Lống (Kỳ Sơn), Đặng Thị Phượng - Quang Phúc (Tam Đình), Nguyễn Thị Giang làng Hưu mỏ than Khe Bố...

- "Không thể một lúc thống kê hết các đối tượng phạm tội ma tuý trên địa bàn Tương Dương. Càng triệt phá, chúng càng thủ đoạn tinh vi hơn". Đó là lời của ông Vi Thanh Hoàng - Trưởng Công an huyện Tương Dương.
Tôi cùng bà Kha Thị Hoan xuống Trung tâm cai nghiện. Theo bà Hoan thì 2 năm qua trung tâm đã tổ chức cai 50 đối tượng, 72 đối tượng xin tự cai tại gia đình. Nhưng theo như ông Bí thư Đảng uỷ thị trấn Hoà Bình thì địa bàn của ông có 26 con nghiện, trong số này có 5 đối tượng đã nhiễm HIV. Gia đình bà C có 2 con đều nghiện (chích), 2 con trai bà C và các đối tượng như Trần Đức L, Nguyễn Đình B, Nguyễn Đình H, cùng nhiều người nghiện khác đi cai 2 lần trở lên về đều tái nghiện trở lại. Được biết con số cai nghiện tại trung tâm cũng như cai tại cộng đồng đều tái nghiện. Khi tôi có mặt tại trung tâm cai nghiện này thì chỉ còn 3 đối tượng. Trong số 3 đối tượng có Kha Văn Luận 24 tuổi quê ở bản Tam Bông, xã Tam Quang nghiện từ năm 1995. Thân hình Luận gầy đét ngồi bất động trong tấm chăn bùng nhùng, cáu bẩn, đôi mắt trong hốc sâu toàn lòng trắng dài dại, cố giương lên nhìn khách lạ. Bác sĩ Hải kiểm tra sức khoẻ, khi kéo vạt áo sau lưng Luận lên tôi thấy những vết nham nhở. Tôi biết Luận đã chuyển sang AIDS. Theo bác sĩ Lô Văn Hải thì đây là trường hợp thứ 2 ở huyện Tương Dương trong tổng số 35 người nhiễm HIV chuyển sang AIDS. Tôi chợt rùng mình khi nhìn thấy những vết loét trên thân thể Luận. Chuyện còn 482 con nghiện đang nằm rải rác ở các vùng bản Tam Quang, Xá Lượng, Yên Thắng, Yên Na, Lượng Minh, Nga My... đang là gánh nặng của một mường quê nghèo khó trên núi rừng Tương Dương.
Trong khi đó theo số liệu của Trung tâm Phòng chống AIDS của tỉnh, tính đến ngày 15.6.2001 có 123 phường, xã của 19 huyện, thị của Nghệ An có người nhiễm HIV. Tổng số: 1.003 người nhiễm, 866 người chuyển AIDS, 25 người chết; 815 nam, 51 nữ; độ tuổi: Từ 13-19: 121 người; 20-29: 613; từ 30-39: 109; từ 40-49: 10; từ 50 trở lên: 1; không rõ tuổi: 11. Những con số vô hồn này hẳn sẽ làm giật mình nhiều người. Chắc rằng Nghệ An sẽ có nhiều việc phải làm trong năm tới để có được những con số vui cho ngày này sang năm.