Đẩy nhanh tiến độ mở rộng khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 04/06/2016
Trong khi các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh, BHYT là giải pháp tối ưu để giúp cho người nhiễm HIV/AIDS được giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống. Do đó, ngành y tế đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, thực hiện các giải pháp giúp người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận được với dịch vụ khám, điều trị qua việc sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT)

Trang tin điện tử Tiếng Chuông (Trang tin của Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) đã có buổi trao đổi, phỏng vấn TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về tiến độ thực hiện các giải pháp mở rộng bao phủ của BHYT cho người điều trị.

 

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi

 

PV: Xin ông cho biết, những nỗ lực để mở rộng bao phủ của BHYT cho người điều trị HIV/AIDS trong thời gian gần đây?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã và đang thực hiện một số các hoạt động để tăng cường độ bao phủ của BHYT cho người nhiễm HIV thông qua nhiều hoạt động.

Hiện nay, chúng tôi đang hướng dẫn các tỉnh thu thập thông tin của bệnh nhân điều trị HIV/AIDS, bao gồm bệnh nhân có thẻ BHYT để có cơ sở cho việc lập kế hoạch mở rộng và điều trị cho người nhiễm HIV, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về bệnh nhân có thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về BHYT cho người nhiễm HIV, bao gồm: Truyền thông vận động để các lãnh đạo địa phương hiểu sự cần thiết của BHYT với người nhiễm HIV và các địa phương cũng phải vào cuộc với những giải pháp thích hợp trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Với người nhiễm HIV, chúng tôi đang tăng cường truyền thông về lợi ích, sự cần thiết của BHYT, tập huấn cho cán bộ y tế để tư vấn cụ thể cho người nhiễm HIV về lợi ích, quyền lợi và cách tham gia. Trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tích cực truyền thông để nâng cao nhận thức về BHYT cho người nhiễm HIV.

Để mở rộng bao phủ của BHYT cho người điều trị HIV/AIDSchúng tôi đã đề xuất chính phủ có những chính sách hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT. Đến nay Thủ tướng Chính phủ đồng ý với mục tiêu, làm sao để 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT trong thời gian tới, trong đó có giải pháp sử dụng quỹ kết dư của BHYT để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV thật sự khó khăn.

PV: Thông tư 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS ra đời, nhằm bảo đảm việc sử dụng BHYT thanh toán cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS và các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS, tuy nhiên tỉ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị HIV/AIDS còn thấp. Vì vậy, ngành y tế đã đưa ra một số giải pháp tăng cường tỉ lệ tham gia BHYT của bệnh nhân điều trị HIV/AIDS. Xin ông cho biết tiến độ thực hiện và những khó khăn khi thực hiện các giải pháp?

TS Hoàng Đình Cảnh: Chúng ta cần rất nhiều thay đổi để có thể chuyển đổi các dịch vụ HIV/AIDS từ miễn phí sang thanh toán qua BHYT.

Về kiện toàn cơ sở điều trị: Toàn quốc hiện có 349 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 29 cở sở tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, 234 cơ sở tại bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện có 2 chức năng (Dự phòng và điều trị), 86 cơ sở tại Trung tâm Y tế huyện chỉ có chức năng dự phòng. Như vậy, có gần 33% số cơ sở không đủ điều kiện để ký hợp đồng với BHYT, do đó, ngành y tế đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiện toàn cơ sở điều trị, để người bệnh nhiễm HIV có thể tiếp cận được với dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS qua BHYT.

Bổ sung dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào gói dịch vụ chung được BHYT chi trả: Về vấn đề này đã được Bộ Y tế tháo gỡ bằng cách đưa thuốc ARV, các xét nghiệm liên quan đến điều trị HIV vào danh mục thuốc, thiết yếu được BHYT chi trả.

Mở rộng bao phủ của BHYT: Mới đây, chính phủ chỉ đạo bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Đây là mục tiêu rất lớn mà các Bộ, ngành và địa phương cần tìm ra giải pháp thực hiện.

Với những người không thuộc diện hỗ trợ của nhà nước cần tuyên truyền cho người nhiễm HIV hiểu được lợi ích của BHYT. Khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT ngay, vì như đã đề cập ở trên, BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.

Hiện nay, đã có những chính sách khuyến khích người nhiễm HIV mua thẻ BHYT, như: Nếu mua theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ từ những người thứ hai trở đi; người nhiễm HIV đã tham gia BHYT rồi mà chưa thể tham gia BHYT theo hộ gia đình thì vẫn tiếp tục được mua BHYT theo cá nhân; người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Những đối tượng được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, người cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mà nhà nước đã hỗ trợ để khám và điều trị HIV/AIDS.

Đối với một số đối tượng thật sự rất khó khăn, không thể mua được thẻ BHYT, lại chưa nằm trong nhóm đối tượng nghèo hay cận nghèo, hoặc nhóm được chính phủ hỗ trợ thì các địa phương có thể sử dụng một phần kinh phí kết dư của quỹ BHYT để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho họ.

Bên cạnh đó, nhóm người nhiễm HIV sống tập trung trong trại giam, trung tâm giáo dục lao động xã hội hoặc những người mới được trở về từ các nơi này đang rất khó khăn tiếp cận với BHYT, vì họ không có giấy tờ tùy thân, không có nơi thường trú.

Về giải pháp mua sắm thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời về việc đồng ý đấu thầu tập trung thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT, bảo đảm 100% bệnh nhân có thẻ BHYT, các địa phương sử dụng Quỹ BHYT kết dư tại địa phương, nguồn vốn địa phương, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và các nguồn hợp pháp để hỗ trợ người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện nhà nước hỗ trợ mức đóng góp.

Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện ý kiến chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, để giải quyết những khó khăn, bất cập, nhằm bảo đảm việc sử dụng BHYT thanh toán cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế đang trao dổi với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về hình thức thanh toán tập trung, tuy nhiên theo quy định hiện hành, Bộ Y tế đấu thầu tập trung, ký hợp đồng khung và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng với nhà cung ứng. Việc phân cấp thanh toán sẽ tác động tới hệ thống cung ứng thuốc tập trung hiện nay, gây khó khăn cho việc điều phối và duy trì cung ứng thuốc liên tục cho người bệnh, dẫn tới khả năng nhiều cơ sở điều trị ở vùng sâu, vùng xa, những nơi ít bệnh nhân sẽ không được tiếp cận thuốc. Chúng tôi, vẫn đang tiếp tục làm việc với các bộ ngành để tìm ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất để bảo đảm cung ứng thuốc liên tục cho người bệnh.

PV: Nếu không kêu gọi được người nhiễm HIV mua BHYT, việc này sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những người nhiễm HIV/AIDS vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT. Vậy theo ông, cần phải gì để nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng này?

TS Hoàng Đình Cảnh: Để chuẩn bị cho việc chuyển giao nguồn lực, cách thức thanh toán chi phí điều trị, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh truyền thông về BHYT cho người nhiễm HIV, bao gồm: Truyền thông vận động để các lãnh đạo địa phương hiểu sự cần thiết của BHYT với người nhiễm HIV và các địa phương cũng phải vào cuộc với các giải pháp thích hợp trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Với người nhiễm HIV, chúng tôi đang tăng cường truyền thông về lợi ích, sự cần thiết, cách tham gia, mức đóng… của BHYT thông qua phát tờ rơi về bảo hiểm sau khi nghe cán bộ y tế tư vấn và dán các áp phích tại các cơ sở y tế nơi người nhiễm dễ thấy nhất. Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các cơ sở điều trị và phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện để tư vấn cụ thể cho người nhiễm HIV về những nội dung trên và một số câu hỏi thường gặp để làm cẩm nang cho tư vấn viên.

Theo quan sát của tôi, trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã rất tích cực truyền thông để nâng cao nhận thức về BHYT cho người nhiễm HIV. Việc làm này là hết sức cần thiết để cộng đồng người nhiễm và người có hành vi dễ bị lây nhiễm HIV biết kịp thời, chủ động tiếp cận với BHYT.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!