Diễn đàn đa phương đặc biệt quan trọng về phòng, chống và kiểm soát ma túy
Báo Tiếng chuông - 03/04/2017
Hàng năm, vào tháng 3, tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo diễn ra một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người làm công tác phòng, chống ma túy toàn thế giới-Hội nghị Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc (Hội nghị CND).

 

Các kết luận, khuyến nghị thông qua tại diễn đàn này một mặt là những đánh giá chính thống, sát thực về diễn biến tình hình ma túy, đưa ra cảnh báo những xu hướng mới. Mặt khác, quan trọng hơn, đó là thảo luận, thậm chí đôi khi là “thương lượng” về những quan điểm, chính sách phòng, chống và kiểm soát ma túy còn bất đồng giữa các nước.

Chính nhận thức về tầm quan trọng như vậy nên diễn đàn thường có sự tham gia của các chính khách, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát ma túy của hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu có uy tín. Họ là những người đã hoặc đang làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách về phòng, chống ma túy, thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy, phòng ngừa lạm dụng ma túy, điều trị nghiện ma túy, giảm tác hại liên quan đến ma túy, điều hành các chương trình phát triển thay thế cây có chất ma túy,… hoặc đơn thuần là những người có tiền sử sử dụng ma túy được các tổ chức phi chính phủ tài trợ đến để theo dõi xu hướng kiểm soát ma túy của thế giới.

Vì vậy, bên cạnh việc đánh giá thực trạng diễn biến tình hình tội phạm và ma túy, Hội nghị còn thông qua những nghị quyết, quyết định quan trọng định ra một chiến lược chung về phòng, chống ma túy cho cả thế giới. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe công bố những nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Việc theo dõi sát sao các vấn đề bàn thảo tại diễn đàn này sẽ hỗ trợ các nước tốt hơn trong quá trình hoạch định chính sách hoặc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, những điều mà các nước đang phát triển đôi khi chưa có điều kiện đầu tư nghiên cứu.

Tình hình ma tuý thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp

Hội nghị CND lần thứ 60 diễn ra từ ngày 13-17/3/2017 còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đại biểu các nước, các tổ chức quốc tế cần phải thống nhất một số vấn đề liên quan đến cách thức, tiêu chí đánh giá quá trình 10 năm thực hiện Tuyên bố chính trị 2009 của Liên Hợp Quốc và Văn kiện của phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 4/2016.

Tham dự Hội nghị năm nay có 131 đoàn đại biểu đại diện chính phủ các nước, 22 đoàn đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế và 170 đoàn đại diện cho các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Phiên họp toàn thể là diễn đàn lớn nhất, là xương sống xuyên suốt tuần lễ diễn ra hội nghị. Đây là diễn đàn để các tổ chức quốc tế trình bày những quan điểm lớn về chính sách phòng, chống và kiểm soát ma túy; đánh giá xu thế tình hình trong thời gian tiếp theo. Cũng tại đây, hầu hết các nước đã có tiếng nói riêng bày tỏ quyết tâm phòng, chống ma túy và thể hiện lập trường của chính phủ mình trước những vấn đề mới.

Năm nay, theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc (INCB), tình hình ma túy ở hầu hết các khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cụ thể là, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy nhất là các loại ma túy tổng hợp (ATS), các chất hướng thần ở nhiều khu vực vẫn diễn ra nghiêm trọng. Số vụ vận chuyển ATS bị phát hiện tăng mạnh kể từ năm 2008 đến nay. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành thị trường tiêu thụ chính Methamphetamine và một số chất hướng thần khác. Việc trồng cây cần sa có xu hướng tăng ở nhiều khu vực; cây côca tăng ở khu vực Nam Mỹ (Colombia) và diện tích trồng cây thuốc phiện tiếp tục tăng sau một giai đoạn được kiềm chế.

Hiện nay có khoảng trên 5% dân số thế giới từng sử dụng ma túy, các chất hướng thần. Trong đó, 12% bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường máu. Tình trạng sử dụng cocaine, cần sa có xu hướng gia tăng ở khu vực Châu Mỹ; tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp ATS tăng mạnh ở khu vực Đông, Đông nam Á và Tây Á; các loại thuốc giảm đau có thành phần opiat bị lạm dụng nhiều ở các nước phát triển, nhất là Mỹ.

65 tham luận của các quốc gia tại phiên họp toàn thể cũng đồng quan điểm với các tổ chức quốc tế về tính phức tạp của tình hình ma túy, đặc biệt là sự lan rộng của các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS và các chất hướng thần mới (NPS). Đồng thời bày tỏ quyết tâm đấu tranh với tệ nạn này.

Cùng với phiên họp toàn thể, trong tuần lễ diễn ra Hội nghị liên tục diễn ra các sự kiện rất có ý nghĩa như: hội thảo khoa học, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hoặc các buổi tiếp thân mật do các nước chủ động tổ chức.

Các chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là: Chính sách phòng, chống ma túy; điều trị nghiện các chất hướng thần; vai trò của Internet trong giáo dục, phòng ngừa lạm dụng ma túy; yếu tố di truyền trong phòng ngừa ma túy; kinh nghiệm triển khai các chương trình giảm hại về ma túy trong tổng thể chính sách phòng, chống ma túy; “dược hóa các chế phẩm cần sa chứ không hợp pháp hóa cần sa”,…

Bất đồng quan điểm về chính sách phòng, chống ma tuý

Hội nghị CND lần thứ 60 đã đạt được những thành công lớn. Cụ thể là, đã thông qua 13 Nghị quyết và quyết định quan trọng về các vấn đề: Tăng cường hợp tác hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi trung chuyển ma túy; cải thiện quản trị và tình hình tài chính của UNODC; phát triển thay thế cây có chất ma túy; thống nhất các biện pháp đối phó với tác động của các chất hướng thần mới (NPS); tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát tiền chất và các chất chưa nằm trong danh mục kiểm soát; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các cơ quan đầu mối của các nước về phòng, chống ma túy;

Thúc đẩy chương trình phòng, chống ma túy cho trẻ vị thành niên; phòng chống lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu liên quan đến hành vi sử dụng ma túy; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, kiểm soát biên giới và các cơ quan có liên quan; chuẩn bị các nội dung phục vụ khóa họp của CND lần thứ 62 và củng cố các cơ quan phụ trợ của CND.

Một thành công lớn nữa của CND là đã thông qua nghị quyết bổ sung 12 chất vào danh mục kiểm soát, gồm: U-47700; Butyrfental (Bảng I-Công ước 1961); 4-Methylecanthinone, Ethylone; Pentedrone; Ethylphenidate; MPA, MDMB-CHMICA; 5-APINACA; XLR-11 (Bảng II-Công ước 1971); ANPP; NPP (Bảng I-Công ước 1988). Hội đồng chuyên gia của WHO cũng đề xuất tổ chức họp để xem xét thực trạng sử dụng cần sa, dẫn xuất của cần sa, THC, Cannabidiol, Stereoisommers THC nhưng CND chưa chấp nhận đề xuất này do sự phản đối của các nước châu Mỹ Lat inh.

Việc theo dõi các quan điểm về chính sách phòng, chống ma túy cho thấy vẫn còn không ít bất đồng giữa một số nước, nhóm nước. Trong khi đa số nước (khối ASEAN, Nga, Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Phi,…) cơ bản thống nhất cao với văn kiện UNGASS năm 2016; tiếp tục xem 3 Công ước kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc là nền tảng trong chính sách phòng, chống và kiểm soát ma túy toàn cầu; đề cao nỗ lực đấu tranh chống tội phạm ma túy và các loại tội phạm liên quan như: rửa tiền, buôn bán vũ khí, khủng bố, buôn người... tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của CND trong việc hoạch định chính sách về phòng, chống và kiểm soát ma túy và đề nghị phải có sự tham vấn của Ủy ban kiểm soát ma túy trước khi đưa ra thảo luận bất cứ nghị quyết nào.

Một số nước khác lại đề cao cách tiếp cận 7 nội dung nêu trong văn kiện UNGASS bằng đề xuất việc hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy, ủng hộ các tiếp cận giảm hại về ma túy và tăng cường vai trò và cơ chế phối hợp khu vực thông qua lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật về phòng, chống ma túy. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn lực tài chính bị cắt giảm, vấn đề tài chính và duy trì các dự án do các cơ quan Liên Hợp Quốc tài trợ đã được các cơ quan của Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, thảo luận. Hiện đang có nguy cơ thiếu hụt ngân sách cho hoạt động chung của UNODC và ngân sách hoạt động của UNODC của từng khu vực. Nhiều chương trình do UNODC tài trợ có thể rơi vào khủng hoảng. Để khắc phục những khó khăn này, các nước đề nghị tăng cường lồng ghép các cam kết phòng, chống ma túy toàn cầu với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; tăng cường hợp tác giữa UNODC, WHO và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam “không khoan nhượng với ma tuý”

Tham dự CND lần này, Đoàn Việt nam gồm 5 đại biểu là đại diện cơ quan phòng, chống ma túy của Bộ Công an và cán bộ thuộc ngành Ngoại giao. Trong tham luận tại phiên toàn thể, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm trong công tác phòng, chống ma túy; nhấn mạnh vai trò nền tảng của 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy, Tuyên bố chính trị năm 2009, Tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng năm 2014 và Văn kiện UNGASS 2016; nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lập trường chung của ASEAN “không khoan nhượng với ma túy”.

Bài tham luận cũng nêu bật thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian qua; đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Các thành viên của Đoàn đại  biểu Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc thảo luận về văn kiện của Hội nghị và tham gia các hội thảo, sự kiện diễn ra bên lề hội nghị. Tại các diễn đàn này, Đoàn đại biểu Việt Nam ủng hộ quan điểm chung của các nước ASEAN là “không khoan nhượng với ma túy”; đề cao hợp tác khu vực, đặc biệt là hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong (MOU), Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về vấn đề ma túy; duy trì các nội dung, thủ tục, nguyên tắc hoạt động của CND; xây dựng kế hoạch chuẩn bị tiến trình rà soát, đánh giá việc thực hiện Tuyên bố chính trị 2009.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, một số đoàn đại biểu các nước đã gặp gỡ Đoàn Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về công tác phòng, chống ma túy. 

Phiên họp cấp cao đánh giá quá trình thực thi Tuyên bố chính trị 2009 vào năm 2019 sẽ là phiên đánh giá toàn diện về công tác phòng, chống ma túy và định hướng hoạt động chủ chốt của hệ thống cơ quan Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực phòng, chống ma túy toàn cầu. Dự kiến khóa họp lần thứ 61 của CND sẽ thảo luận chi tiết về cách thức và tiêu chí đánh giá tiến trình này.

Để chuẩn bị tốt cho việc đánh giá, chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam sẽ sớm xây dựng kế hoạch đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện hai Văn kiện quan trọng này của Liên Hợp Quốc. Và để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả hơn với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp các chất hướng thần mới, việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong việc quản lý các chất này, trước mắt là nghiên cứu và cập nhật các chất vừa được CND thông qua tại Hội nghị vào danh mục các chất ma túy, các chất hướng thần của Việt Nam sẽ là một trong những công việc sớm được các cơ quan chức nnăng quan tâm.