Xin quyền được chết, nhiều lý do chưa thể áp dụng
Tuổi trẻ - 13/07/2016
Khi già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, y học không còn có thể cứu chữa thì bệnh nhân có thể lựa chọn cái chết êm ái, nhẹ nhàng? Xin chết có được không?

 

Xin quyền được chết, nhiều lý do chưa thể áp dụng
Bà Bạch Tuyết "... mong Quốc hội, Chính phủ nên cho tôi quyền được chết" - Ảnh: Trần Kim Anh

Ước nguyện của cô giáo neo đơn Nguyễn Thị Bạch Tuyết (63 tuổi, Long An) làm dấy lên tranh luận về quyền được chết: Nên hay không việc hiến định quyền này?

Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến ủng hộ. Ngược lại, có không ít ý kiến phản biện. Bạn đọc N.T. phân tích: “Hôm nay không cứu được không có nghĩa là ngày mai không cứu được, y học tiến bộ từng ngày. Ký một chữ ký để chấm dứt những đau đớn thể xác do bệnh tật cho người thân dù hiểu như thế nào thì nó vô cùng khó khăn và đau đớn cho người ở lại... Người Việt ta hiếu nghĩa, ai có thể cầm bút ký để “ban cái chết” cho người thân của mình?".

Mọi cái chết chứa đựng tính cưỡng bức hay có chủ tâm đều là những cái chết không bình thường và bất thường.

Con người là thực thể của tự nhiên nên sự sống và cái chết hãy để chúng diễn ra một cách tự nhiên, tất nhiên là vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh luôn phải được coi trọng.

PGS.TS Phùng Trung Tập

Nhiều lý do nên chưa thể áp dụng

PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học VN) cho rằng: “Người VN trước giờ hành xử theo đạo giáo phương Đông, cho dù có điều trị tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa thì chẳng ai cho phép tiêm “mũi tiêm nhân đạo” để chấm dứt sinh mệnh người bệnh là người thân của mình”.

PGS.TS Phùng Trung Tập - giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội - cho biết: “Về nhân quyền, mọi cá nhân trong xã hội có thể thực hiện các quyền mà pháp luật quy định. Quyền được chết đã được nhiều quốc gia khác quy định trong luật. Về lý thuyết, quyền được chết nếu được làm rõ, phân tích kỹ càng, quy định cụ thể thì có thể áp dụng tại VN nhưng quy định về quyền này cho cá nhân vào thời điểm nào mới là điều cần lưu ý”.

Theo ông Tập, quyền được chết liên quan đến nhiều vấn đề như truyền thống văn hóa của dân tộc, quan điểm về sự sống, cái chết, quan điểm về đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Người Việt từ xưa đến nay đều coi cái chết là điều rất ghê gớm, hiếm có ai nghĩ đến quyền được chết.

Cá biệt có những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y sống rất khó khăn, đau khổ về tinh thần và suy kiệt về thể xác, họ nghĩ rằng mình sẽ làm khổ người thân nên muốn xa rời sự sống. Tuy nhiên đây chỉ là số ít, không phải phổ biến. Về mặt sinh học và xã hội, con người được sinh ra bao giờ cũng quan tâm về sự sống.

Dễ sinh tiêu cực

Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Quyền được chết là một quyền rất mới. Trên thế giới hiện vẫn đang tranh cãi về vấn đề này. Quyền được chết có thể gây ra lẫn lộn trên hai phương diện: thứ nhất, bệnh nhân thực sự có muốn thực hiện quyền được chết và thứ hai là tình trạng có kẻ xấu lợi dụng, lạm dụng quyền này”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình lưu ý: “Chúng ta đang sống trong xã hội chuyển đổi không ngừng với hệ thống các giá trị chưa bền vững nên việc quy định quyền này sẽ đem đến những phức tạp, dễ dẫn đến tiêu cực.

Hầu hết ý kiến phản đối tập trung vào việc người VN thiếu tính kỷ luật, tính chất tự phát lớn và năng lực quản lý chưa tốt. Chính vì những yếu tố này nên nếu có quyền được chết có thể sẽ đẻ ra những điều mà các nhà chuyên môn không đủ sức chịu đựng”.

Ông Phùng Trung Tập cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều người vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ về xã hội, pháp luật, đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng… nên họ có thể sẽ lạm dụng quyền này để thực hiện các hành vi phạm tội như chiếm đoạt tài sản, thậm chí phá vỡ quan hệ gia đình nào đó.

Chẳng hạn các cơ sở chữa bệnh có thể thông đồng với người nhà bệnh nhân thực hiện cái chết cưỡng bức nhằm trục lợi, con cháu cưỡng bức ông bà để hưởng thừa kế, vợ cưỡng bức chồng để có tình nhân mới hoặc ngược lại anh em ruột thịt tham lam tài sản, con nợ cưỡng bức chủ nợ để quỵt tiền, cưỡng bức cá nhân khác chết để không phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó như nghĩa vụ nuôi dưỡng…

Hơn nữa, sau khi bệnh nhân được thực hiện “cái chết êm ái” sẽ nảy sinh rất nhiều dư luận không hay cho gia đình, người thân bệnh nhân.

Xin quyền được chết, nhiều lý do chưa thể áp dụng
Kết quả một khảo sát bạn đọc mà TTO từng thực hiện

Có thể thực hiện… ở tương lai xa?

Về mặt logic, ông Trịnh Hòa Bình tán thành quyền này nhưng theo ông, không gian xã hội chưa thực hiện được bởi liên quan đến tập quán, đạo lý cùng nhiều vấn đề khác.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phùng Trung Tập cho rằng trong tương lai xa, trong xã hội mà ở đó mọi người có nhận thức thật đầy đủ, thật triệt để về sự sống, ý nghĩa của cuộc sống, về cái chết và không có sự khác biệt về quan điểm, tín ngưỡng, tôn giáo thì khi đó pháp luật có thể quy định quyền của cá nhân trong hoàn cảnh nhất định (đang mắc bệnh hiểm nghèo mà biết rất rõ căn bệnh đó không thể trợ giúp về y học, về dược liệu và phương thức điều trị được nữa) thì pháp luật có thể quy định về quyền được lựa chọn cái chết êm ái, nhẹ nhàng theo ý chí của chính cá nhân.  

“Vì vậy, vấn đề an tử - được chết một cách thanh thản theo ý chí của cá nhân - với những người mắc bệnh nan y, hiểm nghèo có thể ghi nhận như là một hiện tượng chứ không phải bản chất của xã hội và bản chất của sự sống”, ôngTập nhấn mạnh.

Theo ông Tập, quyền được chết chỉ thích hợp đưa vào luật khi chúng ta có hệ thống y khoa chặt chẽ dưới sự kiểm soát chặt chẽ và nhận thức đúng đắn của người dân.

Các điều kiện cần có

Thứ nhất, người dân phải có nhận thức đúng đắn về cái chết và sự sống, về văn hóa, về y học…

Thứ hai, không phải bệnh viện, cơ sở điều trị, đội ngũ y bác sĩ nào cũng được trợ giúp quyền lựa chọn cái chết êm ái của cá nhân bệnh nhân. Trước khi thực hiện quyền được chết phải có sự kiểm tra theo đúng quy định của ngành y, có hội đồng y khoa để chẩn đoán và xác nhận là y học không thể giúp gì cho bệnh nhân được nữa, cho dù đã tìm mọi biện pháp y khoa tân tiến nhất vào thời điểm đó.

Thứ ba, trước khi luật an tử được ban hành, phải có sự tham khảo ý kiến của toàn dân bằng biện pháp thống kế xã hội học và phân loại độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tín ngưỡng, trình độ văn hóa, thu nhập, hoàn cảnh sống và các quan hệ xã hội khác của từng nhóm người trong xã hội để biết tỉ lệ phần trăm đồng tình và tỉ lệ không đồng tình.

Sự đồng thuận của xã hội là rất quan trọng vì pháp luật hình thành dựa trên sự đồng thuận ấy, căn cứ vào thực tế cuộc sống.

PGS.TS Phùng Trung Tập