Phòng chống ma túy: Báo cáo một đằng, thực tế một nẻo
Các Website khác - 23/11/2004

Theo thống kê của VKSND thành phố, TP HCM có khoảng 37.000 người nghiện, nhưng số liệu này chưa phản ánh đúng thực tế. Điển hình như phường Cầu Kho, quận 1, chính quyền và công an phường thông báo có 78 người nghiện, nhưng Bộ Công an và Công an thành phố khảo sát kỹ có tới 378 người.

Phân tích nguyên nhân, theo ông Phạm Thư, VKSND TP HCM, các cơ quan chức năng vẫn không kiểm soát được tình hình vận chuyển ma túy vào thành phố. Công tác cai nghiện tại cộng đồng những năm qua tỏ ra không hiệu quả. Phần lớn người đưa vào chữa trị ở Trung tâm Bình Triệu thuộc diện tái nghiện. Không ít đối tượng vào trung tâm 2-5 lần, thậm chí 10 lần.

Ông Thư cho biết thêm, hiệu quả việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện ở các trung tâm còn hạn chế. Nguyên nhân là trình độ các đối tượng chênh lệch dẫn đến khó khăn trong đào tạo. Việc dạy nghề ban đầu được tuân thủ chặt chẽ, nhưng số người cai nghiện ngày càng tăng nên các trung tâm chỉ đáp ứng nhu cầu cắt cơn, không đủ sức, thời gian và tiền bạc để giáo dục nhân cách và dạy nghề một cách chuyên nghiệp.

Cũng về cai nghiện ma túy, theo bà Ngô Thanh Hồng, Sở Tư pháp TP HCM, thời gian cai nghiện tập trung là 2 năm như quy định hiện hành khó đạt hiệu quả như mong muốn. Những người bình thường tìm việc làm đã không dễ dàng, các đối tượng mới cai nghiện trở về sức khỏe vốn yếu, lại chịu những mặc cảm xã hội, tìm việc càng phức tạp hơn. Vì vậy, họ khó tự đảm bảo cuộc sống.

"Cuộc đấu tranh chống ma túy không có hồi kết, nhưng phải đi vào guồng. Ma túy đối với xã hội cũng như mầm bệnh đối với cơ thể. Nếu cơ thể lành mạnh, sức kháng thể cao thì khả năng lây nhiễm hạn chế đi và ngược lại. Phải biến đối tượng nghiện ma túy thực sự thành cá biệt chứ không nên để như hiện nay, ở nhiều nơi, mua ma túy dễ hơn rau. Vì mua rau còn phải ra tới chợ, còn mua ma túy chỉ cần tới đầu hẻm", bà Hồng nói.

Đề xuất giải pháp phòng chống ma túy, ông Phạm Thư cho rằng, thành phố hiện thiếu những người làm chuyên ngành về công tác xã hội. Vì thế, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh liên kết với các trường đại học tạo nguồn nhân lực đưa vào hoạt động ở cộng đồng. Đây cũng là một chỗ dựa tinh thần tin cậy và là cầu nối giữa gia đình - xã hội với người cai nghiện khi trở về cộng đồng

Ông Nguyễn Duy Hưng, ĐH Luật thành phố, thì cho rằng VKSND và tòa án là những cơ quan có vai trò lớn trong đấu tranh chống tệ nạn ma túy. Thời gian qua, nhiều vụ án về ma túy được thực thi nhưng mức xử phạt còn nhẹ. Các cơ quan cần xử phạt nghiêm hơn để thực sự tạo hiệu quả răn đe với loại tội phạm này.

Còn theo ông Nguyễn Minh Hoài, ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, thành phố nên thành lập Viện nghiên cứu chống tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy và phải có trường đào tạo chuyên môn chống loại chất độc hại này. Hiện nay, công tác phòng chống vẫn thiên về phong trào, tuy có hiệu quả nhất định nhưng khá tốn kém. Tệ nạn ma túy khó giải quyết triệt để mà sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ đội ngũ được đào tạo chính quy mới tiến hành tốt cuộc chiến trường kỳ này

Thanh Lương