Gần 80% nạn nhân bị quấy rối là nữ giới
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc và chưa có trường hợp quấy rối tình dục nào bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vân, Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với ILO khảo sát, nghiên cứu nhanh về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại Việt Nam. Khảo sát này được thực hiện trên 102 người là cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, sinh viên...
Mặc dù là nghiên cứu nhanh, số người được hỏi chưa nhiều, chưa có thông tin định lượng nhưng kết quả cho thấy quấy rối tình dục diễn ra khá phổ biến, ở mọi nơi, mọi môi trường, với nhiều độ tuổi. Phần lớn nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là nữ giới (78,2%).
Nhiều ý kiến cho rằng, quấy rối tình dục vẫn là một chủ đề khá “nhạy cảm”, ít người dám lên tiếng. Chính nhận thức xã hội đã ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng pháp luật. Cụ thể là pháp luật Việt Nam hiện nay đã có quy định về quấy rối tình dục nhưng còn nhiều bất cập, thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Vân phân tích, Bộ luật Lao động 2012 là văn bản đầu tiên quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại các Điều: 8, 37, 182, 183. Đây cũng chính là những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đặc biệt, năm 2015, được sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Đây được coi như một khuyến nghị mạnh mẽ, rõ ràng hướng dẫn cho người sử dụng lao động cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc phòng chống hành vi quấy rối tình dục.
Tuy nhiên, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, độ ảnh hưởng và tác động chưa mạnh, chưa có tính bắt buộc, cưỡng chế mang tính quyền lực nhà nước mà chỉ dừng lại ở mặt khuyến khích. Tiếp đó, một loạt các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 có đề cập đến nội dung về quấy rối tình dục nhưng vẫn còn khá chung chung, thiếu chế tài và cơ chế xử phạt.
Thiếu định nghĩa đầy đủ về quấy rối tình dục
Theo ông Ngô Hoàng, Phó trưởng Phòng pháp chế, vấn đề lớn nhất hiện nay là mặc dù đã đưa ra một số quy định liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng câu hỏi quấy rối tình dục tại nơi làm việc làm gì thì vẫn chưa có đáp án đầy đủ. Việc thiếu định nghĩa đầy đủ về quấy rối tình dục đã khiến các quy định khác gần như vô tác dụng vì không thể áp dụng được trong thực tế đời sống lao động, sản xuất.
Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong hoạt động thanh tra về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bà Trần Thị Liên, Phó Trưởng phòng Thanh tra chính sách trẻ em và Xã hội cho rằng, việc xác định hành vi quấy rối tình dục rất khó khăn. Vì hành vi quấy rối tình dục rất dễ nhầm lẫn với các hoạt động vui đùa, chăm sóc lẫn nhau. Cùng là một hành vi như nhau nhưng có thể là hành vi quấy rối tình dục hoặc không vì nó phụ thuộc vào thái độ của người nhận.
Theo bà Liên, việc thiếu định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục, về chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục và thiếu cơ chế khiếu nại, tố cáo là những khó khăn khiến Thanh tra lao động không có cơ sở để xử lý khi có hành vi quấy rối tình dục xảy ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có định nghĩa cụ thể từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc áp dụng các quy định khác về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trên thực tế là rất khó thực hiện. Vì vậy, cần nhanh chóng ban hành một văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu và khoảng trống pháp luật về vấn đề này hiện nay.
Trong đó, thông tư cần có một định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Định nghĩa phải chỉ ra được: những hành vi nào là hành vi quấy rối tình dục; hậu quả hành vi đó, chủ thể có thể thực hiện; liệt kê những hành vi điển hình...
Tiếp đó, cần có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo tại nơi làm việc trong đó có khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục tại nơi làm việc; cần có các quy định về biện pháp khắc phục và trừng phạt; cần có quy định về biện pháp phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc...
▪ Nghiện chích ma túy - nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở Tây Bắc (28/05/2016)
▪ Đà Nẵng: Tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (27/05/2016)
▪ Sổ tay phòng tránh xâm hại, bắt cóc trẻ em (27/05/2016)
▪ Phát hiện “gót chân Asin” của virút HIV (27/05/2016)
▪ Hướng tới hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ về kết thúc dịch AIDS (26/05/2016)
▪ Bến Tre: Nâng cao kiến thức về HIV/AIDS cho thanh thiếu niên (25/05/2016)
▪ Tăng 42,7% số vụ mua bán ma túy trên địa bàn Thủ đô (25/05/2016)
▪ Hòa Bình: Giảm lây nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện ma túy (21/05/2016)
▪ Sự cần thiết của truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS (20/05/2016)
▪ BHXH một lần đối với quân nhân, công an nhân dân (19/05/2016)