Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan khác, AIDS có nguy cơ bùng nổ thành đại dịch ở vùng châu Á Thái Bình dương. Bất bình đẳng, đói nghèo, định kiến đối với người nhiễm HIV và yếu tố văn hoá liên quan tới tình dục góp phần lây lan bệnh dịch.
Báo cáo cho biết: Chỉ riêng trong năm 2002, đã có hơn một triệu người mới nhiễm HIV tại vùng châu Á Thái Bình dương. Mười triệu người có thể sẽ sống chung với HIV tại Trung Quốc trong vòng sáu năm tới, nếu tỷ lệ nhiễm không chậm lại. Đông Âu và Trung Á cũng nằm ở trung tâm của bệnh dịch đang lây lan nhanh này với khoảng 1,5 triệu người nhiễm HIV.
Tác giả của bản báo cáo trên là Peter Piot, giám đốc điều hành chương trình chung của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), Richard Feachem, giám đốc Quỹ Toàn cầu Chống AIDS, Lao và Sốt rét, cùng Lee Jong-wook, tổng giám đốc WHO. Báo cáo của họ nêu bật những vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị AIDS quốc tế được tổ chức vào ngày 11/7 tới ở Bangkok, Thái Lan. Họ nói rằng khả năng lãnh đạo và quyết tâm chống căn bệnh này là những nhân tố quan trọng nhất cần để làm chậm sự lây lan của bệnh dịch HIV/AIDS ở châu Á.
Ngày nay, khoảng 40 triệu người bị nhiễm HIV trên toàn thế giới. Con số mà UNAIDS đưa ra vào tháng 12 năm ngoái cho thấy có tới 28 triệu người nhiễm HIV sống ở vùng cận Sahara của châu Phi, trong khi 7,4 triệu người mắc bệnh tại vùng châu Á Thái Bình dương. Tỷ lệ nhiễm HIV tại một số quốc gia châu Phi là trên 30%. Một số chuyên gia dự báo rằng nền kinh tế của những nước này có thể sụp đổ nếu bệnh dịch không được kiểm soát. Vic Salas, một quan chức cấp cao tại Liên minh AIDS quốc tế, cho biết bệnh dịch AIDS ở châu Phi lây lan nhanh hơn so với các nước đang phát triển ở châu Á vì nhiều nguyên nhân.
Những nhân tố đó bao gồm đói nghèo, di dân quy mô lớn do xung đột và cơ sở hạ tầng y tế rất yếu kém. Chúng khiến bệnh lây lan nhanh và không thể dò được. Salas cho biết bằng chứng cũng cho thấy HIV bắt đầu lây lan ở châu Phi trước một số vùng khác. HIV cũng đe doạ Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác. Theo báo cáo mới của WHO, 10% dân số nhiễm HIV trên thế giới sống ở Ấn Độ. AIDS là nguyên nhân tử vong hàng đầu của những người dưới 50 tuổi tại Thái Lan. Bệnh dịch cũng đe doạ làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế của Campuchia.
Tom Hurley thuộc Quỹ Toàn cầu Chống AIDS, Lao và Sốt rét cho biết: Theo số liệu của các nhà chức trách Trung Quốc, có 850.000 người nhiễm HIV tại quốc gia này. Tuy nhiên, các ước tính khác còn cao hơn nhiều. Theo ông, sự phân biệt đối xử là một trong những nhân tố dẫn tới sự lây lan của HIV tại châu Á. Nhiều người tin rằng HIV có thể lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Chính quan điểm sai lầm này ngăn cản bệnh nhân đi xét nghiệm hoặc điều trị. Không hiểu biết về HIV là vấn đề lớn ở nhiều nước châu Á và trở nên trầm trọng hơn bởi địa vị không bình đẳng của phụ nữ.
Chẳng hạn tại Ấn Độ, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ thấp hơn nhiều so với nam giới và phụ nữ ít được tiếp cận hơn với giáo dục và thông tin có thể giúp bảo vệ họ khỏi bị nhiễm virus. Các hiện tượng văn hoá chẳng hạn như ngành thương mại tình dục ở Đông Nam Á cũng là những lý do đứng đằng sau sự lây lan nhanh của AIDS. Piot và các đồng tác giả của báo cáo viết rằng có nhiều thách thức lớn trong cuộc chiến chống HIV và AIDS. Những thách thức đó sẽ được nêu ra tại hội nghị AIDS quốc tế ở Bangkok.
Một thách thức là cung cấp tài chính, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để ngăn chặn và điều trị AIDS. Một số quốc gia chậm nhận ra quy mô của dịch bệnh trong khi các nước khác không thể ngăn chặn các ca bệnh cục bộ lây lan thành bệnh dịch quốc gia.
Campuchia và Thái Lan là hai quốc gia đã đấu tranh chống lại bệnh dịch HIV/AIDS. Các chương trình giáo dục hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của bệnh tại hai nước này hiện đã làm tỷ lệ lây nhiễm ổn định. Chương trình ''Sử dụng bao cao su 100%'' của Thái Lan đã làm giảm mạnh tỷ lệ nhiễm HIV. Cuối cùng, nhân tố quan trọng nhất của cuộc chiến chống AIDS toàn cầu là sự sẵn sàng và khả năng giải quyết vấn đề này của các quốc gia.
▪ Các biện pháp phòng nhiễm HIV (06/05/2004)
▪ Campuchia ngày càng nhiều phụ nữ đã kết hôn nhiễm HIV (03/06/2004)
▪ Triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS (22/06/2004)
▪ Khám chữa bệnh miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS (22/06/2004)
▪ Cảnh báo về một loại ma túy mới (25/06/2004)
▪ Thái Lan: Khó khăn trong thử nghiệm văcxin chống AIDS (24/06/2004)
▪ Những cái chết trẻ (23/06/2004)
▪ Giải đáp các câu hỏi về Viagra (24/06/2004)
▪ Gần 100% quận, huyện trên cả nước đã bị dịch HIV/AIDS (23/06/2004)
▪ Khám, chữa bệnh miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS (22/06/2004)