Thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2017
Báo Tiếng chuông - 04/01/2017
Năm 2017, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nhiều. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần phải bảo đảm 100% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT mới đạt tỷ lệ hơn 40%.

Cả nước đã phát hiện hơn 220.000 người nhiễm HIV, trong đó khoảng 50% số người bệnh đang điều trị thuốc kháng virus (ARV); số thuốc này được cấp miễn phí cho người bệnh bằng nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ giảm dần và đến giữa năm 2017 sẽ cắt giảm hoàn toàn. Đây là thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 

Tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

 

Tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Để giải quyết thách thức này, chúng ta bắt đầu phải chuyển sang nguồn sử dụng BHYT. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nên còn rất nhiều vướng mắc cần phải tập trung giải quyết.

Hiện nay, 3 vấn đề chính, trọng tâm mà Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tập trung giải quyết, bao gồm: Nỗ lực tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia sử dụng thẻ BHYT. Do tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS hiện đang có thẻ BHYT đang ở mức tương đối thấp. Trung bình trên toàn quốc tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT mới chỉ chiếm 40%, thấp hơn tỷ lệ trên cả nước nhiều.

Thứ hai, “ngành y tế đang nhanh chóng kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng gần 400 các phòng khám điều trị HIV/AIDS. Từ trước đến nay các phòng khám này là do các nguồn viện trợ nước ngoài hỗ trợ, do đó khi nguồn viện trợ đang giảm mạnh, chúng ta phải kiện toàn, lồng ghép vào các cơ sở y tế nhằm đáp ứng được các yêu cầu cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS để ký hợp đồng với các cơ quan BHYT. Việc này vẫn đang còn nhiều khó khăn cần giải quyết”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay.

Vấn đề thứ ba cần tập trung giải quyết là việc mua thuốc ARV và thanh toán ARV bằng nguồn BHYT. Đây là việc đầu tiên cần triển khai, còn rất nhiều việc đang phải tháo gỡ, chúng ta cần phải tiến hành mua thuốc ARV tập trung để có thuốc cho người bệnh dùng trong thời gian sắp tới.

Rào cản đối với những người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT

Ngoài những vấn đề trọng tâm cần cấp bách triển khai, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bởi những ràng buộc, điều kiện khi tham gia BHYT cần giải quyết. Do phần lớn người nhiễm HIV là lao động tự do, không đủ giấy tờ cá nhân pháp lý như hộ khẩu, chứng minh nhân dân để tham gia BHYT. Việc mua BHYT theo hộ gia đình cũng là một trong những khó khăn vì phần lớn những người trong các gia đình này đều nghèo.

Bên cạnh đó, nhiều người sau khi ra khỏi trung tâm giáo dục chữa bệnh lo sợ bị kỳ thị cho nên không dám về địa phương, đi tìm việc nhiều nơi, không đăng ký tạm trú hoặc thường trú; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sống lang bạt, thậm chí họ không có cả chứng minh nhân dân. Đây là rào cản cơ bản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận BHYT.

Lý do khiến nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT nữa là do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, gây cản trở cho người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...

“Trăn trở” với những rào cản

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gian qua ngành y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan đã rất “trăn trở” tích cực tháo gỡ những rào cản. “Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc trao đổi với những người nhiễm HIV, cộng đồng người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để tìm ra những rào cản khi người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận sử dụng BHYT, nhiều người chưa có thông tin đầy đủ về sự cần thiết, cũng như làm thế nào để tham gia BHYT, nên trong thời gian vừa qua chúng tôi đã tích cực truyền thông. Từ năm 2015, chúng tôi đã phổ biến tất cả thông tin liên quan đến BHYT cho những người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại các phòng khám về sự cấp bách, cần thiết và làm thế nào để tham gia BHYT, quyền lợi khi tham gia”.

Ngoài thông tin trực tiếp thì ngành y tế cũng tăng cường truyền thông đại chúng thông qua đài, báo, kênh truyền hình đại chúng để phổ biến rộng rãi, đặc biệt là những người nhiễm HIV. Đồng thời, tích cực truyền thông cho gia đình người nhiễm, cho xã hội để họ có những tác động, vận động những người nhiễm HIV chưa tham gia BHYT.

Liên quan đến vấn đề lộ danh tính khi tham gia BHYT khiến nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo ngại, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay: Vì người nhiễm khi tham gia BHYT cần phải có thông tin chính xác, tên, địa chỉ… Tuy nhiên, những người nhiễm HIV/AIDS không cần phải lo ngại chuyện này, vì các thông tin này chỉ lưu hành tại các cơ sở y tế và các cơ quan liên quan đến BHYT. Các thông tin được bảo mật chặt chẽ, tuân thủ theo quy định, bảo đảm bí mật thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS.

Về việc Luật BHYT vẫn quy định phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gia gần đây có nhiều người băn khoăn về quy định này, trong đó có những người nhiễm HIV/AIDS nên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn thêm về tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhưng không nhất thiết tất cả các thành viên trong một gia đình phải tham gia cùng một thời điểm, nên chúng ta vẫn có cơ chế để hỗ trợ những người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT theo từng cá nhân và từng bước tiến đến hộ gia đình.

Hướng tới các giải pháp thích hợp để tăng tỉ lệ người có BHYT

Để bảo đảm, duy trì các kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới xóa bỏ dịch AIDS và đạt được các mục tiêu đã cam kết trong công tác này, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh bảo đảm 100% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT.

Ngành y tế hiện đang tìm các giải pháp thích hợp để tăng tỉ lệ người nhiễm HIV có BHYT. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Ngành sẽ tích cực tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT. Những hộ không có điều kiện kinh tế để mua cả gia đình sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, thúc đẩy nhanh việc mua thuốc ARV nguồn BHYT và có cơ chế thanh toán phù hợp. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ phải mua thuốc ARV càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS. Cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh. Quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, bảo đảm bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải vượt qua được sự kỳ thị bởi đây là cuộc chiến đấu lâu dài, cho nên không thể giấu suốt đời.

Việt Nam đang hướng tới lộ trình BHYT toàn dân, chủ trương của nhà nước trong bối cảnh viện phí tăng tính đúng, tính đủ. Bảo hiểm là “cứu cánh” đối với mỗi bệnh nhân khi vào viện, nếu tính đủ chi phí có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Do đó, nếu không tham gia BHYT, nhiều gia đình người bệnh có thể trở thành hộ nghèo. Và với người nhiễm HIV/AIDS thì việc tham gia BHYT lại càng cần thiết hơn.

Những kế hoạch, hành động đang được Chính phủ và ngành y tế quan tâm triển khai, vì vậy chúng ta có thể vượt qua thách thức và tin rằng trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) đã cam kết với Liên Hợp Quốc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.