Nhiều khó khăn trong nghiên cứu, ứng dụng thuốc điều trị nghiện ma tuý
Báo Tiếng chuông - 11/02/2017
Điều trị nghiện ma túy là một công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi triển khai đồng bộ các giải pháp y tế, tâm lý, xã hội, pháp luật. Trong khi đó, việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc điều trị cho người nghiện ma tuý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

Ảnh minh hoạ

 

Thế giới chưa có thuốc điều trị nghiện MTTH

Theo thống kê của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma tuý của Liên Hợp Quốc (UNODC), đến năm 2013, ước tính có khoảng 246 triệu người sử dụng các chất gây nghiện trên toàn thế giới, trong đó đã có đến 34 triệu người nghiện các loại ma tuý tổng hợp dạng ATS, 163 triệu người nghiện cần sa, 14 triệu người nghiện thuốc phiện và heroin, 14 triệu người nghiện cocaine. Đáng lo ngại là, nhu cầu tiêu thụ các chất gây nghiện, các chất hướng thần mới ngày càng tăng cao.

Theo hướng dẫn chuẩn của thế giới, việc chẩn đoán nghiện MTTH dựa trên Bảng phân loại bệnh tật quốc tế (ICD 10 của WHO hoặc DSM5 của Hoa Kỳ). Khó khăn lớn nhất trong việc chẩn đoán nghiện MTTH chính là việc ở người sử dụng không xuất hiện hội chứng cai điển hình.

Cộng đồng quốc tế hiện chưa có phác đồ điều trị bằng thuốc nào thực sự hiệu quả để điều trị nghiện MTTH. Phương án được áp dụng phổ biến nhất hiện nay chỉ đơn thuần bao gồm 2 nội dung cơ bản. Đó là, điều trị hội chứng cai bằng thuốc (như benzodiazepines; trong khi kết quả từ các nghiên cứu cho thấy các thuốc chống trầm cảm và chống loạn thần ít tác dụng hoặc hiệu quả hạn chế); và, sử dụng các can thiệp về tâm lý và xã hội (chủ yếu can thiệp ngoài cộng đồng mà không cần vào các cơ sở điều trị nội trú). Cộng đồng quốc tế đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của dự phòng nghiện và dự phòng tái nghiện MTTT, vì các dạng,thể của MTTH thay đổi nhanh chóng về số lượng cũng như tác động bên cạnh lý do hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Điều trị nghiện ma tuý tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 6/2015, cả nước có tổng số 204.377 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 22.981 người (tăng 12,14% so với năm 2013); 80% sử dụng heroin, 11% sử dụng MTTH với xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn và khu vực đô thị.

Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn để xác định tình trạng nghiện và điều trị nghiện ma tuý cũng như việc quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc.

Đối với người nghiện MTTH, hiện nay việc chẩn đoán và điều trị cho người nghiện MTTH được thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn Bộ Y tế đã ban hành tại Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10/9/2014, trong đó 2 can thiệp chủ yếu được thực hiện gồm điều trị hội chứng cai bằng thuốc (như benzodiazepines) và tư vấn tâm lý và xã hội cho người nghiện. Thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an. Riêng với các Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội và các cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện, quy trình cai nghiện cho người nghiện ma tuý thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010 của Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế.

Tại Hội thảo về điều trị ma túy tổng hợp do Bộ Y tế tổ chức tháng 12/2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, hiện chưa có thuốc mang tính đặc hiệu cho nghiện chất dạng Amphetamine. Phác đồ điều trị ma túy được áp dụng trước đây là Methadone không có tác dụng điều trị với ma túy tổng hợp. Một trong những biện pháp trước mắt là cần các Ban, ngành và toàn thể xã hội triển khai quản lý tại cộng đồng và hỗ trợ về mặt tâm lý cho người nghiện.

Đối với người nghiện ma tuý nói chung, Bộ Y tế đang cho phép lưu hành một số loại thuốc, phương pháp y học dùng trong việc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý như: điều trị cắt cơn bằng phác đồ An thần kinh, phương pháp châm cứu hỗ trợ cắt cơ nghiện ma tuý, thuốc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý Heantos, thuốc điều trị hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma tuý Bông Sen, thuốc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý Cedemex, thuốc CAMAT (BSA 52); điều trị duy trì bằng thuốc đối kháng Naltrexone.

Bộ Y tế hiện đang triển khai nghiên cứu các bài thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma tuý, đặc biệt là các nghiên cứu về điều trị nghiện MTTH như: nghiên cứu sử dụng liệu pháp tâm lý Matrix trong hỗ trợ điều trị cai nghiện và phục hồi chức năng cho người nghiện MTTH dạng Amphetamin; nghiên cứu thực trạng sử dụng các chất dạng thuốc Amphetamine tại một số vùng dân cư miền bắc Việt Nam; nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và điều trị hội chứng cai nghiện chất dạng Amphetamine.

Khó khăn trong nghiên cứu, ứng dụng thuốc

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc điều trị cho người nghiện ma tuý. Bởi, quá trình nghiên cứu phát hiện thuốc mới, đặc biệt là thuốc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý phải thực hiện qua nhiều giai đoạn. Do đó, đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nhất định để một thuốc từ khi nghiên cứu đến khi được cấp phép đưa vào sử dụng trong cộng đồng.

Hơn nữa, kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu về các bài thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma tuý còn hạn chế.

MTTH bao gồm rất nhiều loại khác nhau, nghiện MTTH không có triệu chứng điển hình nên Bộ Y tế mới chỉ nghiên cứu và ban hành được “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng MTTH chất Amphetamine”.

Bên cạnh đó, việc triển khai hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền về phòng chống ma tuý và công tác thanh tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng các chất gây nghiện, chất hướng tâm thần và tiền chất gặp nhiều khó khăn do ngân sách chương trình mục tiêu về phòng, chống ma tuý phân bổ cho Bộ Y tế không có kinh phí dành cho công tác này trong khi ngân sách hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế có hạn, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn có phần hạn chế.

Theo Bộ Y tế, nghiện ma tuý là một bệnh não mạn tính, có nguy cơ tái phát, cần phải được điều trị cắt cơn và điều trị duy trì kết hợp với tạo việc làm và môi trường sống lành mạnh. Ở Việt Nam, hiện nay vẫn còn một số quan điểm coi nghiện ma tuý là các vấn đề xã hội, phải giải quyết bằng các giải pháp hành chính, hình sự. Điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác điều trị nghiện ma tuý.