Nếu chủ quan sẽ không có giải pháp phòng, chống HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 26/07/2016
Đó là cảnh báo của Tiến sỹ Aaron Motsoaledi - Bộ trưởng Y tế Nam Phi tại Hội nghị quốc tế về HIV lần thứ 21 vừa diễn ra tại Durban, Nam Phi.

 

Toàn cảnh hội nghị

 

Tiến sỹ Motsoaledi nhấn mạnh: “Có thể sẽ không có giải pháp để chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS nếu chúng ta tiếp tục chủ quan tự mãn”. Chính vì vậy, ông kêu gọi thế giới quyết tâm trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và trẻ vị thành niên trong cuộc chiến chống loại virus nguy hiểm chết người này.

Theo Tiến sỹ Motsoaledi, thanh thiếu niên và các cô gái trẻ tiếp tục phải chịu đựng gánh nặng của căn bệnh HIV và những người đàn ông cần phải là một phần trong giải pháp chống HIV, chứ không chỉ là một phần gây ra vấn nạn này. Ông Motsoaledi cũng khẳng định cần phải có một quỹ toàn cầu hỗ trợ đầy đủ cho cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS.

Một nghiên cứu được Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Quỹ Kaiser Family Foundation báo cáo tại hội nghị cho thấy, ngân sách chính phủ tài trợ giảm đến hơn 1 tỷ USD, từ 8,6 tỷ USD trong năm 2014 xuống còn 7,5 tỷ USD năm 2015.

 Lời cảnh báo được đưa ra chỉ hơn 2 tháng trước khi Hội nghị Tài chính Quốc tế của Quỹ Tài trợ Toàn cầu (Global Fund) được tổ chức ở Canada. Quỹ được thành lập vào năm 2002 để quyên tiền cho cuộc chiến chống AIDS, sốt rét và bệnh lao. Quỹ Toàn cầu đang yêu cầu có ít nhất 13 tỷ USD từ nguồn tài trợ của các chính phủ.

Trong khi đó, nghiên cứu do Global Fund công bố trong tuần này cảnh báo rằng, sẽ có 21 triệu người chết do AIDS và 28 triệu người nhiễm HIV mới trong 6 năm tới nếu quỹ không nhận được 13 tỷ USD ngân sách tài trợ.

Hiện có khoảng 36,7 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV/AIDS, chủ yếu là ở khu vực châu Phi cận Sahara. Trong số này, chỉ có 17 triệu người được điều trị. Do đó, hội nghị đã kết thúc với lời kêu gọi: Tăng cường tài trợ, bởi các nỗ lực tìm kiếm các biện pháp kiểm soát dịch vẫn đang được tiếp tục và vẫn có khoảng 2,5 triệu người nhiễm mới HIV mỗi năm.

Hội nghị quốc tế về HIV lần thứ 21 được tổ chức tại Nam Phi với sự tham dự của hơn 18.000 đại biểu đến từ 153 quốc gia trên thế giới. Một trong những nội dung chính của hội nghị lần này là nghiên cứu tìm kiếm loại vaccine có thể giúp ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn HIV.

Rất nhiều các nhà khoa học, hoạt động và nhà tài trợ tập trung tại thành phố cảng Durban của Nam Phi để thảo luận về những tiến bộ mới nhất trong việc giải quyết căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 triệu người trong vòng 35 năm qua.

Theo nước chủ nhà Nam Phi, để có được một thế hệ không bị nhiễm HIV đòi hỏi phải có sự cam kết của cộng đồng quốc tế và đầu tư phù hợp cho nghiên cứu và phát triển để giúp tìm ra vaccine mới cũng như phương thức điều trị hiệu quả hơn đối với căn bệnh này.

Hội nghị đã chính thức bầu bà Linda Gail Bekker làm chủ tịch mới của Tổ chức phòng chống AIDS quốc tế nhiệm kỳ 2016-2018. Bà Bekker, nguyên là Giám đốc Viện nghiên cứu HIV Desmond Tutu, là nhà lãnh đạo châu Phi đầu tiên của tổ chức này.