Nhiều tỉnh, thành tích cực hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng
Báo Tiếng chuông - 02/06/2016
Hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ 1-30/6/2016), nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc tổ chức phát động, triển khai nhiều hoạt động trong tháng cao điểm.
Tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV - Ảnh minh họa

 

Tại Kon Tum, tập trung tuyên truyền khẩu hiệu: Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh ra trẻ không nhiễm HIV khi được điều trị sớm bằng thuốc ARV; Muốn sinh ra đứa con khỏe mạnh, phụ nữ mang thai hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm; Phụ nữ mang thai nhiễm HIV hãy đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con là mục tiêu có thể thực hiện được; Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được đưa đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS để được chăm sóc và điều trị thích hợp.

Trong tháng cao điểm, mỗi địa phương, đơn vị ở cơ sở tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; linh hoạt áp dụng các hình thức khác nhau phù hợp với từng địa phương như truyền thông đại chúng, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh sẵn có, tổ chức truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm, tổ chức các đợt truyền thông, tư vấn tại xã, phường, thôn bản...

Bên cạnh đó, Kon Tum sẽ huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội, đặc biệt là những phụ nữ trong các nhóm đối tượng tác động chính; Tăng cường sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện; Tổ chức các dịch vụ tăng cường sự tiếp cận, chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Lồng ghép các hoạt động của Tháng cao điểm với các hoạt động khác của ngành Y tế, hoạt động các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng...

Tại Quảng Trị, hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng trị phối hợp với Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh tổ chức tập huấn cho nữ hộ sinh trực tiếp khám, tư vấn cho bà mẹ mang thai tại trạm y tế xã phường.  Lớp tập huấn được tổ chức tại 3 cụm huyện: Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ - TP Đông Hà, huyện Gio Linh, huyện Vĩnh linh - thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong với sự tham gia của 141 Nữ hộ sinh của 141 xã, phường, thị trấn và cán bộ chuyên trách Phòng, chống HIV 9 huyện thị.

Nội dung tập huấn tập trung chủ yếu vào các kiến thức cơ bản về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Phác đồ, liều lượng và các thuốc điều trị ARV cho phụ nữ mang thai theo Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng lồng ghép chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong hệ thống Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, ban hành  văn bản hướng dẫn các huyện thị, xã phường rà soát những bà mẹ mang thai có hành vi nguy cơ cao, mời tham gia các buổi truyền thông, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm HIV.

Tỉnh sẽ nỗ lực truyền thông, kêu gọi phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Điều trị càng muộn  kết quả phòng ngừa lây nhiễm cho con sẽ càng bị hạn chế. Vì tương lại con em các bà mẹ mang thai hãy tự nguyện đi xét nghiệm HIV để bảo vệ đứa con thân yêu của mình. 

Tại Bắc Giang, tập trung đẩy mạnh truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền mẹ con, mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã, khó tiếp cận với y tế. 

Bên cạnh đó, nỗ lực bảo đảm nhóm phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải được điều trị ARV sớm để phòng lây truyền HIV sang con; cung ứng thuốc ARV liên tục, sử dụng phác đồ điều trị phù hợp giảm tối đa tình trạng nhiễm HIV từ mẹ.

Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh hướng tới “Loại trừ hoàn toàn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con”, giúp phụ nữ mang thai dự phòng lây nhiễm.

Để giúp loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức hội nghị nhằm tìm ra những giải pháp tích cực giải quyết những khó khăn tồn tại cho chương trình này. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tích cực kêu gọi mọi người dân chủ động tham gia vào các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Loại trừ hoàn toàn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2016” của Liên hợp quốc mà Việt Nam cam kết thực hiện.

Trong năm 2015, do chủ động thực hiện tốt các phương pháp dự phòng lây truyền, nên tỉnh Thừa Thiên Huế đã không có trẻ nào sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Tại Nam Định, nhân Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh tăng cường truyền thông về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay từ những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám tại các cơ sở y tế, mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã; vận động sự tham gia của các tổ chức quốc tế đang hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh tham gia các hoạt động của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 trong cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị; phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức các hoạt động của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoàn cảnh thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông tăng cường phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác; tổ chức các chiến dịch truyền thông trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng các hình thức như: xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về phòng chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các cụm pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu tại các địa điểm đông người qua lại; nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm… tại xã, phường.

UBND các huyện, thành phố cũng tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi, chăm sóc người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.

 

 Ở Việt Nam ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai, với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 4.000 - 6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp mỗi năm sẽ có 1.500 - 3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%, nghĩa là chỉ còn 150-200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn cháu sẽ được cứu thoát khỏi virus HIV.