TP.HCM: Chỉ 40% bệnh nhân HIV/AIDS có bảo hiểm y tế
Báo Tiếng chuông - 18/04/2016
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Kế hoạch kiện toàn các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tại TP.HCM, do Bộ Y tế mới tổ chức.
 
Ảnh minh họa

 

Theo Thống kê của Sở Y tế TP.HCM, hiện TP.HCM có 30.934 trường hợp nhiễm HIV. Tính đến hết năm 2015, thành phố đang điều trị ARV cho 27.350 bệnh nhân tại 33 cơ sở, trong đó khoảng 19.000 bệnh nhân có hộ khẩu tại TP.HCM. Ước tính trong 2 năm 2016-2017 sẽ có thêm từ 12.000-14.000 bệnh nhân nhiễm HIV mới.

Tuy nhiên, theo ông Đồng Văn Ngọc, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, hiện toàn thành phố mới chỉ 40% bệnh nhân có thẻ BHYT. Đây là tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT quá thấp.

Việc bệnh nhân tham gia BHYT quá thấp sẽ là áp lực lớn đối với người bệnh và gia đình, bởi số người nhiễm HIV/AIDS mới ngày càng gia tăng, trong khi các nguồn viện trợ, việc cấp phát thuốc ARV kháng vi rút HIV điều trị đang trong giai đoạn bị cắt giảm và tiến tới “đứt” hoàn toàn trong 1-2 năm tới. Theo đó, bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị. 

Trong khi đó, “đa số là gia đình nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ trên còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị và sự tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế được tình trạng kháng thuốc”, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Vì vậy, để tăng cường BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động khuyến khích chuyển bệnh nhân HIV/AIDS sang điều trị diện BHYT.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng nên để các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện cùng các cơ sở y tế tư nhân, trại giam tham gia vào công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, các bệnh viện cần kiện toàn quy trình, phác đồ cũng như cơ chế quản lý và đặc biệt cần phải xem HIV là một căn bệnh mạn tính, không xem đó là bệnh đặc thù để tránh kỳ thị.

Đồng thời, Bộ Y tế nên tạo điều kiện để các cơ sở phòng khám ngoại trú HIV/AIDS ký hợp đồng BHYT điều trị cho các đối tượng bệnh nhân “đặc biệt” này.