![]() |
Tư vấn xét nhiệm tự nguyện HIV. Ảnh minh họa |
Ghi nhận thành công
Đại biểu đến từ Sơn La đại, diện cho nhóm người nghiện ma túy bị nhiễm HIV cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã làm được rất nhiều việc nhưng công tác điều trị và chăm sóc là thành công nhất. Trong những năm 2000-2003, khu vực anh (xin được giấu tên) sinh sống hàng tuần có từ 2 đến 3 người chết vì AIDS nhưng đến nay, cả năm chỉ 1 đến 2 người vì hầu hết người nhiễm đã được uống thuốc kháng virus miễn phí, được điều trị và chăm sóc các nhiễm trùng cơ hội.
Đến năm 2013, công tác điều trị nghiện bằng Methadone cũng đã đem đến cơ hội sống hòa nhập với cộng đồng cho người nghiện ma túy. Chỉ có điều trị nghiện bằng Methadone người nghiện mới có thể đủ sức khỏe làm ra của cải nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình. Anh cho hay, đã tham gia điều trị cai nghiện bắt buộc 3 đợt tại Trung tâm, mỗi đợt hai năm nhưng khi ra lại tái nghiện ngay.
Trước đây, mạng lưới đồng đẳng viên được biết đến vai trò lớn nhất là truyền thông, tư vấn, cung cấp bơm kim tiêm sạch và bao cao su, thu nhặt bơm, tiêu hủy kim tiêm bẩn. Đến nay, các tổ chức cộng đồng còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tìm ca nhiễm HIV mới và kết nối tới cơ sở điều trị. Tại Điện Biên trong năm 2016 và đầu năm 2017, 86% ca nhiễm HIV mới và 85% số nhiễm mới được điều trị ARV do thành viên của các tổ chức cộng đồng thực hiện, đại biểu đến từ Điện Biên chia sẻ.
Đại biểu đến từ Nhóm Cát trắng-Long Biên, Hà Nội nhận xét, không thể phủ nhận tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV của bơm kim tiêm, bao cao su trong nhóm sử dụng ma túy và phụ nữ bán dâm. Chị đã tham gia là đồng đẳng viên nhiều năm nay, mặc dù được sự tài trợ quốc tế, tuy nhiên bơm kim tiêm và bao cao su chưa có đủ để phát cho nhóm đồng đẳng. Thời gian tới, với những nơi như chị đang quản lý chắc chắn sẽ gặp khó khăn, vậy những địa bàn không có dự án thì hoạt động này sẽ còn khó khăn gấp bội.
Vẫn còn rào cản khiến người nhiễm HIV không mua BHYT
Điều trị bằng ARV hiệu quả cao như đã nói ở trên, nhưng thời gian tới sẽ thay thế nguồn thuốc ARV miễn phí bằng việc thông qua khám bảo hiểm y tế (BHYT), vì lý do nào đó sẽ có tỷ lệ không nhỏ không tiếp cận được với bảo hiểm y tế và một số có bảo hiểm y tế cũng sẽ e ngại sử dụng vì lo sợ lộ danh tính. Với sự điều trị không tuân thủ tuyệt đối (liên tục, đúng phác đồ, đúng giờ) người nhiễm HIV kháng thuốc sẽ có xu hướng tăng.
Thời gian vừa qua, hoạt động cộng đồng chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ, khi hết nguồn này hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí trong nước. Nhiều đại biểu cho rằng, kinh phí trong nước quy định hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng là rất hạn chế, khó có thể duy trì được những nhiệm vụ hiện nay đang làm. Đặc biệt, tại các tỉnh trọng điểm về HIV, điều kiện kinh tế khó khăn thì khó có thể cân đối để duy trì mạng lưới hiện có.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện có 50% số người đang điều trị ARV có thẻ BHYT mặc dù đã được cán bộ y tế thông báo thời điểm dự kiến bắt đầu điều trị thông qua BHYT từ tháng 7/2017.
Người nhiễm HIV chủ yếu là người nghèo, thu nhập không ổn định việc mua BHYT theo hộ gia đình làm cho họ không đủ khả năng chi trả. Nhiều người lo sợ nếu tham gia BHYT sẽ bị phát hiện và bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Một số ít người nhiễm HIV đã hiểu được sự cần thiết và sẵn sàng mua BHYT nhưng họ lại thiếu giấy tờ tùy thân đặc biệt là những người mới ra trại, người không có nơi tạm trú.
Song song với đó, người nhiễm HIV còn có những e ngại khi sử dụng BHYT khám, chữa bệnh phải đưa giấy tờ chứng minh nhân thân sẽ bị lộ danh tính, đặc biệt là người đang làm trong cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp, lực lượng vũ trang. Việc chưa kiện toàn được 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS có khả năng khám, chữa bệnh BHYT cũng là nguyên nhân làm người nhiễm ở những địa phương đó chưa quyết tâm tiếp cận với BHYT.
Lý do khiến nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT nữa là do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, gây cản trở cho người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...
Để tháo gỡ việc thiếu thủ tục, giấy tờ khi mua BHYT, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định và hướng dẫn cơ quan bảo hiểm xã hội chụp ảnh trực tiếp khách hàng có nhu cầu mua BHYT dán, đóng dấu giáp lai ảnh trên thẻ BHYT, tương tự như giấy chứng minh nhân dân. Khi đi khám, chữa bệnh cơ quan y tế đối chiếu ảnh trong thẻ để nhận dạng người bệnh.
Nhằm bảo đảm nguồn ngân sách chi cho các hoạt động cộng đồng, cơ quan chức năng nên có quy định phần trăm ngân sách tối thiểu chi cho phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có hoạt động tiếp cận cộng đồng.
▪ Tiên phong ứng dụng khoa học mới trong điều trị nghiện (30/03/2017)
▪ Đối thoại chính sách thực hiện pháp luật về HIV/AIDS, ma túy và mại dâm (30/03/2017)
▪ Hợp tác về giám sát dịch và các mô hình hỗ trợ kỹ thuật trong phòng, chống HIV/AIDS (30/03/2017)
▪ Tăng cường phối hợp phòng, chống lao/HIV trong bối cảnh nguồn lực suy giảm (28/03/2017)
▪ Sơn La: Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và điều trị lao/HIV (27/03/2017)
▪ Xâm hại tình dục: Những vấn đề cần sửa từ luật (25/03/2017)
▪ Tham vấn ý kiến cộng đồng về trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế (24/03/2017)
▪ Cai nghiện ma túy: Cần những giải pháp căn cơ (22/03/2017)
▪ Điện Biên đẩy mạnh cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng (21/03/2017)
▪ Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm nhưng thiếu bền vững (20/03/2017)