Trung bình có trên 500 con chim vạc trú ẩn trong cánh rừng này. Sau tháng 9 âm lịch, đàn chim lên cả ngàn con, chúng ở đây qua cả mùa xuân. Việc chim vạc từ nhiều nơi chọn cánh rừng đước ngay trong phố trú ẩn quả là điều hiếm hoi. Người đang sở hữu vườn chim độc nhất vô nhị trong lòng TP Nha Trang là anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, Nha Trang. Anh Hưng sinh ra và lớn lên ngay tại cánh rừng này.
Năm 1952, khu vực này toàn lau sậy và các loại cỏ gai nhỏ. Ông Nguyễn Chương (ông nội anh Hưng) đã làm đìa nuôi tôm cá bằng cách trồng rừng đước ở vùng nước chè hai (nước lợ). Ông Chương đã kiên trì gây được 19 ha rừng đước, lập đìa theo kiểu thời bấy giờ. Đến những năm 1990, cánh rừng ấy giống như một điểm son của TP Nha Trang, bởi vì cả 2.000 ha rừng ngập mặn của toàn tỉnh đã dần dần bị biến mất, chỉ còn hon 200 ha đang bị đe dọa bởi những đìa tôm mỗi ngày một phát triển. Am hiểu chút ít về cây cỏ, ông Đỏ (cha anh Hừng) đã trở lại cánh rừng, gây giống đước sẻ, một loại đước khá đẹp. Điểm tối ưu của loài đước này chính là dưới mỗi gốc đước trở thành môi trường thích hợp cho các loài tôm cua sinh sống, phát triển nhanh.
Năm 1998, cánh rừng đước 19ha sau khi giao lại một phần cho địa phương, một lần nữa phải chia làm 7 vì ông Đỏ có tới 7 người con. Anh Nguyễn Văn Hưng là con trưởng trong gia đình được nhận giữ lại 3 ha rừng đước. Trong khi những người em trong nhà bắt đầu phá rừng, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm theo công nghiệp thì anh Hưng vẫn quyết tâm giữ lại cánh rừng đang xòe tán này.
Giờ đây, chỉ cần đi ngang cánh rừng đước của anh Hưng, ai cũng phải dừng xe.
Bởi ngoài dáng vẻ của rừng đước rất đẹp, trong nắng còn có từng bầy vạc bay về, bay đi. Những con chim vạc mầu trắng, đen, bay từng tốp vài chục con. Chúng chao vòng trên trời , rồi biến mất trong mầu xanh của rừng đước.Trưa nắng, chúng trú trong những cây đước mọc độc lập, nay có cây toả đường kính lên tới 20 mét.
Anh Hưng kể, cách đây một năm, có một du khách nước ngoài đạp xe đi lang thang, bất ngờ ông nhìn thấy cánh rừng, ông đã xin được chèo thuyền, vào trong tận những tán đước xòe. Ngày hôm sau, ông dẫn thêm 10 người bạn nữa tới tham quan cánh rừng.
Họ rất thích thú khi ngắm nhìn đàn chim vạc bay chao trong mầu xanh rừng. Từ những ngươi khách đầu tiên đó, vườn chim của anh Hưng đã trở thành "điểm du lịch bụi" của một số du khách nước ngoài.
Đi thăm vườn chim của anh Hưng có hai cách. Cách thứ nhất là đi dọc theo bờ đê, kiên trì đợi chim bay. Nhưng như thế không thú vị bằng theo anh chèo con thuyền nhỏ vào rừng. Chiếc thuyền nhỏ xíu chỉ vừa cho hai người len vào trong từng cây đước. Những con vạc thấy động bay tung lên trời cao. Anh Hưng bảo vệ đàn vạc từng ngày. Anh nói: "Có người xin được săn vạc trong cánh rừng của tôi, nhưng tôi không đồng ý. Đàn vạc chỉ còn nơi này là nhà của chúng”. Thật vậy, nếu không có cánh rừng của anh Hưng, dễ gì đàn vạc có thể yên lành sinh sống đến ngày hôm nay.
|