Xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy
Báo Tiếng chuông - 16/01/2017
Ma túy vẫn đang là mối nguy hại, đe dọa đến sự phát triển của xã hội, của cộng đồng. Đáng chú ý hơn, sự gia tăng các loại ma túy mới và sự thay đổi liên tục về phương thức, thủ đoạn của bọn buôn bán ma túy trong thời gian gần đây làm gia tăng số người nghiện mới, đặc biệt là trong nhóm học sinh, sinh viên. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội thực trạng đang gieo rắc những hiểm họa này cho toàn xã hội.

Với mục tiêu cùng chung sức với các Bộ, ngành chức năng trong phòng, chống ma túy, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông miễn phí và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy một cách sáng tạo, hiệu quả.

Truyền thông phòng, chống ma túy miễn phí cho học sinh, sinh viên

Truyền thông phòng chống ma túy trong học đường luôn được xác định là một trong những hoạt động quan trọng, ưu tiên hàng đầu của PSD. Từ khi thành lập đến nay, Viện đã thực hiện hàng trăm cuộc truyền thông miễn phí tới các em học sinh, sinh viên, các cán bộ, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh tại các trường THPT, THCS, cao đẳng, đại học trong cả nước.

 

Học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đang được giải đáp các thắc mắc về ma túy qua các mẫu vật

 

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Với nội dung phong phú, cách truyền tải hấp dẫn, phương thức truyền thông sáng tạo của  PSD, các thông tin về ma túy cũng như cách phòng tránh, kỹ năng xử lý tình huống nguy cơ sẽ được các chuyên gia chia sẻ tới các em học sinh, các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh. Qua chuỗi hoạt động ngoại khóa này, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến những kiến thức bổ ích, thiết thực cho các em học sinh, chung tay cùng đẩy lùi ma túy cũng như những hệ lụy của nó”.

Chủ đề ma túy vốn khô khan bởi các khái niệm, cách nhận diện các loại ma túy mới.... Và nhắc đến ma túy thường gợi lên ý niệm về sự ghê sợ nhiều hơn là đáng thương, đồng cảm. Vấn đề này là một thách thức không nhỏ cho các cán bộ truyền thông PSD. Làm thế nào để thiết kế đảm bảo đầy đủ nội dung truyền thông, lại vừa tạo được sự hấp dẫn, chú ý lắng nghe cho người tham dự (mà phần đông trong đó thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên) là câu hỏi thường trực với các cán bộ thực hiện chương trình.

Tâm huyết trước vấn đề đó, các cán bộ truyền thông  PSD đã luôn cố gắng tìm tòi, bổ sung, đổi mới phương pháp, cố gắng nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện của từng chương trình. Để tăng cường sự tương tác, khuấy động tinh thần cùng tham gia của học sinh, sinh viên, trong mỗi chương trình truyền thông, PSD đã khéo léo lồng ghép các thông tin, khái niệm, tác hại của các loại ma túy vào trong các trò chơi, các câu đố, các tình huống kịch… Thời gian của mỗi buổi truyền thông kéo dài từ 90-120 phút, song luôn nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các em học sinh, sinh viên. Có những buổi truyền thông diễn tra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên vẫn không làm giảm sự hào hứng tham dự chương trình của học sinh, sinh viên.

Em Nguyễn Hoàng Dương, lớp 12A14, trường THPT Đống Đa (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Trước đây em chỉ nghĩ đơn giản ma túy là các loại heroin, thuốc phiện thôi. Nhưng sau buổi truyền thông này em đã biết thêm về các loại ma túy và những tác hại của nó. Em cũng có thêm các kỹ năng từ bài giảng của các anh, các chị, như kỹ năng từ chối khi bị rủ rê sử dụng ma túy, kỹ năng khi gặp người ngáo đá…, để biết tự bảo vệ bản thân và gia đình mình”.

Bên cạnh đó, những trải lòng từ người thật, việc thật của các cá nhân đã cai nghiện thành công cũng phần nào giúp học sinh, sinh viên có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, thực tế hơn về sự hủy hoại của “nàng tiên nâu”. Những chia sẻ xúc động chứa chất bao nỗi niềm của những con người đã có quãng thời gian lầm lỡ, bị ma túy dẫn dắt, xúi giục… thực sự đã thu hút được sự chú ý lắng nghe của khán giả. Bức chân dung trung thực đó chính là một tấm gương sống, để từ đó người nghe đồng cảm mà không xa lánh người nghiện ma túy, và đặc biệt phải luôn tâm niệm rằng hãy tránh xa ma túy, không sử dụng ma túy – dù chỉ một lần!

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh ma túy trong học đường, ngoài những hoạt động trên, chương trình truyền thông của  PSD còn kết hợp với các hoạt động triển lãm bộ ảnh Nỗi đau-Ước mơ-Khát vọng; trưng bày các hiện vật liên quan đến ma túy; tặng sách Nẻo về…

PSD luôn cố gắng trau dồi, bổ sung, hoàn thiện, tăng tính hấp dẫn về nội dung để phù hợp với các nhóm truyền thông. Đó cũng được coi là phương châm thực hiện chương trình của toàn bộ cán bộ, chuyên viên Viện. Bên cạnh đó, sự chung tay vào cuộc của các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, điển hình như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre; Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cùng sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên các trường THPT, THCS, Cao đẳng, Đại học đã góp phần mang đến những thành công nhất định trong mỗi chương trình, góp phần nhỏ vào mục tiêu đẩy lùi ma túy khỏi học đường.

Sáng tạo cai nghiện ma túy trả góp

Nhờ huy động được sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp xã hội, sáng kiến hỗ trợ người cai nghiện ma túy bằng phương thức trả góp của Chủ tịch Hội đồng quản lý PSD Lê Trung Tuấn đã được ứng dụng trong thực tế bắt đầu từ năm 2016.

Nghiện ma túy đã được xác định là một căn bệnh mãn tính, liên quan đến rối loạn não bộ của người sử dụng. Do đó để điều trị căn bệnh này, cần tác động cả ba yếu tố: tâm lý, xã hội và y tế, để thay đổi nhận thức, hành vi, đồng thời tái tạo lại những thói quen sinh hoạt sống lành mạnh cho người bệnh. Phương pháp điều trị chống tái nghiện ma túy bằng liệu pháp tình cảm của PSD tập trung vào điều trị theo hướng đó và bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, với 60% người bệnh không tái nghiện.

 

Tư vấn điều trị nghiện tại PSD

 

Được áp dụng khá thành công, song một trong những khó khăn của người bệnh khi tiếp cận phương thức cai nghiện này là vấn đề liên quan đến tài chính. Người sử dụng ma túy không những không có đủ sức khỏe để lao động, mà khi sử dụng ma túy kéo dài còn gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của gia đình. Rất nhiều trường hợp tìm đến PSD tư vấn và đã chia sẻ những khó khăn trên.

Trước thực tế đó, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho những bệnh nhân cai nghiện ma túy tại Viện, năm 2016, PSD đã kêu gọi các doanh nghiệp xã hội cùng đồng hành trong cuộc chiến cam go này. Bằng phương thức cai nghiện “trả góp”, người sử dụng ma túy sẽ có cơ hội được tiếp cận với phương pháp cai nghiện hiệu quả của PSD mà không phải lo lắng về tài chính. Thay vì phải thanh toán toàn bộ khoản phí liên quan đến quá trình cai nghiện, học viên đến cai nghiện tại PSD sẽ được thanh toán bằng nhiều đợt. Với trường hợp những học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Viện sẽ giới thiệu việc làm và kinh phí cai nghiện còn lại sẽ được trừ dần từ thu nhập hàng tháng của học viên. Hy vọng phương thức xã hội hóa trên sẽ giúp nhiều người thành công trong cuộc chiến chống lại sự phá hủy của ma túy, giảm gánh nặng cho cộng đồng và xã hội.