Nghiên cứu sản xuất và sử dụng thuốc methadone dạng viên
Báo Tiếng chuông - 02/02/2017
Bộ Y tế đề nghị Chính phủ xem xét phương án triển khai thí điểm điều trị thuốc methadone dạng viên tại địa bàn thuộc một số tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Ảnh minh họa

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc nghiên cứu đề xuất việc sản xuất và sử dụng thuốc Methadone dạng viên thay cho dạng nước, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nghiên cứu cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị nghiện. Qua đó, Bộ Y tế nhận thấy có nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến việc triển khai thuốc methadone dạng viên tại Việt Nam.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến, đó là khả năng xảy ra thất thoát và sử dụng thuốc sai mục đích. Tại Việt Nam, trình độ nhận thức chung của bệnh nhân còn thấp, do đó đặt ra thách thức liên quan đến việc sử dụng thuốc sai mục đích của người bệnh. Ngoài ra, sử dụng thuốc quá liều có thể làm ức chế trung tâm hô hấp và gây tử vong. Do vậy, nếu bệnh nhân sử dụng quá liều hoặc người nhà bệnh nhân uống nhầm phải thuốc thì nguy cơ tử vong có thể xẩy ra. Báo cáo của Mỹ và Pháp đều cho thấy tỷ lệ tử vong do quá liều Methadone cao gấp 2-3 lần tử vong do quá liều heroin và thị trường “chợ đen” về Methadone đều nghiêm trọng hơn ở các bang có chính sách cho bệnh nhân mang thuốc Methadone về nhà.

Theo quy định tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất, Methadone vừa nằm trong danh mục thuốc gây nghiện và vừa nằm trong danh mục các chất ma túy được dùng hạn chế trong lĩnh vực y tế. Theo đó, để đảm bảo thuốc được sử dụng đúng mục đích và an toàn cho bệnh nhân, yêu cầu bắt buộc đối với người bệnh là phải sử dụng thuốc trước sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế.

Thứ hai, đó là bắt buộc phải thiết lập hệ thống quản lý thuốc methadone chặt chẽ đối với bệnh nhân mang thuốc về nhà (như hệ thống bảo quản thuốc phải có khóa an toàn; được kiểm tra thường xuyên, ngẫu nhiên; kiểm tra ngẫu nhiên đối với thuốc hoặc chai thuốc; dạng thuốc nước phải có nắp đậy chống trộm trên thùng chứa nhỏ…). Ngoài ra, cũng cần phải xây dựng một hệ thống quản lý và kiểm soát hết sức toàn diện từ đánh giá lâm sàng, kiểm soát thuốc, xét nghiệm độc chất, đến các phương pháp giảm bớt việc sử dụng thuốc sai mục đích.

Thứ ba, không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu để được mang thuốc về nhà. Theo khuyến cáo của quốc tế, chỉ có những bệnh nhân đã ổn định liều tuân thủ điều trị tốt (nhất là những bệnh nhân ở khu vực miền núi, hẻo lánh ổn định liều mới và tuân thủ điều trị tốt) có thể sử dụng thuốc methadone dạng viên và mang thuốc về nhà sử dụng. Dạng thuốc viên chủ yếu được triển khai tại các nước phát triển (Hoa Kỳ, thuốc methadone dạng viên hiện chủ yếu sử dụng trong điều trị giảm đau, với liều thấp phổ biến với hàm lượng 5mg hoặc 10mg/viên). Các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan không sử dụng thuốc dạng viên.

Từ những khó khăn đó, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ xem xét phương án triển khai thí điểm điều trị thuốc viên tại địa bàn thuộc một số tỉnh miền núi phía Bắc. Sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động triển khai thí điểm, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ khả năng mở rộng điều trị ra các tỉnh, thành phố khác.

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 15/12/2016, Chương trình Methadone đã được triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố, với 274 cơ sở và điều trị cho 50.663 bệnh nhân.

Trong năm 2016, đã có thêm 5 tỉnh với 34 cơ sở mới đi vào hoạt động, tiếp nhận điều trị thêm 6.943 bệnh nhân mới so với cuối năm 2015, đạt 63% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg. Năm 2016 cũng triển khai mạnh mẽ việc cấp phát thuốc tại tuyến xã, với tổng số 19 địa phương triển khai và số bệnh nhân uống thuốc tại xã phường chiếm 25% tổng số bệnh nhân đang được điều trị. Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên có đến 40%-50% bệnh nhân uống thuốc tại xã.

Bên cạnh đó, một số địa phương (như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang) hiện đang triển khai thử nghiệm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc buprenorphine cho 163 người (TP.HCM: 92, Hà Nội: 68, Bắc Giang: 03). Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ về hiệu quả triển khai chương trình điều trị này cũng như khả năng nhân rộng sau khi hoàn tất hoạt động đánh giá.

Đối với điều trị Methadone trong trại giam, số lượng phạm nhân được điều trị Methadone tại trại giam Phú Xuân 4 (Thái Nguyên) giảm từ 30 người (tại thời điểm 31/12/2015) xuống còn 15 người tại thời điểm báo cáo.

Đối với điều trị Methadone trong các cơ sở cai nghiện, số lượng cơ sở cai nghiện triển khai điều trị tăng từ 11 (tại 9 tỉnh/thành phố) lên 23 cơ sở (tại 15 tỉnh/thành phố), số lượng học viên được điều trị tăng từ 1.893 người lên 2.721 người.