(VietNamNet) - Do thiếu sự quan tâm, giáo dục, hàng vạn trẻ em đã bị kẻ xấu dẫn dụ vào con đường phạm tội. Thậm chí, nhiều em đã bị xâm hại, bị cướp đi tuổi thơ một cách tàn nhẫn.
Theo thống kê của Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an), trong năm 2003, cả nước xảy ra 1.567 vụ xâm hại trẻ em, trong đó đa phần là các vụ hiếp, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô. Mặc dù so với năm 2002, loại tội phạm xâm hại trẻ em (XHTE) có giảm, nhưng tội phạm xâm hại tình dục lại tăng lên. Trong số địa phương xảy ra nhiều vụ hiếp dâm trẻ em, đáng chú ý một số tỉnh có sự tăng đột biến gồm: An Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hòa Bình.
Trong năm qua, nước ta có 1.668 trẻ em bị xâm hại; trên 14.000 em trở thành tội phạm. Trong đó, có hàng trăm em phạm tội giết người, hiếp, cưỡng dâm…; hàng ngàn em trở thành kẻ “đầu trộm đuôi cướp”; đau đớn hơn, nhiều trẻ bị đẩy vào con đường nghiện ngập, trở thành tội phạm ma túy. |
Đa số đối tượng phạm tội thường tập trung nhiều ở những thành phần không nghề nghiệp, hành nghề tự do và song song là học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ không nhỏ; đặc biệt, trong đó còn có nhiều cán bộ công nhân viên “gây án”. Điều này cảnh báo thực trạng suy thoái phẩm chất đạo đức trong xã hội là có thực dẫn đến tình trạng - ngày càng nhiều trẻ em bị đánh cướp tuổi thơ…
Sa ngã... cưỡng bức
![]() |
2 bé trai đánh giày ở khu phố "Tây ba lô" - Phạm Ngũ Lão bị xâm hại tình dục đồng giới. (ảnh được làm mờ). |
Đau đớn hơn, nhiều trẻ bị chính những người cha, chú ruột nhẫn tâm cướp đi tuổi thơ. Như trường hợp ở ấp 2, Xuân Hưng, Xuân Lộc, Đồng Nai, một người cha bệnh hoạn đã nhiều lần khống chế, hiếp 2 đứa con gái ruột của mình khi một em chưa đầy 14 tuổi và một chỉ mới 12 tuổi. Hay vụ xảy ra ngày 22/5/2003, tại thị xã Móng Cái, Quảng Ninh, một bé gái 14 tuổi bị người chú dụ dỗ ép phải bán trinh, rồi tiếp tục làm “công cụ” phục vụ cho nhu cầu tình dục bệnh hoạn của gã.
Đến khu phố “Tây ba lô” – Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM, chúng tôi lắng nghe những số phận thương tâm, đầy cay đắng của những bé trai đánh giày, em gái bán hàng rong… Những đứa trẻ đã sớm bị tổn thương cả về tinh thần, thể xác. Các em bị cưỡng đoạt, rồi trở thành “nô lệ” tình dục cho những kẻ bệnh hoạn. Với khuôn mặt nặng trĩu, u uất, em N.X.T, 18 tuổi, quê Thanh Trì, Hà Nội kể lại kỷ niệm buồn khi là bé trai 14 tuổi. Năm 2000, T. bước chân vào Sài Gòn, em lang thang đến khu Tây ba lô với cái hộp đồ nghề đánh giày. Kể từ đó, cuộc sống đầu đường xó chợ của T. có phần “khá giả” hơn khi được những ông Tây trả tiền công gấp đôi, thậm chí có người còn dẫn em đi chơi, cho ăn uống thỏa thích và đưa về khách sạn ngủ. Khi “tất cả” trở thành quen, T. đã bị một ông Tây cưỡng đoạt tình dục đồng giới…
![]() |
Những đứa trẻ này ngơ ngác và trông tội nghiệp khi bị bắt quả tang trong một vụ phạm tội. |
Khi nhắc đến cưỡng bức tình dục đồng giới, những giáo dục viên đồng đẳng của Chương trình Chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn, TP.HCM vẫn còn nhớ như in câu chuyện thương tâm của bé trai N.V.Đ, 12 tuổi xảy ra hồi đầu năm 2003. Một gã bệnh hoạn mang quốc tịch Đức đã dụ dỗ, đưa Đ. về khách sạn trên đường Đặng Dung, quận 1, TP.HCM khống chế và cưỡng hiếp. Gã buộc Đ. “phục vụ” trong 4 ngày, đến ngày thứ 5, chịu không thấu nỗi đau đớn, Đ. đã tìm cách thoát thân và kêu cứu. Ngay sau đó, công an địa phương đã có mặt, lập biên bản, nhưng sau đó, gã bệnh hoạn này đã biến đi đâu chẳng ai biết(?)
Đối với những em bé gái bán hàng rong ở khu vực này cũng không thoát được những cám dỗ trên. Sau khi trở thành những bạn hàng thân quen, những ông Tây tốt bụng trở thành “cha nuôi”, cho tiền, quần áo…, dẫn đi nghỉ mát rồi chiếm đoạt sự trong trắng. Em T.T.X, chuyên bán kẹo, hình lưu niệm ở khu Tây ba lô đã “lâm” phải “tình huống” trên từ khi 14 tuổi, và nay em trở thành cô gái như chẳng còn gì để mất, lao vào con đường bán dâm…
… trở thành những “giang hồ nhí”
Trong thời gian qua, tội phạm trên cả nước có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa và đang là thực trạng của xã hội ta hiện nay. Theo thông tin từ Bộ Công an, năm 2003, có trên 14 ngàn tội phạm tuổi chưa thành niên, đã gây ra trên 9.700 vụ án. So với năm 2002, mặc dù số vụ án có giảm đáng kể, nhưng số người chưa thành niên vi phạm lại tăng lên, tập trung nhiều ở thành phố và thị xã, nhiều nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Đó là một tín hiệu rất buồn và đáng quan ngại!
Theo phân tích của Bộ Công an, tội phạm tuổi chưa thành niên tập trung nhiều ở tội danh: Trộm cắp tài sản, gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Kế đến là cướp giật, cưỡng đoạt tài sản và… hiếp, cưỡng dâm, giết người… Ngoài ra, có hàng trăm trẻ phạm tội đánh bạc, tổ chức sử dụng, mua bán và tàng trữ ma túy. Thậm chí nhiều em còn “hành nghề”… môi giới mại dâm. Đặc biệt, trẻ em phạm tội giết người, cướp tài sản đang có dấu hiệu gia tăng. Và nghiêm trọng hơn, trong năm 2003, số học sinh tại các trường trung học cơ sở, phổ thông trung học vi phạm pháp luật tăng hơn năm 2002. Chỉ tính đến giữa năm 2003, lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy đã phát hiện trên 1.000 em nghiện ma túy.
Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại, dẫn dụ vào các đường dây tội phạm… như hiện nay, chúng ta không thể đổ lỗi trách nhiệm cho riêng ai, hay một cơ quan nào. Để cứu thế hệ trẻ, những mầm non, trụ cột của đất nước trong tương lai, cần có sự đồng tâm của toàn xã hội. Mặc dù, trong thời gian qua, công luận đã nhiều lần lên tiếng, cảnh báo sự xuống dốc trong lối sống, đạo đức của một bộ phận thanh niên, nhưng tất cả như vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chính vì vậy, sự cần kíp từ bây giờ cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng và cụ thể với những giải pháp thực sự khoa học giữa các ban ngành.
Để bảo vệ trẻ em trước thực trạng trên, mỗi gia đình cần nhìn lại vai trò của mình trong việc giáo dục con cái. Gia đình trước hết vẫn là nền móng tạo ra những “đề kháng” cho trẻ em trước cuộc sống đầy cạm bẫy. Đối với những trẻ em đã “lầm đường lỡ bước”, gia đình cần có sự quan tâm đặc biệt.
▪ Các biện pháp phòng nhiễm HIV (06/05/2004)
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ “Áo mưa” không an toàn (30/05/2004)
▪ Quán nhậu - điểm hẹn của dân 'gay' (30/05/2004)
▪ Hầu hết người nhiễm HIV bị phân biệt đối xử (28/05/2004)
▪ Giáo dục truyền thông về HIV/AIDS chưa đủ mạnh ở châu Á (28/05/2004)
▪ Hơn 30% số thanh niên nghiện ma tuý nhiễm HIV (26/05/2004)
▪ Trang web cung cấp kiến thức về HIV/AIDS (25/05/2004)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Thêm một địa chỉ tin cậy cho người nhiễm HIV (22/05/2004)