Tăng cường trách nhiệm của bệnh nhân trong điều trị HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 22/12/2016
Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ huy động bệnh nhân HIV/AIDS tham gia đồng chi trả các dịch vụ chăm, sóc điều trị HIV/AIDS bằng thanh toán BHYT, nhằm tăng cường trách nhiệm của bệnh nhân trong điều trị, cũng như giảm những gánh nặng lên ngân sách Quốc gia trong điều kiện các nguồn vốn quốc tế bị cắt giảm.

Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh về những kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS và công tác vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT trên địa bàn.

 

Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bắc Ninh. Ảnh: Thùy Chi

 

Xin ông cho biết những kết quả tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Thế Truyền: Tính đến ngày 31/10/2016, lũy tích nhiễm HIV trên toàn tỉnh là 2.373 người, bệnh nhân AIDS là 1.009, lũy tích tử vong do AIDS là 946 trường hợp. Trong đó, 1.427 trường hợp nhiễm HIV và 57 số bệnh nhân AIDS được quản lý. Riêng trong 10 tháng đầu năm phát hiện 43 trường hợp nhiễm mới; 14 bệnh nhân mắc AIDS mới và 15 trường hợp tử vong do AIDS.

Hiện tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 119/126 xa, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV. Trong đó, thành phố Bắc Ninh phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất (48,8%). Trường hợp nam giới chiếm 69,5%, đường lây truyền qua đường máu chiếm 52,8%, độ tuổi 20-49 chiếm 88%, 75 trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi nhiễm HIV được phát hiện.

Trong thời gian vừa qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả, đó là: Tỷ lệ mắc mới HIV có xu hướng chững lại, không tăng mạnh như những năm 2010-2014; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm HIV âm tính…

Để đạt được kết quả trên, địa phương đã tích cực thực hiện chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm tự nguyện, giám sát; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS…

Về công tác điều trị nghiên các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, từ tháng 12/2014, địa phương mới bắt đầu triển khai cơ sở điều trị nghiện với số lượng ban đầu 5 bệnh nhân, sau một năm điều trị số lượng bệnh nhân tăng nhanh lên đến hơn 200 người. Hiện tại sau gần 2 năm điều trị, cơ sở đang điều trị cho hơn 426 người. Đặc biệt, Bắc Ninh đã thực hiện xã hội hóa điều trị Methadone, huy động sự đóng góp của bệnh nhân trong điều trị, giúp giảm gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước theo quyết định 22/QĐ-UBND tỉnh ngày 01/6/2015.

Ngoài ra, để bảo đảm kết quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo đảm tài chính phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020; bảo đảm ngân sách hoạt động phòng,chống HIV/AIDS sau khi dự án quốc tế kết thúc thời gian tới.

Trong 10 tháng năm 2016, trường hợp nhiễm HIV mới là nam giới chiếm đến gần 81%, chủ yếu là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, xin ông cho biết nguyên nhân và giải pháp?

Ông Nguyễn Thế Truyền: Trong 10 tháng đầu năm 2016, Bắc Ninh phát hiện mới 43 trường hợp nhiễm HIV mới trong đó có có 35 trường hợp là nam giới (chiếm 81%), đường lây truyền chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, nguyên nhân của tình trạng này là do người nhiễm là nam giới, chủ yếu là những lao động đi làm ăn xa, đặc tính công việc hay di biến động, thiếu kiến thức về phòng lây nhiễm HIV nên có những hành vi quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến bị lây nhiễm HIV.

Trước tình hình đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã có nhiều  kế hoạch truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, cụ thể: Tăng cường truyền thông cho những nhóm đối tượng khác nhau như nhóm dân di biến động (người lao động đi làm ăn xa, nhóm người làm nghề lái xe đường dài…); nhóm công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các khu nhà trọ của công nhân, người lao động.

Phối hợp với các sở ban ngành như Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tuyên truyền cho các nhóm đối tượng thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau về phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Sử dụng đội ngũ nhân viên tiếp cân cộng đồng, tuyên truyền viên đồng đẳng tiếp cận, tuyên truyền và hướng dẫn những khách hàng có nguy cơ dự phòng lây nhiễm HIV (như hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục, sử dụng bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy…).

Thưa ông, những khó khăn, hạn chế và giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Thế Truyền: Mặc dù số người nhiễm HIV, số mắc và tử vong do HIV/AIDS đã giảm, nhưng mức độ giảm chưa nhiều, chưa bền vững. Số người mới được phát hiện nhiễm HIV hiện vẫn còn ở mức cao. Mô hình dịch và các hành vi nguy cơ thay đổi theo hướng phức tạp và khó can thiệp… trong khi đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị hạn chế. Nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, ngân sách chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh dẫn đến sự thiếu hụt kinh phí đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động truyền thông, can thiệp và chăm sóc điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, một số hoạt động như chương trình tiếp cận cộng đồng, định mức hỗ trợ của tỉnh theo Thông tư 163 thấp hơn nhiều so với định mức của dự án trước kia nên không khuyến khích, huy động được nhân sự tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến xã, phường còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, điều hành và đánh giá.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ban ngành chưa thực sự tốt, nên một số nhiệm vụ chuyên môn quan trọng như truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình thực tế tại địa phương. Đáng lưu ý, các khu công nghiệp phát triển, số lượng lao động lớn trên địa bàn.

Để giải quyết những khó khăn, hạn chế trên, theo tôi thời gian tới cần tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phòng phú.

Tăng cường chất lượng hoạt động theo dõi đánh giá, điều tra dịch tễ HIV/AIDS để có cơ sở khoa học, bằng chứng thuyết phục xây dựng chứng sách, kế hoạch phù hợp thuyết phục Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế tỉnh và các sở ban ngành đoàn thể.

Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các ngành, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS nhằm thực hiện xã hội hóa, huy động bệnh nhân HIV/AIDS tham gia đồng chi trả cho các dịch vụ phòng,chống HIV/AIDS.

Xin ông cho biết tình trạng chăm sóc, điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm HIV/AIDS và công tác vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT tại địa phương?

Ông Nguyễn Thế Truyền: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở điều trị kháng thuốc ARV (Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa huyện Quế Võ). Tổng số bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý điều trị là 482 người; trong đó 49 bệnh nhân ngoại tỉnh (chiếm 33,7%); 100% phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Từ năm 2007 đến năm 2016, chương trình chăm sóc điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm được dự án quốc tế tài trợ 100% (bao gồm cả chi phí khám, thuốc, xét nghiệm). Sau năm 2016, dự án VAAC-US.CDC ngừng tài trợ tại Bắc Ninh, nguồn kinh phí hỗ trợ điều trị bệnh nhân không còn, do đó bệnh nhân điều trị HIV/AIDS sẽ phải sử dụng BHYT khi khám chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS.

Trong khi đó, số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy khoảng 44% bệnh nhân đang điều trị tại phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT, số còn lại chưa có thẻ.

Để vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với cơ quan truyền thông trên địa bàn tuyên truyền vận động, nâng cao kiến thức, hiểu biết của cộng đồng về lợi ích khi tham gia sử dụng BHYT. Tại các cơ sở điều trị ARV, cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện tư vấn bệnh nhân sử dụng BHYT khi khám chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS…

Để đạt được 100% người nhiễm tham gia BHYT trong thời gian tới, địa phương có những giải pháp sau: Trong năm 2017, trước mắt để bảo đảm 100% bệnh nhân đang điều trị tại phòng khám ngoại trú (PKNT) được duy trì điều trị sau khi dự án ngừng tài trợ, Sở Y tế Bắc Ninh đã triển khai hội nghị với các Sở ban ngành liên quan bàn về vấn đề đảm bảo 100% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT và bảo đảm 100% bệnh nhân có nhu cầu được điều trị ARV. Sau hội nghị các Sở ban ngành đã đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề BHYT cụ thể trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp cuối của Hội đồng nhân dân năm 2016.

Cụ thể, thẻ BHYT cho trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi: Sở LĐTB&XH tỉnh sẽ sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em để mua thẻ BHYT cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 tuổi đến 16 tuổi. Đối với bệnh nhân trên 16 tuổi, Sở Y tế tỉnh sẽ căn cứ vào Quyết định số 2188/QĐ-TTg để đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho các bệnh nhân có hộ khẩu Bắc Ninh đang điều trị ARV được quản lý trong năm 2016.

Song song với việc bảo đảm bệnh nhân được điều trị duy trì trong năm 2017 bằng nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, trong năm 2017 chúng tôi sẽ tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn về lợi ích của thẻ BHYT với người nhiễm HIV; thông báo cho bệnh nhân lộ trình cắt giảm hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS của UBND vào đầu năm 2018 (do nguồn kết dư BHYT của tỉnh chỉ đủ chi phí hỗ trợ mua thẻ cho người nhiễm trong năm 2017, không bảo đảm được chi phí trong các năm tiếp theo) để bệnh nhân chủ động trong kế hoạch điều trị ARV của bản thân.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ huy động bệnh nhân HIV/AIDS tham gia đồng chi trả các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS bằng thanh toán BHYT, nhằm tăng cường trách nhiệm của bệnh nhân trong điều trị cũng như giảm những gánh nặng lên ngân sách Quốc gia của chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện các nguồn ngân sách quốc tế cắt giảm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!