Miêu Trại là bản, làng của người Miêu (H’Mong, Mèo) theo cách gọi của người Trung Quốc. Đã tới cổ trấn Phượng Hoàng của tỉnh Hồ Nam, không thể không ghé qua Miêu Trại.
"Welcome to" Miêu Trại |
Đêm trước ở Phượng Hoàng, trong lúc đang lang thang dưới chân thành cổ thì chúng tôi tình cờ gặp một “ca ca” người Miêu - người này chỉ đường cho chúng tôi tới khu ẩm thực đêm và giới thiệu cho chúng tôi về một điểm đến tuyệt vời “năm ngày mới có một lần” ở bên ngoài khu thành cổ.
Thật ra đó chỉ là cách giới thiệu khôn khéo của anh chàng được nhiều cư dân ở Phượng Hoàng cổ trấn gọi là “nhịp cầu nối giữa khách du lịch và văn hóa của người Miêu”.
Hào hứng với trò chơi “đua thuyền” |
Giá tour một ngày theo các poster đặt tại các khách sạn là 216 tệ (có thêm chương trình giong thuyền trên suối) và 148 tệ gồm các chương trình: xem show văn nghệ của các nghệ sĩ người bản xứ, tham quan nhà bảo tàng văn hóa của người Miêu, thăm làng cổ Miêu Trại bên bờ hồ thơ mộng, đi chợ truyền thống, dừng chân trên Tình Nhân Kiều và một bữa ăn trưa theo phong cách ẩm thực của người dân nơi đây. Tuy nhiên, để tỏ thiện ý với các bạn đến từ Việt Nam, "ca ca" người Miêu đã đồng ý cung cấp tour cho chúng tôi chỉ với 90 tệ, tương đương khoảng 225.000 đồng.
Xe đón chúng tôi trên cây cầu bắc ngang dòng Đà Giang vắt giữa lòng cổ trấn. Cô bé hướng dẫn viên kiêm phiên dịch từ ngôn ngữ bản địa người Miêu sang tiếng phổ thông hết sức thông minh và dí dỏm.
Một căn nhà trong làng Miêu cổ |
Miêu Trại cách Phượng Hoàng chừng 21km, chặng đường dường như ngắn lại bởi tiếng hát trong trẻo và tràn đầy niềm tin yêu lạc quan trong cuộc sống của Tiểu Chu - tên người dẫn đường. Cô bé dạy chúng tôi hát một bài hát cổ, nói một vài câu như “xin chào, cảm ơn…” bằng tiếng Miêu, phiên dịch qua tiếng Trung phổ thông và cả tiếng Việt.
Chân dung một cô bé người Miêu |
Xe dừng trước sân nhà biểu diễn văn hóa của người Miêu, lúc này đã có rất nhiều khách du lịch, chủ yếu là người Trung Quốc, có lẽ chỉ có năm chúng tôi là những người nước ngoài, dù vẻ bề ngoài cũng không khác với người Trung Hoa là mấy. Đây cũng là lý do khiến nhiều bạn Trung Quốc không thể hiểu được vì sao chúng tôi không thể giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ phổ thông và nghĩ chúng tôi ở một nơi nào đó trên núi cao xuống phố.
Điều đó đã đem lại cho chúng tôi những cung bậc cảm xúc tràn đầy và nhiều biên độ ấn tượng.
Lặng lẽ |
Sau khi xem những tiết mục biểu diễn văn hóa khá lạ mắt và đặc sắc chúng tôi hào hứng tham gia vào trò chơi “đua thuyền”. Ba người cùng xỏ chân vào một chiếc thuyền gỗ, miệng hô “trái, phải, trái, phải”, chân bước theo nhịp, nếu không cùng đồng hành là thế nào cũng vấp té, ngã lăn quay ra giữa sân nhà.
Trò chơi vui, tiếng cười tràn ngập căn nhà được thiết kế và xây dựng theo phong cách riêng của người Miêu, máy ảnh được dịp bấm tanh tách.
Phía sau khu nhà biểu diễn là nơi được gọi là “bảo tàng của người Miêu”, trước đây chính là nhà của một ông vua Mèo. Kiến trúc nhà đặc sắc theo phong cách cổ, tường bằng gỗ được trạm trổ cầu kỳ, khéo léo, bắp ngô và ớt khô treo lúc lỉu trước hiên nhà. Không gian xanh và có chút rêu phong, gợi nhớ đến một thời phù hoa vương giả xưa.
Ngõ nhỏ |
Họa tiết Miêu trên một tấm vải treo tường |
Xe đưa chúng tôi tới thăm một ngôi làng đá cổ. Dọc con đường quanh co vách núi, hình ảnh những mái ngói âm dương sẫm màu thời gian nằm quần tụ chênh vênh dưới tán lá rừng. Ngay từ xa, đã nhìn thấy những người phụ nữ Miêu trong trang phục màu xanh truyền thống, thân áo được thêu họa tiết và đính trang sức cầu kỳ sặc sỡ, cầm dải băng kết hoa màu đỏ trước cổng làng để đón chào các vị khách phương xa.
Họ hát một bài hát bằng thổ ngữ Miêu hồn nhiên và sảng khoái, tay nâng bình rượu, tay nâng ly mời khách khiến không ai có thể chối từ.
Phụ nữ Miêu rất khéo léo trong việc khâu vá |
Người Miêu nói nếu không cạn ly thì sẽ không được đi qua cổng làng. Một thứ rượu nhạt, màu trong trẻo, hương nếp thơm dịu nhẹ nhưng lại thấm đượm thứ tình cảm chân thật của người miền quê.
Phơi ớt trong sân nhà |
Miêu Trại là một ngôi làng cổ bằng đá tuyệt đẹp với những bậc cầu thang, những bờ rào, những tường nhà được xếp lên bằng đá. Choáng ngợp bởi cấu trúc đặc sắc của ngôi làng cổ, chúng tôi như mê đi trước những cửa nhà, mái vòm, lối đi, tường đất… trước những em bé Miêu đứng hát vang vang mỗi góc tường, trước những cụ già đang cặm cụi tước đay, khâu vá…
Thích thú mặc thử quần áo truyền thống |
Không gì có thể diễn tả được vẻ đẹp của ngôi làng, sự thân thiện và ấn tượng khó gọi tên mà cuộc sống bình dị nơi đây đã mang lại cho chúng tôi trong hành trình ngày hôm đó… Để khi một mình bước chân trên Tình Nhân Kiều, hình ảnh một ngôi làng cổ phiêu diêu luôn hiện lên mờ ảo giữa những tán cây họ thông đang soi mình bên dòng suối, cảnh núi rừng gợi nhớ về hình ảnh những rừng taiga ở tận nước Nga, tiếng hát của Tiểu Chu lảnh lót như tiếng chim chào buổi sớm, tràn đầy như dòng nước đang róc rách dưới chân cầu…
Tôi bước qua Tình Nhân Kiều, không có bàn tay của tình nhân nắm chặt bàn tay, mà một niềm hạnh phúc dịu ngọt tràn đầy trong từng nhịp thở…
BĂNG GIANG
▪ Tìm về “đất ngàn cau” (19/09/2008)
▪ Ai ơi về với Khe Tân (19/09/2008)
▪ Mũi Dinh, ngày và đêm (18/09/2008)
▪ Nghỉ cuối tuần ở San Diego (18/09/2008)
▪ Mù Cang Chải vào mùa (18/09/2008)
▪ Khai trương khu du lịch lớn nhất nước (17/09/2008)
▪ Làng cổ mang hồn phố (16/09/2008)
▪ Hoa lộc vừng khoe sắc bên Hồ Gươm (16/09/2008)
▪ Thăm Hồng Giang cổ thương thành (15/09/2008)
▪ Hành trình đến thành phố hồng (15/09/2008)