Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,62%
Báo Tiếng chuông - 04/02/2017
Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Sơn La sẽ khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,62% trong năm 2017 và không tăng vào những năm tiếp theo.

 

Ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La. Ảnh: Thùy Chi

 

Trao đổi về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông-Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi phỏng vấn ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La.

Xin ông cho biết diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Đàm Văn Hưởng: Tính đến ngày 12/12/2016, số người nhiễm HIV lũy tích toàn tỉnh là 9.128 người, trong đó (còn sống là 5.275 người), lũy tích nhiễm HIV chuyển sang AIDS là 6.309 người, trong đó (còn sống 3.569 người); số người đã tử vong là 3.853 người. Đến nay, 12/12 huyện, thành phố và 92% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.

Năm 2016, số người nhiễm HIV phát hiện mới 367 người, chuyển sang AIDS 119 người, tử vong do AIDS 48 người. Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được duy trì và nâng cao về chất lượng; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được duy trì; hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV được đảm bảo. Số người nghiện trích ma túy được điều trị bằng thuốc Methadone lũy tích điều trị 2.270 người.

Hiện nay dịch HIV/AIDS không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị, mà đã và đang có xu hướng lan rộng ra các khu vực giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, gắn liền với tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy cao, đặc biệt là khu vực biên giới.

Sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS vẫn còn thấp trong thanh thiếu niên và dân cư vùng kinh tế kém phát triển, góp phần gia tăng sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư; làm giảm tỷ lệ người nhiễm HIV đến xét nghiệm và làm tăng sự kỳ thị trong cộng đồng, vì vậy công tác phòng, chống HIV/AIDS được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Ông có thể cho biết kết quả cung ứng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong năm qua?

Ông Đàm Văn Hưởng: Thực hiện cung ứng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, địa phương đã chú trọng công tác dự phòng lây nhiễm HIV. Cụ thể, đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động chương trình tiếp cận cộng đồng toàn tỉnh… Tổng số lượt người được truyền thông trực tiếp là 164.272 lượt, trong đó: 33.084 lượt người nghiện chích ma tuý; 17.383 lượt người nhiễm HIV/AIDS; 31.728 lượt thành viên gia đình người nhiễm HIV; 513 lượt người bán dâm tiếp viên nhà hàng… Số lượng tin bài đưa trên phương tiện thông tin đại chúng là 2.344 bài.

Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân và học sinh, sinh viên, cán bộ về công tác phòng, chống HIV/AIDS: Hội phụ nữ, Tỉnh đoàn, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Sơn La, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh….

Đối với can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, Trung tâm đã triển khai 19 lớp tập huấn chương trình Tiếp cận cộng đồng tại 12/12 huyện, thành phố cho nhân viên y tế thôn bản, đồng đẳng viên, các trưởng bản, đoàn thể; phân phát bao cao su miễn phí; phân phát và thu gom bơm kim tiêm. Cụ thể, số bao cao su phát miễn phí: 38.356 cái; số bơm kim tiêm phát miễn phí là 566.661 cái; số lượt người nhận bơm kim tiêm là 54.641 lượt người.

Về chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, hiện Trung tâm duy trì 12 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 12 huyện, thành phố; triển khai cấp phát thuốc Methadone tại 13 trạm y tế xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố. Trung tâm đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành quyết định thành lập mới 36 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã.

Kết quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tính đến 30/10/2016 có số luỹ tích điều trị là 2.229 người và hiện đang điều trị cho 1.352 người.

Việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 còn nhiều khó khăn tồn tại, đáng lưu ýdo địa bàn tỉnh rộng và phức tạp, giao thông đi lại khó khăn làm cản trở việc tiếp cận dịch vụ của bệnh nhân, vậy địa phương sẽ làm gì để giải quyết những khó khăn trong thời gian tới?

Ông Đàm Văn Hưởng: Tính đến cuối năm 2016, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV đạt 60,74%; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV đạt 48,15%...

Theo tôi, để giải quyết những khó khăn, cần tăng cường công tác truyền thông, vận động sự tham gia vào cuộc của cấp ủy Đảng, Chính quyền xã, trưởng bản... về thực hiện mục tiêu 90-90-90. Thực hiện giám sát, hỗ trợ tìm giải pháp để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, cần kết hợp cả 2 kênh Y tế thôn bản và nhóm đồng đẳng viên. Cụ thể, rà soát đánh giá nguy cơ và kết nối xét nghiệm/xét nghiệm lưu động theo cụm xã/thôn/bản và sử dụng mạng lưới y tế thôn bản. Kết hợp nhóm đồng đẳng viên tích cực tiếp cận người nguy cơ cao xét nghiệm, người nhiễm HIV chưa điều trị, bỏ trị và kết nối điều trị bằng cách thực hiện giám sát hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ, đặc biệt khâu tiếp cận và xét nghiệm, bảo đảm đúng đối tượng, ưu tiên các huyện mới chưa có kinh nghiệm. Đồng thời, mở rộng xét nghiệm tại xã phường do nhân viên y tế thôn bản thực hiện.

Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa có nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV; nâng cao chất lượng cơ sở tư vấn xét nghiệm cố định tại tuyến huyện. Duy trì xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và huyện Mộc ChâuTriển khai xét nghiệm khặng định HIV tại 6 huyện Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Phù Yên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực hiện kiện toàn cơ sở điều trị lồng ghép hoàn toàn vào hệ thống khám chữa bệnh chung của cơ sở; rà soát bệnh nhân có bảo hiểm y tế, triển khai việc chi trả  chi phí điều trị cho người nhiễm HIV qua Quỹ bảo hiểm y tế; tăng cường truyền thông, tư vấn  cho người nhiễm HIV sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám và điều trị HIV/AIDS; mở rộng điều trị ARV lưu động tại tuyến xã, cấp phát thuốc ARV tại xã/phường.

Theo tôi, bài học kinh nghiệm triển khai mục tiêu 90-90-90 là cần có sự quan tâm, chỉ đạo, cam kết cao của chính quyền địa phương từ truyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã; ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời để hướng dẫn và triển khai thực hiện; phối hợp tốt với đơn vị hỗ trợ kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị: Đào tạo, cung cấp trang thiết bị thiết yếu, phối hợp với các nhà tài trợ liên quan.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh nên thực hiện chủ động theo dõi tiến độ của từng huyện và kịp thời hỗ trợ giải quyết  các vấn đề nảy sinh.

Để đạt được 3 mục tiêu 90-90-90, địa phương kiến nghị Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và các nhà tài trợ xem xét nghiên cứu mô hình phù hợp với tỉnh Sơn La: cấp phát thuốc 3 tháng 1 lần; điều trị ARV lưu động tại xã và mở rộng cấp phát thuốc tại xã; triển khai các hoạt động truyền thông tư vấn nhằm giảm sự kỳ thị trọng cộng đồng: Tập huấn cho đội ngũ Y tế thôn bản, đồng đăng viên người nhiễm

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn truyền thông cho người nhiễm HIV sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám và điều trị HIV và tự nguyện mua thẻ bảo hiểm y tế; tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai Mô hình tiếp cận – xét nghiệm – điều trị trên địa bàn toàn tỉnh.

Xin ông cho biết, năm 2017 địa phương tập trung các hoạt động nào để khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,62%?

Ông Đàm Văn Hưởng: Trong năm 2017, Sơn La tập trung cung ứng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, đẩy mạnh công tác dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó, chú trọng công tác truyền thông, tiếp cận với quần thể nguy cơ cao, cung cấp các can thiệp dự phòng và hỗ trợ tiếp cận với xét nghiệm HIV, mở rộng tiếp cận với điều trị Methadone.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xét nghiệm HIV, giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Địa phương sẽ duy trì và củng cố hoạt động của 12 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tại 12 huyện, thành phố; thực hiện xét nghiệm HIV cho quần thể nguy cơ thông qua mô hình tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế tuyến huyện hoặc tại cộng đồng; thực hiện mô hình tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tại xã.

Đối với công tác xét nghiệm HIV, tỉnh thực hiện các hoạt động phòng xét nghiệm tại các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Mường La, Phù Yên trở thành phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện; nâng cao năng lực xét nghiệm sàng lọc HIV tại tuyến xã, phòng xét nghiệm tế bào CD4, tải lượng virus phục vụ điều trị; đồng thời giám sát hỗ trợ về công tác xét nghiệm HIV đối với tuyến cơ sở.

Để giúp người nhiễm HIV/AIDS cải thiện sức khỏe, giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng, Sơn La tập trung điều trị nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, chú trọng kiện toàn hệ thống điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, tại các bệnh viện đang triển khai điều trị HIV/AIDS sẽ kiện toàn các phòng khám ngoại trú điều trị HIV theo quy chế điều trị ngoại trú đối với HIV; lồng ghép cung cấp dịch vụ điều trị HIV vào mạng lưới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện; thực hiện việc ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội về cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS qua thẻ bảo hiểm y tế.

Tại huyện Mộc Châu sẽ thành lập phòng khám điều trị HIV tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện; thành lập các điểm cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã; triển khai mở rộng mô hình Tiếp cận - Xét nghiệm - Điều trị HIV - Duy trì, cung cấp thuốc ARV tại xã.

Ngoài ra, Sơn La sẽ tổ chức tập huấn về cập nhật điều trị HIV/AIDS cho các nhân viên y tế tại các phòng khám đang điều trị và các cơ sở mở mới. Tăng bệnh nhân được tiếp cận với điều trị ARV bằng cách tiếp nhận các trường hợp người nhiễm HIV mới được phát hiện và đưa vào điều trị không phụ thuộc CD4; tìm và đưa vào điều trị ARV ngay đối với các trường hợp nhiễm HIV đã được chẩn đoán nhưng chưa đăng ký điều trị…

Tập trung mở rộng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật điều trị HIV/AIDS trong tỉnh; chăm sóc, điều trị trẻ nhiễm và phơi nhiễm với HIV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chăm sóc, điều trị trẻ nhiễm và phơi nhiễm với HIV; điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; chương trình Lao/HIV và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại trại giam, trường giáo dưỡng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!