+ Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay?
- HIV/AIDS tác động đến tất cả các gia đình, cá nhân trong xã hội, không riêng ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Tại Việt Nam đã có những gia đình tử vong gần hết vì AIDS. Năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy chủ đề "Phụ nữ và trẻ em gái". Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ cao trong việc lây truyền HIV. Phụ nữ dễ nhiễm bệnh hơn nam giới gấp hai lần. Khi nam giới trong gia đình bị HIV, khả năng phụ nữ tránh lây nhiễm hầu như không có. Còn khi phụ nữ nhiễm bệnh, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, nguy cơ lây truyền sang con là rất lớn. Bên cạnh đó, tình hình lạm dụng tình dục trẻ em gái đang trở nên bức xúc trên toàn cầu. Vì vậy, cần bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi những tệ nạn xã hội và lạm dụng tình dục. Chúng tôi cũng cho rằng, đây là một trong những trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới, không riêng gì ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
+ Tại Việt Nam, bệnh nhân HIV nữ được hưởng những ưu tiên gì?
Hiện nay, Việt Nam có 400 trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm HIV do mẹ truyền sang con. Nhiều phụ nữ có HIV dương tính vẫn chửa đẻ, đây là những đối tượng ưu tiên của Bộ Y tế, để họ đủ thuốc điều trị, bảo đảm nhu cầu sinh con nhưng đứa con không bị lây nhiễm.
Những phụ nữ nhiễm HIV đang làm ở một số cơ quan cần được điều trị kịp thời và có chế độ ưu tiên.
Bộ Y tế khuyến khích các cơ quan, tổ chức nhận các bệnh nhân HIV/AIDS vào làm việc.
Tuy nhiên, vấn đề này đặt ra không riêng gì đối với Bộ Y tế mà các ban ngành khác cũng nên tham gia. Chúng tôi đã đề nghị giảm thuế thu nhập cho một số công ty nhận bệnh nhân HIV vào làm việc và phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Công an để chính sách được thực hiện, nhưng ở Việt Nam, số bệnh nhân này không nhiều.
+ Bệnh nhân HIV/ AIDS có thể làm việc ở những lĩnh vực nào? Bộ Y tế có hỗ trợ gì giúp bệnh nhân HIV tìm việc làm không?
- Đối tượng nhiễm HIV muốn xin việc làm cũng được bảo đảm việc nhưng phải phù hợp với điều kiện sức khỏe, tình trạng bệnh tật. Khi nhiễm HIV nên làm những việc nhẹ vì việc nặng khiến bệnh càng trầm trọng hơn. Theo tôi, có thể làm việc văn phòng, may mặc hoặc tham gia tổ chức các CLB, các trung tâm tư vấn nhằm giảm việc lây lan HIV trong xã hội. Các trung tâm tư vấn HIV ưu tiên tuyển dụng các bệnh nhân HIV nữ vì họ biết luồng tư tưởng của những bệnh nhân HIV và đưa ra lời khuyên hiệu quả giúp người có nguy cơ cao tránh nhiễm bệnh. Chúng tôi giúp đỡ bệnh nhân HIV về vấn đề việc làm bằng cách cung cấp ngân sách ổn định cho các CLB, các trung tâm qua những dự án đầu tư. Những tổ chức này hoạt động khá hiệu quả, tại các CLB ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đống Đa (Hà Nội)... bệnh nhân HIV có cách truyền thông đặc biệt làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
+ Hiện nay, 60% bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nạm là nam giới. Vậy mức độ lây nhiễm trong nữ giới tại Việt Nam như thế nào?
- Trên toàn quốc, nguồn lây nhiễm chủ yếu là do tiêm chích (chiếm 70%). Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV trong gái mại dâm đã tăng từ 0,6% năm 1994 lên 6,6% trong năm 2002. Bên cạnh đó có sự khác biệt giữa miền bắc và miền nam. Miền bắc 99% lây nhiễm qua con đường tiêm chích nhưng ở phía nam lây nhiễm qua mại dâm chiếm từ 50 - 60%.
Đáng lo ngại là tỷ lệ này đang tăng lên, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, An Giang, dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
+ Theo ông, rào cản lớn nhất đối với bệnh nhân HIV/AIDS trong việc điều trị là gì?
- Đó chính là thái độ kỳ thị của cộng đồng. Không riêng ở Việt Nam, tại các nước phát triển đã từng phát hiện ra HIV từ rất sớm, thái độ kỳ thị vẫn tồn tại. HIV thường liên quan đến mại dâm và ma tuý, đó là những tệ nạn xã hội. Do đó rất khó có được nhận thức rõ ràng trong việc phân biệt giữa bệnh và tệ nạn. Gia đình là yếu tố quan trọng nhất giúp tránh và chống kỳ thị. Nếu được bố mẹ, anh chị em trong gia đình tận tình điều trị thì bệnh nhân sẽ yên tâm điều trị, không có ý định lây nhiễm cho người khác trong xã hội. Gia đình chính là nơi đầu tiên điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV. Cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông giúp nhận thức đầy đủ, phân biệt giữa bệnh HIV và tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm.
+ Bệnh nhân HIV ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thuốc chữa HIV giá rẻ không thưa ông?
- Đây là một vấn đề nhạy cảm và bức xúc ở Việt Nam. Tính đến thời điểm này, ở nước ta có khoảng 13.000 bệnh nhân HIV. Mỗi bệnh nhân cần 20 - 30 triệu đồng/năm: Tổng chi phí cần khoảng gần 400 tỷ đồng. Chương trình phòng chống HIV sử dụng 10 tỷ đồng để mua thuốc, như vậy chỉ đủ cho khoảng 400 bệnh nhân. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có khoảng 10 tỷ đồng từ chương trình hợp tác toàn cầu phòng chống HIV. Nhưng 20 tỷ đồng này không đáng bao nhiêu so với nhu cầu gần 400 tỷ đồng. Với thuốc giá rẻ, một bệnh nhân chỉ cần 6 - 7 triệu/năm. Như vậy sẽ tiết kiệm được 1/3 chi phí. Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án tiếp cận thuốc giá rẻ, Cục Dược cấp đăng ký thuốc giá rẻ cho một số mặt hàng thuốc Việt Nam.
+ Sắp tới bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam có thể có tin vui gì từ Bộ Y tế?
- Bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam sắp được tiếp cận thuốc chữa HIV giá rẻ. WHO đưa ra mục tiêu cuối năm 2005 sẽ có 3 triệu người nghèo được tiếp cận thuốc chữa HIV giá rẻ. Nếu không có gì thay đổi, khoảng cuối quý II đầu quý III năm 2005, thuốc chữa HIV giá rẻ sẽ có mặt ở Việt Nam.
|