TP - Làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang, TT - Huế) từ lâu không chỉ nổi tiếng với lễ hội vật truyền thống mà còn nức danh với nghề làm tranh cúng truyền thống.
![]() |
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước bên tranh làng Sình |
Vang bóng một thời
Cuộc sống sinh sôi nảy nở, hoa màu tươi tốt quanh năm, bãi Sình ngày nào đã trở thành nơi quần cư với nghề trồng lúa và đánh cá. Những ngày rảnh rỗi, người nông dân nơi đây lại tranh thủ làm tranh phục vụ các lễ của làng và dâng lên chốn cung đình trong các Quốc lễ. Tranh làng Sình được biết đến từ đó.
Tranh làng Sình được làm bằng cách khắc hình lên các khuôn gỗ rồi in lên một loại giấy đặc biệt mà người dân quen gọi là giấy mía, sau đó tô màu và phơi khô. Chất liệu đều tự nhiên, mực được làm bằng cách trộn lẫn một số loại nhựa cây với nhau nên màu sắc rất đặc biệt.
Chính vì thế tranh làng Sình được xem là vật phẩm tự nhiên, trong sạch không dơ bẩn nên được cúng tế rất nhiều, trở thành đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Biết bao phận người đã được nuôi sống nhờ tranh, bao nhiêu tâm huyết được nghệ nhân xưa gửi trọn vào từng khuôn vẽ, từng nét bút.
Nhưng giờ đây tất cả đã lùi dần vào quá khứ. Chiến tranh loạn lạc, sự thay đổi của cuộc sống khiến tranh làng Sình dần mai một. Cả làng chỉ còn 7 hộ làm nghề vẽ tranh cúng tế này. Nhưng thực sự sống chết với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Ông bà tui ngày xưa kể lại cả làng Sình ai cũng biết đục khuôn, vẽ tranh. Cha truyền con nối biết bao nhiêu đời gìn giữ nghề tổ. Nhưng giờ thì chẳng còn mấy đứa biết làm tranh nữa !” - Cụ Phan Trạch Bảo (80 tuổi) buồn rầu kể lại.
Đào hầm vẽ tranh!
Theo chỉ dẫn của cụ Bảo, chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Kì Hữu Phước (70 tuổi) có đến 9 đời gắn bó với tranh làng Sình. Nghệ nhân Kì Hữu Phước được dân làng coi là người có công lớn trong việc gìn giữ bí quyết gia truyền của tổ tiên để lại.
Căn nhà cấp 4 sơ sài chưa hề tô trét nằm nép mình bên những lũy tre bên dòng sông Hương. Nhìn căn nhà đủ biết để giữ gìn và sống với nghề gia đình nghệ nhân đã chấp nhận đánh đổi những gì.
Trong căn nhà chật hẹp đó, hằng ngày vợ ông- nghệ nhân Trần Thị Gái và con trai ông - nghệ nhân trẻ Kì Hữu Hải (27 tuổi) vẫn cần mẫn bên khuôn đục, nghiên mực và bút lông.
Tiếp chúng tôi bằng ly chè xanh và nụ cười thân mật, nghệ nhân Kì Hữu Phước bắt đầu câu chuyện về tranh làng Sình bằng giọng trầm lắng. Gia đình ông đã qua 9 đời làm tranh, ông là đời thứ 8. Rồi chiến tranh nổ ra, cả làng phải sơ tán. Ngày hòa bình lập lại cũng là lúc tranh làng Sình phải đối đầu với những khó khăn.
Tranh làng Sình bị xem là mê tín dị đoan nên bị cấm đoán. Ngày đó bao nhiêu khuôn, giấy, bút mực trong làng đều bị chính quyền tịch thu và đốt sạch.
“Thấy khuôn bị chẻ mà lòng tui như xát muối. Ông bà, cha mẹ đã từng sống gắn bó cả cuộc đời bằng những tấm khuôn đục đó cho đến trước lúc nhắm mắt vẫn dặn anh em tôi gắng giữ lấy nghề…” - Ông Phước ngậm ngùi nhớ lại.
Vì yêu nghề và quyết không để mất bí quyết, vợ chồng ông đã đưa những tấm khuôn đem đi giấu, rồi ông đào hầm ngay trong nhà, cả nhà ngồi cả tháng trời dưới hầm để vẽ tranh!
Nhờ thế mà nghề của tổ tiên được gìn giữ lại. Ngày đất nước đổi mới, tranh làng Sình được nhìn nhận lại, ông đưa những gì còn gìn giữ được truyền lại cho con trai ông là Kì Hữu Sang trước sự ngỡ ngàng của nhiều người dân.
Đến nay, gia đình ông vẫn gắn bó với nghề tổ tiên để lại. Ông, vợ và con trai đều được công nhận là “nghệ nhân tranh làng Sình”. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những con người tâm huyết và đã sống chết với nghề tổ.
Ước mơ
Năm 2007, trong Festival Làng nghề truyền thống, tranh làng Sình lần đầu tiên được giới thiệu và tôn vinh. Nhiều người trong đó có cả nghệ nhân tranh Đông Hồ đã đến tận nơi tìm hiểu và có nhiều kết luận về những giá trị nghệ thuật và giá trị đời sống tâm linh của tranh làng Sình.
Nhiều nghệ nhân đã khẳng định tranh làng Sình và tranh Đông Hồ có cùng một nguồn gốc bởi khi đem so sánh các tác phẩm và khuôn in có nhiều nét khá tương đồng về hình thức, cách thức làm ra sản phẩm.
Tranh làng Sình đã bước đầu lấy lại được hình ảnh của mình. Nhưng để tranh làng Sình nuôi sống được dân làng, xem ra còn quá xa xôi và cần có sự đầu tư thích đáng từ phía chính quyền nếu như không muốn mất đi một làng nghề truyền thống.
“Nếu có thể, tôi sẽ đưa tranh làng Sình thành tranh trang trí và nghề làm tranh trở thành một hoạt động du lịch, quảng bá đến nhiều nơi. Có như vậy người dân quê tui may ra mới sống nổi với nghề xưa !”. Đó là ước mơ của nghệ nhân Kì Hữu Phước và cũng là ước mơ của người dân sống bên bãi Sình của sông Hương này
▪ Chùm ảnh Sa Pa với "Lễ hội trên mây" (30/04/2008)
▪ Khánh thành Khu Di tích đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (30/04/2008)
▪ Đi bắt cá trên biển Trường Sa (25/04/2008)
▪ Đến Lạc Dương, thăm mộ Quan Công (22/04/2008)
▪ Lễ hội ẩm thực “Món ngon Nam Bộ” và “Trái ngon ĐBSCL” (21/04/2008)
▪ Lang thang những miền hoang vắng (19/04/2008)
▪ Tuần du lịch làng nghề Thăng Long - Hà Nội (17/04/2008)
▪ Huế: tu bổ di tích đón Festival (17/04/2008)
▪ Vịnh Hạ Long vẫn còn cơ hội (16/04/2008)
▪ “Đêm hội hoa đăng” Cần Thơ (08/04/2008)