Thanh Hóa: Nét mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 11/01/2017
Bà Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng truyền thông Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế nhận xét: Nét mới ở Thanh Hóa là xét nghiệm sàng lọc HIV tại thôn, bản do cán bộ thôn, bản thực hiện và người bệnh được cấp thuốc ARV, khởi liều điều trị methadone tại xã.

Bên cạnh đó, việc đưa các hoạt động truyền thông, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về bản, các xã vùng sâu, vùng xa là cách làm sát hợp với tình hình thực tế, thể hiện sự sáng tạo, tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao.

 

Thanh Hóa chú trọng các hoạt động truyền thông, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về bản, các xã vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Thùy Chi

 

Bà Cao Kim Thoa cho hay, thời gian qua, chúng ta mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh chương trình mục tiêu chi cho hoạt động truyền thông không còn, nguồn hỗ trợ quốc tế giảm dần, tỉnh Thanh Hóa quan tâm lồng ghép hoạt động truyền thông, bố trí tài chính, huy động các nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS nhằm duy trì, nhân rộng các mô hình tiếp cận đối tượng, nhất là điều trị khởi liều tại xã.

Ông Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết, được sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức y tế quốc tế, Thanh Hóa triển khai mô hình: Tiếp cận - xét nghiệm - điều trị - duy trì, tiếp cận theo hạt giống, tiếp cận - tư vấn xét nghiệm tại thôn, bản và điều trị ARV tại tuyến xã.

Trong số 21 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, năm nay dự án VAAC - US.CDC đang hỗ trợ triển khai 18 cơ sở ở 17 huyện với 17.636 người được tư vấn xét nghiệm và có tới 93,4% số người nhiễm HIV được dự án phát hiện.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 25 phòng khám ngoại trú ở 18 huyện, thị xã, thành phố đang điều trị ARV cho 3.211 người bệnh, tuy nhiên hiện vẫn còn 9 huyện “trắng điểm” điều trị cho người bị HIV/AIDS. Trong 2.741 người bệnh đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, có hơn 400 người nhiễm HIV nhưng mới có 360 người bệnh được điều trị và một số người bệnh không muốn điều trị HIV ngay. Thêm nữa, vẫn còn 1.648 người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ bảo hiểm y tế, 583 trường hợp đang điều trị tại các trại giam cũng vậy.

Với 8,5 tỷ đồng từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ điều trị methadone mới đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu. Năm 2017, Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh trên địa bàn toàn quốc tiếp tục được tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện mục tiêu: 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp). Thanh Hóa sẽ nỗ lực không ngừng để đạt được các mục tiêu đã cam kết.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường các giải pháp thực hiện để bảo đảm bền vững các kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, tăng cường sự vào cuộc của các cấp chính quyền về chủ trương, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến đặc biệt nâng cao năng lực hàng năm cho đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường công tác truyền thông giảm kỳ thị trong cộng đồng, trong xã hội; vận động người nghiện ma túy đi làm xét nghiệm và vận động người nhiễm HIV đi điều trị thuốc kháng virus ARV.

Hiện dịch HIV/AIDS ở miền núi vẫn đang trong giai đoạn tập trung, các ca nhiễm HIV/AIDS chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy. Mặc dù, đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Xác định được điều ấy, ngành y tế tỉnh chú trọng các giải pháp như: Truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ, giảm kỳ thị với người nhiễm, trao đổi bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy; tiếp thị bao cao su cho người có quan hệ tình dục với bạn tình có nguy cơ; tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; triển khai điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone ở các cơ sở điều trị; điều trị ARV… Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ các tuyến thông qua các lớp tập huấn; phối hợp các dự án tăng cường hoạt động giám sát HIV/AIDS.

 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa, địa phương phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 11/1995, tính đến thời điểm hiện tại Thanh Hóa phát hiện gần 7.400 người nhiễm HIV/AIDS, phân bố ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, 92% số xã, phường. Toàn tỉnh ước tính gần 14.000 người nghiện chích ma túy, trong đó 7.600 người có hồ sơ quản lý.