Kết hợp gia đình, chính quyền trong hỗ trợ người cai nghiện
Báo Tiếng chuông - 07/04/2017
Mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại nơi cư trú của tỉnh Nghệ An đã đưa ra một hướng đi hiệu quả, các giải pháp hoạt động của mô hình cũng đa dạng và toàn diện, từ tiếp cận cộng đồng tới hỗ trợ lập hồ sơ cai nghiện, cắt cơn giải độc, tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm và kết nối các dịch vụ, giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc 

Nghệ An là một trong những tỉnh trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước bởi hội tụ đủ 4 yếu tố: sản xuất, buôn bán, trung chuyển và sử dụng trái phép. Tính đến thởi điểm hiện nay, toàn tỉnh hiện có 7.293 người nghiện có hồ sơ quản lý (xếp thứ 5 của toàn quốc), 376/480 xã, phường, thị trấn có ma túy (chiếm 78,3%); 66 tụ điểm, hơn 340 điểm nóng bán lẻ chất ma túy; số người nghiện sử dụng ma túy đa phần là thuốc phiện và hêrôin (chiếm 97%) nhưng thời gian gần đây, số người nghiện sử dụng ma tuý tổng hợp, dạng đá có chiều hướng gia tăng, độ tuổi người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa.

Để nâng cao kết quả, hiệu quả và từng bước xã hội hóa công tác cai nghiện đáp yêu cầu của tình hình mới, từ năm 2011, Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An xây dựng, chỉ đạo, tổ chức triển khai các mô hình cai nghiện và quản lý tại cộng đồng như mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại nơi cư trú, mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng…

 

Tư vấn cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Ảnh internet

 

Mục đích của việc triển khai các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai nhằm: huy động cả hệ thống chính trị đặc biệt ở cơ sở tham gia vào công tác cai nghiện và quản lý sau cai, việc triển khai thực hiện các mô hình dựa vào gia đình và cộng đồng, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện ma túy sau cai được học nghề, có việc làm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ hòa nhập cộng đồng bền vững; đa dạng hình thức cai nghiện nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị nghiện của người nghiện và gia đình có người nghiện ma túy. Thông qua các mô hình lựa chọn cách làm hay, điển hình trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai để tổ chức nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Trong số các mô hình được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, mô hình Cai nghiện và Quản lý sau cai tại nơi cư trú đã và đang mang lại nhiều thành công.

Phát huy vai trò Tổ cai nghiện tại địa phương

Ngày 24/6/2013, Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 933/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch phân bổ kinh phí thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy”. Trong đó có nội dung triển khai thí điểm mô hình “Cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng” ở các tỉnh trọng điểm về tệ nạn ma tuý, trong đó Nghệ An là một trong các tỉnh được lựa chọn thí điểm mô hình.

Căn cứ vào tiêu chí của Bộ LĐTB&XH đề ra, năm 2013, Sở LĐTB&XH lựa chọn 2 huyện: Yên Thành và Hưng Nguyên triển khai thí điểm mô hình, năm 2014, tiếp tục thực hiện mô hình tại 11 huyện, thành, thị: Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Tương Dương, Quế Phong, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nam Đàn, Thái Hòa, Nghi Lộc (12 xã, phường trực tiếp triển khai). Năm 2015, tuy không có nguồn kinh phí để triển khai song các địa phương tiếp tục duy trì và nhân rộng. Những huyện, thành, thị được lựa chọn triển khai mô hình đều là địa phương trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy, số người nghiện ma túy nhiều, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội phức tạp, người nghiện ma túy phạm tội chiếm tỷ lệ lớn.

Mô hình này phát huy vai trò chính quyền địa phương, cụ thể là Tổ cai nghiện ma túy cấp xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể và gia đình có người nghiện ma túy.

Tổ công tác cai nghiện phối hợp với tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền tác hại của tệ nạn ma túy và nghiện ma túy, vận động người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy tự khai báo tình trạng nghiện như mức độ nghiện, thời gian nghiện, hình thức nghiện và loại ma túy sử dụng đồng thời tự nguyện đăng ký cai nghiện. Trên cơ sở đó, Tổ cai nghiện ma túy cấp xã lập hồ quản lý, phân loại và áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp.

Trước khi tổ chức cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy Tổ cai nghiện ma túy cấp xã tổ chức khám sức khỏe, xét nghiệm các xét nghiệm cần thiết để biết tình trạng sức khỏe của người nghiện ma túy để áp dụng phác đồ cắt cơn phù hợp. Địa điểm cắt cơn là tại Trạm xá cấp xã, trường học hoặc tại gia đình người nghiện ma túy (thời gian cắt cơn từ 10-15 ngày). Trong quá trình người nghiện ma túy cắt cơn luôn có sự động viên, thăm hỏi của gia đình, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể. Sau khi kết thúc thời gian cắt cơn, người sau cai nghiện được bàn giao cho gia đình và phối hợp với Tổ công tác cai nghiện và tổ chức đoàn thể để quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy sau cai. Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã cùng gia đình và người người sau cai nghiện ma túy xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Tổ công tác cai nghiện cấp xã tham mưu UBND cấp xã thành lập Câu lạc bộ giúp được người sau cai nghiện ma túy, định kỳ hàng tháng tổ chức sinh hoạt với các chủ đề, nội dung cụ thể. Thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, người sau cai nghiện được tư vấn chăm sóc sức khỏe, kỹ năng phòng, chống tái nghiện và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và văn hóa văn nghệ. Thông qua hoạt động này, người sau cai nghiện tự tin hơn trong hòa nhập với cộng đồng, bớt bị kỳ thị.

Chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các Trường nghề, Trung tâm có chức năng dạy nghề trên địa bàn để tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy lựa chọn nghề học phù hợp với trình độ, nhu cầu và sức khỏe của người nghiện ma túy, trên cơ sở đó tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp.  Sau khi được hướng nghiệp, dạy nghề người sau cai nghiện được hỗ trợ tìm việc làm, tuỳ điều kiện cụ thể, gia đình người nghiện chủ động giải quyết việc làm cho người sau cai. Chính quyền, tổ chức đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai tìm việc làm. Người sau cai có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục. Gia đình người sau cai có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay vốn từ nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm của các hội, đoàn thể có người sau cai nghiện ma túy là thành viên. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có nhu cầu tìm việc làm tại cộng đồng (trông xe, bảo vệ, sửa chữa xe đạp…).

Kết quả, tính đến nay có 14 xã, phường thị trấn triển khai mô hình; 106 người nghiện ma túy được cai nghiện; tổng số người sau cai nghiện được dạy nghề và giới thiệu việc làm sau cai: 15 người; vay vốn, giải quyết việc làm cho 21 người; số người được hỗ trợ xuất khẩu lao động 11 người; đi lao động tại các khu công nghiệp 19 người.    

Mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng và gia đình của tỉnh đã huy động được sức mạnh của các hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia giúp đỡ người cai nghiện; thông qua công tác tuyên truyền và tổ chức cai nghiện đã tạo được một bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong cộng đồng về cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý;

Mô hình là một điển hình tốt về việc kết hợp giữa gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong hỗ trợ người nghiện cai nghiện. Mô hình đã đưa ra một hướng đi hiệu quả, các giải pháp hoạt động của mô hình cũng đa dạng và toàn diện, từ tiếp cận cộng đồng tới hỗ trợ lập hồ sơ cai nghiện, cắt cơn giải độc, tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm và kết nối các dịch vụ, giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững.

Mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng và gia đình mang đậm tính nhân văn, người nghiện được cai nghiện ngay tại môi trường gia đình, cộng đồng. Người cai nghiện được gia đình và các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương cùng quan tâm, hỗ trợ.