Những trung tâm lừa xuất hiện ở khắp nơi. |
Lạng lách một hồi trong ngõ nhỏ sâu hút trên đường Láng (Hà Nội), cậu thanh niên đi xe Dream dẫn đường phanh kít trước ngôi nhà mái tôn cũ kỹ, tường lở loét, rộng chừng 18 m2. Nhìn khuôn mặt tần ngần của khách, cậu trấn an: "Bọn em đã nhận tiền, sẽ có trách nhiệm tìm nhà".
Một quy định "bất thành văn" của các các Trung tâm môi giới nhà đất là khách sẽ phải nộp một khoản lệ phí xem nhà 30.000-100.000 đồng, tuỳ giá trị nhà. Sau khi khách xem xong, nếu đồng ý ký hợp đồng thì trung tâm sẽ được hưởng một khoản phí nữa tương đương 50-100% số tiền thuê nhà tháng đầu tiên.
Trong vai một sinh viên mới ra trường có nhu cầu tìm nhà, phóng viên VnExpress đã đến một trung tâm nhà đất trên phố Đại La (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau khi nghe yêu cầu, cô nhân viên văn phòng ngọt ngào: "Khu vực gần Láng Hạ, bọn em có 2 căn hộ. Một căn hộ 18 m2, khép kín, thoáng mát, chính chủ, cách đường 100 mét, giá 500.000 đồng. Anh nộp 50.000 đồng, bọn em sẽ cử người dẫn đi xem nhà".
Sau khi nộp lệ phí và ký nhận vào quyển sổ thu tiền, cuộc hành trình tìm nhà bắt đầu.
50.000 đồng chỉ để... xem nhà
Sau khi khách tỏ ý không hài lòng với ngôi nhà trên đường Láng, Hùng gạt chân chống, nhảy lên xe, phóng vèo ra đầu ngõ. Địa chỉ mới là một ngôi nhà 20 m2 nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Thái Hà, công trình phụ khép kín, có 1 tầng lửng, đúng như quảng cáo.
Tuy nhiên, ngôi nhà này nằm tận cùng con ngõ nhỏ, song song với bờ mương. Nhà bề ngang chừng 3 m nhưng càng vào sâu càng bóp lại chỉ còn 2 m, công trình phụ xây ngay cửa ra vào. Cái gọi là gác lửng thực chất chỉ là những tấm gỗ cũ kỹ kê trên cái xà nhà cũng cũ không kém. "Gác lửng này tuy nhỏ nhưng để sách vở và đồ linh tinh cũng thoái mái chán", Hùng quảng cáo.
Trong khi khách xem nhà, Hùng ra ngoài nói chuyện với một số chủ nhà bên cạnh, thái độ rất thân mật. Dường như, những người dân trong xóm đã nhẵn mặt cậu thanh niên này. "Anh cứ xem xét nhà này nhé, nếu đồng ý thì qua trung tâm, bọn em sẽ ký hợp đồng với chủ nhà. Thuê nhà giá 500.000-600.000 đồng bây giờ khó lắm", Hùng nói, rồ ga phóng xe đi.
Những người dân trong xóm cho biết, ngôi nhà được rao bán nửa năm nay, nhưng địa thế xấu nên chưa có khách mua. Trong thời gian chờ bán, chủ hộ quyết định cho thuê cho đỡ phí. Khoảng 2 tuần nay, ngày nào Hùng cũng dẫn 3-4 khách đến xem nhà nhưng chưa thấy ai quay lại.
Tại một trung tâm môi giới khác trên đường Láng, vẫn "bài cũ": đóng tiền môi giới và dẫn khách đến một số ngôi nhà thảm hại. Tuấn Anh, từng là nhân viên của Văn phòng nhà đất trên đường Láng tiết lộ, nguồn thu chủ yếu của các những trung tâm này là khoản phí dẫn khách xem nhà và càng nhiều người xem càng tốt. Còn giao dịch có thành công hay không lại là chuyện... hậu xét
"Hồi em còn làm ở trung tâm nhà đất, cả tháng may ra mới có 2-3 vụ giao dịch thành công. Phần lớn nguồn thu trông chờ vào khoản phí dẫn khách đi xem nhà. Mỗi khách thu 50.000 đồng, mỗi ngày chỉ cần dẫn 5-6 khách, coi như ổn", Tuấn Anh khoe.
Để thực hiện mánh làm ăn này, các trung tâm luôn có 3-4 ngôi nhà "mồi" (khách sẽ không thể ở được do chất lượng kém). Những ngôi nhà xập xệ được "đánh bóng" và đăng rao vặt trên các tờ báo. Khách đến xem nhà không ưng ý nhưng cũng không thể bắt đền trung tâm bởi họ đâu có quảng cáo sai sự thật. Trung tâm chỉ không đề cập đến những... bất tiện của nhà.
Bỏ nhà chạy lấy... người
May mắn hơn, thông qua trung tâm tư vấn nhà đất trên đường Láng, Thu Hồng và hai người bạn là sinh viên ĐH Công đoàn đã thuê được ngôi nhà trong ngõ Thái Thịnh 2. Ngôi nhà cấp 4 diện tích 24 m2, khép kín, giá 500.000 đồng. Sau khi xem xét cẩn thận địa thế, họ quyết định thuê nhà. Ngoài khoản phí xem nhà 50.000 đồng, nhóm bạn này còn phải trả cho trung tâm số tiền giao dịch thành công là 250.000 đồng (tương đương nửa tháng thuê nhà).
Tuy nhiên, niềm vui của họ chẳng được bao lâu. Chỉ sau hơn một tuần "an cư", nhóm bạn đã phải nhanh chóng thu dọn đồ đạc chuyển nhà gấp. Lý do là ông chủ nhà có vấn đề về thần kinh, mỗi khi lên cơn thì chửi bới, đập phá. Cậu con trai út thì nghiện vài ba năm nay.
"Khiếp quá, bọn em phải chuyển nhà ngay. Trung tâm hứa hẹn sẽ tìm giúp nhà khác nhưng họ cứ khất lần mãi. Hôm đầu tuần em đến trung tâm thì thấy họ đang ký hợp đồng với một người khác tại chính ngôi nhà đó.", Hồng cho biết.
Hiện nay, các ký túc xá tại Hà Nội, TP HCM mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu nhà ở của sinh viên. Đó là chưa kể tới hàng vạn sinh viên ra trường mỗi năm bám trụ tại các thành phố lớn. Rồi dòng người từ các khu vực ngoại ven đổ ra Hà Nội lao động phổ thông. Đây chính là thị trường béo bở cho các cò nhà đất.
Theo ông Ngô Trí Long, Viện phó Viện Khoa học giá cả (Bộ Tài chính), hoạt động của đội ngũ tư vấn nhà đất (nói nôm na là 'cò') hiện rất lộn xộn, nhà nước không kiểm soát được và gây tiêu cực tới thị trường. Phần lớn các cá nhân hoạt động môi giới nhà đất không được đào tạo tư vấn.
Theo giới kinh doanh, "cò" nhà đất được chia thành nhiều cấp độ. Quy mô nhất là các công ty TNHH, cổ phần có chức năng kinh doanh bất động sản. Phương thức hoạt động của các công ty này khá bài bản, thông tin đáng tin cậy, tuy nhiên các giao dịch tại các trung tâm này khá lớn.
Nhỏ gọn hơn là các văn phòng nhà đất, chỉ cần một căn phòng 3-4 m2, hai cái bàn làm việc, vài tấm bản đồ quy hoạch và một chiếc điện thoại bàn. Cuối cùng, là dạng "cò" đơn lẻ, nhân viên kiêm luôn giám đốc, cơ động khắp nơi, kinh doanh "thượng vàng hạ cám". Sau một thời gian làm việc mất tín nhiệm, các cò lại chuyển tới địa điểm mới và bắt đầu một đợt làm ăn mới.
Việt Anh
▪ Xoá nghèo vững chắc (17/09/2005)
▪ Việt Nam giảm gần 60% số hộ nghèo (17/09/2005)
▪ Nhiều trường mầm non 'né' lớp dưới 18 tháng tuổi (17/09/2005)
▪ Nên đưa hình ảnh thực về TNGT làm tranh cổ động? (17/09/2005)
▪ Ăn khoai tây, sắn, chết vì độc chất xyanua (17/09/2005)
▪ Kiểm điểm phòng khám để bệnh nhân chết trong toilet (17/09/2005)
▪ Hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa ASEAN và LHQ (14/09/2005)
▪ Lòng quyết tâm đã làm nên những thành công của VN (16/09/2005)
▪ Cá ngựa... lừa (15/09/2005)
▪ Nhiều hộ dân “ tẩy chay” nước máy (15/09/2005)