Thế giới đang bị động trước HIV/AIDS
Các Website khác - 26/06/2001
Phiên họp đặc biệt của LHQ về HIV/AIDS:
Thế giới đang bị động trước HIV/AIDS

Vĩnh Nguyên

Hơn 3.000 đại biểu từ khắp thế giới đã tập hợp lực lượng trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ 25 đến 27.6 để bàn biện pháp chống lại đại dịch HIV/AIDS. 20 năm qua, từ lần đầu tiên nhận biết được căn bệnh này, hơn 22 triệu người đã chết vì HIV / AIDS.

Vận động chống HIV/AIDS trên đường phố Nam Phi.

AIDS tấn công con người

"Chúng ta mới chỉ ở thời kỳ đầu của đại dịch"- nhận định của Peter Piot, Giám đốc Chương trình phòng chống HIV/AIDS của LHQ (UNAIDS) cho thấy đại dịch này đã và đang tấn công con người kinh khủng như thế nào. Hơn 36 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV, nhưng tới 9/10 có lẽ không biết là họ đã nhiễm loại virus chết người đó. 70% số bệnh nhân, tức 25,3 triệu người, đang sống ở Châu Phi - châu lục nghèo nhất thế giới.

AIDS còn có những tác động to lớn về phát triển kinh tế. Theo dự báo của LHQ, cho đến năm 2010, GDP ở một số nước bị HIV/AIDS tàn phá nhiều nhất sẽ giảm khoảng 8% và thu nhập bình quân đầu người còn tiếp tục giảm nữa.
Một quan chức nhân đạo nhận xét: "20 năm qua đi, chúng ta thậm chí vẫn chưa xác định được những nhóm nào dễ tổn thương nhất và chưa làm được điều gì đó cho họ". Các nước nghèo cần hàng tỉ USD mỗi năm để chiến đấu với HIV/AIDS, song các nước tài trợ vẫn không thể nào nhất trí được sẽ chi tiền cho lĩnh vực nào: Cho các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, cho các chiến dịch phòng chống AIDS hay cho điều trị bệnh nhân. Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS đang leo thang với mức báo động ở Nga, Đông Âu, vùng Caribe và Châu á.

Cuộc chiến đấu chậm chạp
Đây là lần đầu tiên LHQ có phiên họp toàn thể về một vấn đề y tế công cộng. Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan - một người Châu Phi, có lẽ rất hiểu gánh nặng của châu lục này, đã coi việc chống HIV/AIDS là một ưu tiên trong chương trình hành động của ông. Ông đã kêu gọi thế giới hãy dành 7 đến 10 tỉ USD mỗi năm cho việc phòng chống HIV/AIDS. Nhưng đến nay các nước tài trợ mới cam kết được 528 triệu USD. Mỹ, thành viên mạnh nhất của LHQ chỉ cam kết 202 triệu; Pháp và Anh mỗi nước cam kết 100 triệu - tất cả mới chỉ bằng khoảng 1/17 số tiền cần thiết.

Ông Annan cũng đã gây sức ép khá mạnh mẽ buộc các hãng dược phẩm lớn phải đồng ý giảm giá thành phần nào thuốc điều trị AIDS hồi đầu năm nay, để thuốc này đến được với người nghèo. Nhiều hãng đã giảm giá thuốc ngăn chặn virus HIV tới 20 lần, từ khoảng 10 nghìn USD cho mỗi bệnh nhân một năm xuống còn 350 đến 600USD/bệnh nhân mỗi năm cho một số nước nghèo.

Nhưng Stephen Lewis, đặc sứ của LHQ về HIV/AIDS ở Châu Phi đặt câu hỏi: "Các hãng dược phẩm đã giảm đến hết mức họ có thể chưa? Tôi ngờ là chưa". Nhiều người cho rằng việc giảm giá này chỉ là cạnh tranh giữa các hãng dược phẩm cũng như để chống đỡ với dư luận, còn động cơ giúp đỡ người nghèo là không có. Song hãng PhRMA của Mỹ cho rằng, giá thành không phải là trở ngại lớn nhất. Sự thiếu thốn các cơ sở y tế công cộng gây ra bởi chiến tranh và tăng trưởng kinh tế chậm chạp, đã ngăn chặn tới 88% thuốc điều trị HIV/AIDS nhập vào các nước vùng tiểu sa mạc Sahara đến được với các bệnh nhân cần điều trị. Ngoài ra thuốc còn bị bán ra chợ đen, không có điều kiện bảo quản, nhận thức về thuốc còn thấp... Không thể bỏ qua ý kiến của cả hai phía, song để dung hoà lợi ích của tất cả thì thật là khó khăn.

Một cản trở khác tưởng chừng như rất đơn giản, đã xuất hiện ngay tại hội nghị lần này. Các thành viên LHQ đang bất đồng về ngôn ngữ trong tuyên bố cuối cùng nhắc đến hiện tượng tình dục đồng tính, tệ nạn sử dụng ma tuý, mại dâm. Các quốc gia Hồi giáo cho rằng việc nói thẳng đến những tệ nạn này sẽ xúc phạm niềm tin tôn giáo. Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ Mark Malloch Brown kêu gọi các nước hãy tránh "chiến tranh văn hoá", bởi vì hành động bao giờ cũng quan trọng hơn là lời nói.